Kiểm định chất lượng CT đào tạo từ xa: Thực dạy, thực học, chất lượng thực

Kiểm soát chất lượng hệ đào tạo từ xa chặt chẽ hơn để đảm bảo người học có năng lực và kiến thức đúng giá trị tấm bằng.

Một lớp học trực tuyến face to face của Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế được bộ phận giáo vụ theo dõi, ghi lại quá trình giảng dạy và tương tác giữa giảng viên - học viên. Ảnh: NTCC

Một lớp học trực tuyến face to face của Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế được bộ phận giáo vụ theo dõi, ghi lại quá trình giảng dạy và tương tác giữa giảng viên - học viên. Ảnh: NTCC

Các cơ sở giáo dục đại học có tổ chức chương trình đào tạo từ xa đang chuẩn bị mọi điều kiện để thực hiện kiểm định chất lượng chương trình đối với loại hình này.

Truy vết quá trình dạy - học

Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế đang áp dụng kết hợp cả hai hình thức đào tạo truyền thống và đào tạo qua mạng cho chương trình đào tạo từ xa. Trong đó, 70% thời gian học, sinh viên sẽ tự học, nghiên cứu theo lộ trình với các bài giảng E-learning, 30% thời gian còn lại của chương trình học, học viên sẽ học trực tuyến “face to face” để tương tác với giảng viên.

TS Nguyễn Tương Tri - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế cho biết: “Viện có thể kiểm tra trên hệ thống để truy vết quá trình tự học của học viên. Ngoài ra, những buổi học trực tuyến, Viện đều ghi hình cả quá trình để có thể kiểm soát được chất lượng giờ dạy của giảng viên và cũng là nguồn tài liệu cho học viên có thể nghiên cứu lại sau buổi học. Đây cũng là minh chứng để sau này Viện thực hiện công tác kiểm định chất lượng, đánh giá ngoài”.

Với dạy - học trực tuyến theo thời gian tuyến tính, Viện đầu tư cơ sở hạ tầng, tích hợp giữa google meet và Big Blue Button để đảm bảo tương tác giữa học viên và giảng viên dưới nhiều hình thức trong một buổi học”.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Thường xuyên, Đại học Đà Nẵng cho biết: “Sau khi trúng tuyển, học viên được cấp tài khoản qua email cá nhân để đăng nhập vào bài học, xem bài giảng và các video bài giảng của giảng viên. Trong quá trình học, học viên được hỗ trợ của cố vấn học tập, thảo luận trên meeting room. Hệ thống quản lý đào tạo hiện tại cho phép giám sát được số lần học viên đọc giáo trình, xem bài giảng, làm bài tập”.

Đối với việc làm các bài kiểm tra, học viên bắt buộc phải hoàn thành hết việc đọc giáo trình, xem bài giảng thì hệ thống mới mở các bài kiểm tra. Kết thúc học kỳ, Trung tâm tổ chức thi tập trung tại Đại học Đà Nẵng và các cơ sở phối hợp đào tạo của Đại học Đà Nẵng.

Việc tổ chức thi tập trung được thực hiện theo các quy định hiện hành. Thí sinh phải xuất trình căn cước công dân cho cán bộ coi thi kiểm tra, đối chiếu trước khi vào phòng thi. Như vậy, với quy trình trên thì có thể đảm bảo được quá trình tự học, giám sát trường hợp thi hộ.

Trong khi đó, Trường Đại học Thương mại tổ chức giảng dạy và học tập cho hệ đào tạo từ xa trên hệ thống LMS. Trong đó, người học tự học thông qua học liệu đào tạo từ xa, thảo luận với giảng viên và người học khác trên Forum và Chat box.

Việc ôn luyện sẽ được thực hiện thông qua hệ thống câu hỏi trắc nghiệm cuối chương và thực hiện đánh giá giữa học phần thông qua bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy tính, chấm điểm tự động. Giảng viên đánh giá chuyên cần thông qua dữ liệu chiết xuất từ hệ thống LMS về tình hình tự học, thảo luận, ôn tập của người học…

Hiện nay, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng đều không tổ chức đào tạo từ xa đối với khối ngành kỹ thuật mà chỉ tập trung vào các ngành như Ngôn ngữ Anh; Luật; Quản trị kinh doanh; Kế toán; Quản lý Nhà nước…

 Lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh và Luật theo hình tức đào tạo từ xa tại Vĩnh Long của Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Lễ trao bằng tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh và Luật theo hình tức đào tạo từ xa tại Vĩnh Long của Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC

Hướng tới chuẩn tương đương đại học chính quy

Ông Nguyễn Huy Thìn - Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Hà Tĩnh cho biết, khi liên kết với Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế để tuyển sinh, thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Trung tâm đã chọn đối tượng khai thác phù hợp như đội ngũ bác sĩ, hải quan, thuế, ngân hàng… nên số lượng người học hiện nay tăng lên 10 lớp gồm 3 ngành: Ngôn ngữ Anh, Luật và Quản lý đất đai.

“Hơn nữa, cách thức tiếp cận và chăm sóc người học của Viện rất chu đáo, chuyên nghiệp; học liệu phong phú, đáng tin cậy; công nghệ đường truyền tốt nên thu hút được người học. Hiện tại, Hà Tĩnh đã có 2 lớp Ngôn ngữ Anh đã tốt nghiệp và nhận bằng, đa số là đội ngũ y, bác sĩ của Hà Tĩnh”, ông Thìn thông tin.

TS Nguyễn Tương Tri cho biết, với chương trình Ngôn ngữ Anh, đòi hỏi phải có nhiều tương tác giữa giảng viên và học viên để luyện các kỹ năng nên sĩ số các lớp này tổ chức không quá đông.

“Có một số thời điểm, Viện mời cả giảng viên người nước ngoài để dạy phần kỹ năng nói cho học viên. Cách tổ chức đổi mới đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học viên”, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế cho biết. Với ngành học Ngôn ngữ Anh, Viện chỉ mở đào tạo với các lớp văn bằng 2 chứ không tuyển sinh đối với học viên mới tốt nghiệp THPT hoặc hệ trung cấp, cao đẳng.

ThS. Nguyễn Thị Thu Hương cho biết, để đảm bảo chất lượng đào tạo đối với hình thức đào tạo từ xa, Trung tâm Đào tạo thường xuyên, Đại học Đà Nẵng tổ chức rà soát, cập nhật chương trình đào tạo hàng năm với những thay đổi nhỏ về tài liệu giảng dạy học tập, cải tiến công tác giảng dạy và đánh giá.

Chương trình rà soát 2 năm/lần dựa trên phản hồi từ các bên liên quan nhằm điều chỉnh những thay đổi thêm bớt các học phần để đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan. Chương trình rà soát lớn 5 năm/lần nhằm điều chỉnh khung chương trình đào tạo để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của các bên liên quan.

Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 28/2023 về Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học có hiệu lực ngày 12/2/2024 thay thế Thông tư 10/2017 trước đó. Theo đó, quy định việc người học chương trình đào tạo từ xa phải hoàn thành những học phần Giáo dục quốc phòng - an ninh hoặc Giáo dục thể chất.

TS Nguyễn Tương Tri cho biết, với những học viên có điều kiện đăng ký và tham gia học tại Trung tâm Giáo dục thể chất và Giáo dục quốc phòng của Đại học Huế thì Viện sẽ giới thiệu để học viên tự liên hệ, sắp xếp lịch học hợp lý. Những học viên nào không thể học tại Huế, Viện mở ra một hướng mở nhằm thuận tiện cho người học, đó là chấp nhận chứng chỉ Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng của tất cả cơ sở giáo dục đại học cấp.

TS Nguyễn Tương Tri - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo mở và Công nghệ thông tin, Đại học Huế cho biết: “Việc áp dụng chuẩn đầu ra “tương đương hệ đại học chính quy”, nghĩa là có đủ cả các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng - giáo dục thể chất, đối với học viên chỉ mới tốt nghiệp phổ thông trung học, hoặc hệ trung cấp, cao đẳng liên thông lên đại học. Nếu học viên theo chương trình đào tạo từ xa để lấy thêm bằng hai (đại học), thì không phải áp dụng chuẩn đầu ra này”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kiem-dinh-chat-luong-ct-dao-tao-tu-xa-thuc-day-thuc-hoc-chat-luong-thuc-post708354.html