Kiểm điểm thường xuyên, không để tham nhũng, tiêu cực phát triển

5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, công tác phòng, chống tham nhũng đã được triển khai mạnh mẽ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ song vẫn còn tồn tại, hạn chế. Cơ chế, chính sách pháp luật trên một số lĩnh vực còn sơ hở, bất cập; một số giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hình thức…

Khắc phục vấn đề này đòi hỏi cả hệ thống chính trị và từng người dân phải có trách nhiệm, thực hiện kiểm điểm thường xuyên, định kỳ, không để tham nhũng, tiêu cực phát triển.

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại điểm cầu thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh

Quang cảnh Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tại điểm cầu thành phố Hà Nội. Ảnh: Nguyên Anh

Chuyển đổi vị trí công tác 235.271 người nhằm phòng ngừa tham nhũng

Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt, qua 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng được thực hiện quyết liệt theo chủ trương “không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Các bộ, ngành, địa phương kiểm tra tại 139.208 cơ quan, tổ chức, đơn vị về công khai, minh bạch; phát hiện và xử lý 1.445 cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm; tiến hành kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức tại 117.848 cơ quan, tổ chức, đơn vị; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh sai phạm và xử lý 2.906 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 235.271 người nhằm phòng ngừa tham nhũng. Thông qua hoạt động xét xử các vụ án tham nhũng, các Tòa án cấp sơ thẩm xác định có 179 vụ án với 602 bị cáo thuộc trường hợp phải thu hồi tài sản. Tòa án đã tuyên tổng số tiền, tài sản tham nhũng (được quy đổi giá trị bằng tiền) phải thu hồi là 4.572.105.353.780 đồng.

Tại thành phố Hà Nội, theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn, thành phố đã chủ động, tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và nhân dân trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Từ năm 2019 đến tháng 6-2024, qua công tác thanh tra, đã phát hiện vi phạm với tổng số tiền hơn 215 tỷ đồng; tiến hành kiểm điểm trách nhiệm đối với 230 tập thể và 574 cá nhân do thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 10 cuộc. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, đã kiến nghị thu hồi 1.428 triệu đồng và 5.215m2 đất; trả cho công dân 83 triệu đồng và 302m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 156 tập thể và 284 cá nhân để xảy ra sai phạm; chuyển cơ quan điều tra 21 vụ.

Khắc phục những sơ hở, bất cập

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn bất cập, hạn chế.

Từ thực tiễn, Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật nói chung và pháp luật về phòng, chống tham nhũng nói riêng; nghiên cứu thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của nhà nước; quán triệt và thực hiện đúng tinh thần lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển.

Trong đó, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng như công khai, minh bạch tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; chuyển đổi vị trí công tác; chế độ, định mức, tiêu chuẩn; kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập.

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện đồng bộ các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cần coi trọng các biện pháp phòng ngừa, vừa quyết liệt, nghiêm minh trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương.

Phát biểu tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước ta coi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng và củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công tác chung của toàn dân, của từng đảng viên, từng chi bộ, từng cơ sở. Mọi người dân đều phải có trách nhiệm đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện kiểm điểm thường xuyên, định kỳ, không để tham nhũng, tiêu cực phát triển.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư cho rằng, cần xử lý những khâu còn yếu, khâu còn dở, có biện pháp mạnh mẽ, không để tham nhũng vặt; đẩy nhanh tiến độ điều tra những vụ án người dân quan tâm; hoàn thiện hệ thống thể chế chính sách pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu thực tiễn, bảo đảm thực thi quyền lực nhà nước, quyền con người, quyền công dân và lợi ích chung của toàn xã hội... Cùng với đó, cần tập trung chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm toán; nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng:
Tập trung thanh tra lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp

Trong tổng số 659 cuộc thanh tra, kiểm tra do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện năm 2024, đã xác định 367 tổ chức, cá nhân vi phạm và ban hành 351 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 18,43 tỷ đồng.

Theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2025, căn cứ vào định hướng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung giám sát, kiểm tra, thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp dễ phát sinh hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cụ thể, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các hội, viện và tạp chí có mâu thuẫn nội bộ, buông lỏng quản lý, có nhiều đơn thư khiếu kiện kéo dài, vượt cấp; thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động phát hành xuất bản phẩm và trách nhiệm của đối tác liên kết phát hành xuất bản phẩm trên môi trường mạng; rà soát và xử lý tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra tiếp tục kiểm tra đối với các doanh nghiệp bưu chính; việc chấp hành quy định về thông báo giá cước, niêm yết giá cước…

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn:
Thanh toán không dùng tiền mặt là biện pháp chống rửa tiền

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế, góp phần minh bạch hóa các giao dịch tài chính trong nền kinh tế, hạn chế hoạt động kinh tế ngầm, rửa tiền.

Đến thời điểm hiện nay, khoảng 87% người trưởng thành có tài khoản thanh toán, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân hơn 200 triệu, tăng 140% so với cùng kỳ năm 2019. Điều này khẳng định hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt đã có những bước tiến mạnh mẽ, đem lại giá trị thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, toàn xã hội, góp phần minh bạch hóa giao dịch trong nền kinh tế và phòng chống tham nhũng…

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một công cụ quan trọng trong công tác phòng, chống rửa tiền, là biện pháp phòng ngừa, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn các hành vi rửa tiền và khắc phục hậu quả tham nhũng một cách hữu hiệu.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Ngọc Hải:
Hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi

Thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm; từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ; xây dựng các văn bản, quy định theo thẩm quyền để phòng ngừa tham nhũng.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Hành vi tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp và khó phát hiện.

Để khắc phục, UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thể chế hóa các nội dung chủ trương, chính sách của Đảng về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Cùng với đó, cấp có thẩm quyền cần ban hành quy định về trình tự, thủ tục tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập; trong đó, có quy định cụ thể đối với từng hành vi kê khai không trung thực, giải trình không trung thực…

Khánh Ly ghi

Hương Ly

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/kiem-diem-thuong-xuyen-khong-de-tham-nhung-tieu-cuc-phat-trien-689679.html