Kiếm đâu ra… thần đồng
Nhà thơ Trần Đăng Khoa vui vẻ khoe tập thơ 'Góc sân và khoảng trời' đã được in tới lần thứ 154-155. Phóng viên hỏi: 'Trước đây, ông có nghĩ tập thơ có sức sống bền lâu đến thế?'.
Nhà thơ thành thật: “Hồi ấy tôi cũng không nghĩ nó được thích đến tận bây giờ vì có những bài đã lạc hậu với đời sống”.
Ông lấy ví dụ bài Đi tàu hỏa: “Tiếng bành bạch rất xa/Tiếng bành bạch rất gần/Nghe ù ù ầm ầm/Đất trời đang xay lúa”. Đọc đến đây ông tự bình: “Xay lúa thế nào, trẻ con bây giờ không biết”.
Một ví dụ khác trong một bài thơ khác của Trần Đăng Khoa: “Mồm thở ra gió/Là cái quạt hòm”. Thi sĩ giải thích cho phóng viên: “Cái quạt hòm là cái quạt bằng gỗ, cái miệng như cái phễu, người ta đổ thóc vào đấy…”.
Nhưng bài thơ vinh dự vào sách giáo khoa và được nhiều độc giả nhí yêu thích của Trần Đăng Khoa chính là Sao không về Vàng ơi?.
Ông kể: “Tôi sang Pháp dự ngày thơ, nhiều độc giả Tây đề nghị đọc bài thơ đó bằng tiếng Việt. Trước khi đọc thơ, tôi phát biểu rằng con chó trong bài thơ này đã chết gần 50 năm rồi, nếu bây giờ nó sống nó cũng gần bằng tuổi tôi, già rồi. Nó chết không phải vì bom đạn, vì sau đó nó còn về, mà chết vì già. Mẹ tôi lấy chăn cũ ra gói nó lại chôn ở góc vườn. Tôi không ngờ con chó đã chết mà nó vẫn lẽo đẽo theo tôi đến đây, nó vẫn còn cõng tôi đi chu du khắp nơi”.
Có phải vì thơ thiếu nhi ở ta chưa phong phú, là cơ hội để tập Góc sân và khoảng trời nói riêng, thơ thiếu nhi của Trần Đăng Khoa nói chung được in đi in lại?
Trần Đăng Khoa tán đồng một phần: “Có thể đó cũng là một lý do. Vì nhiều đứa trẻ con bây giờ rất tài. Chúng tính nhẩm thiên tài. Xem chúng trong Tuyệt đỉnh song ca nhí đi, chúng hát siêu đấy, diva không so được đâu…
Nhưng những đứa trẻ làm thơ nhiều và hay hình như bây giờ không có. Có khi tôi là “thần đồng” đầu tiên và cũng là cuối cùng”.
Hỏi “thần đồng”, tác phẩm tái bản liên tiếp thì tiền tiêu đâu cho hết?
“Thần đồng” bảo: “Ui giời, chả đáng bao nhiêu đâu. Một năm tôi nhận tiền bản quyền khoảng 36-40 triệu đồng. Như thế đã là nhiều, vị khác có khi chỉ 500-700 ngàn đồng thôi”.
Tôi nhắn Trần Đăng Khoa: Đừng tiết lộ tiền bản quyền, trẻ con mà biết chúng sẽ không đi theo văn học đâu. Chúng không theo thì lấy đâu ra “thần đồng”?
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-dau-ra-than-dong-post1482209.tpo