Kiểm định chất lượng giáo dục: Phải xuất phát từ nhu cầu tự thân
Tính đến ngày 30/11/2024, Việt Nam đã có 2.179 chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng. Thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích các cơ sở giáo dục tập trung vào hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, đặc biệt là cải tiến chương trình đào tạo, sau đó mới tiến hành kiểm định chương trình.
Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục Việt Nam đã được luật hóa khá mạnh. Số lượng các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng gia tăng hàng năm bởi chính những lợi ích quan trọng mà kiểm định mang lại. Đó là góp phần minh bạch tăng tự chủ ĐH; thúc đẩy xác định chỉ tiêu tuyển sinh, phù hợp tính toán nguồn thu học phí; thúc đẩy hội nhập quốc tế, công nhận văn bằng chứng chỉ quốc tế.
Hiện 208 cơ sở giáo dục ĐH đạt kiểm định chất lượng nhưng hầu hết được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định trong nước. Chỉ có 12 cơ sở được công nhận đạt chuẩn chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế.
ĐH Kinh tế quốc dân là một trong số ít các cơ sở đào tạo có nhiều chương trình được kiểm định quốc tế, đến thời điểm hiện tại là 35 chương trình. Trong đó, có 20 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của tổ chức ACBSP, Mỹ; 15 chương trình đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn của tổ chức FIBAA, Thụy Sĩ. Bên cạnh đó, có 16 chương trình đào tạo đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn trong nước. GS.TS Huỳnh Văn Chương - Hiệu trưởng ĐH Kinh tế quốc dân thông tin, trong năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục triển khai quy trình đánh giá ngoài đối với 21 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của tổ chức FIBAA và 12 chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn trong nước. Không chỉ bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục; việc gia tăng kiểm định đem lại lợi ích của người học như công nhận và chuyển đổi tín chỉ, đăng ký dự tuyển bậc học cao hơn tại các ĐH danh tiếng hàng đầu trên thế giới, cũng như cơ hội việc làm tại các nước phát triển.
Ngay cả với kiểm định trong nước, những lợi ích mà hoạt động kiểm định mang lại cũng rất quan trọng. GS.TS Huỳnh Văn Chương lưu ý, dù mỗi tổ chức sẽ có những tiêu chí riêng song về tổng thể chung đều có 4 trụ cột lớn gồm: Đảm bảo về mặt chiến lược, KPI; đảm bảo về thể chế, chính sách nội bộ để thực hiện chiến lược; đảm bảo về cơ cấu, các đơn vị chức năng thực hiện tốt thể chế, chính sách, đặc biệt đối với cơ sở đang phấn đấu từ trường ĐH lên ĐH; đảm bảo về chất lượng đầu ra - đây là hiệu quả của 3 trụ cột vừa nêu, lấy người học làm thước đo đầu ra quan trọng nhất của cơ sở giáo dục ĐH thông qua việc làm, cạnh tranh công việc tốt, lương bổng và mức độ thăng tiến từ đó mang lại danh tiếng cho trường ĐH. Vì vậy, việc bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH không chỉ là trách nhiệm của trường ĐH mà còn là của mỗi quốc gia.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 16/12/2024, có 1.893 chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh. 1.475 chương trình đào tạo được đánh giá ngoài. Dù Luật không bắt buộc phải kiểm định 100% chương trình đào tạo, số chương trình đã được kiểm định nay được khoảng 30% là con số khá lớn. Dù vậy, theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, chuyên gia độc lập về kiểm định chất lượng giáo dục nhìn nhận một thực tế vẫn còn nhiều cơ sở giáo dục ĐH coi mục tiêu đạt kiểm định là đích đến, nên triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng còn hình thức, đối phó nên không hiệu quả và không bền vững.
“Chỉ khi nào cơ sở giáo dục ĐH quán triệt và chủ trương thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục là để nhận diện và tìm ra các giải pháp nâng cao năng lực thực thi sứ mạng, năng lực phục vụ cộng đồng và năng lực cạnh tranh của mình thì mới thể hiện được vai trò của kiểm định. Đấy cũng là trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dụcĐH. Chỉ với nhu cầu tự thân thì ĐH mới phát triển, các giải pháp đưa ra mới có tâm và có tầm” - GS.TS Nguyễn Hữu Đức nêu quan điểm và đề xuất cần sớm ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục ĐH. Đây là bộ tiêu chuẩn thể hiện các yêu cầu tối thiểu mà một cơ sở giáo dục ĐH phải đáp ứng khi thành lập và hoạt động nhằm bảo đảm lợi ích của các bên liên quan bao gồm cả các yêu cầu về điều kiện hoạt động, kết quả hoạt động và triển vọng tương lai trong đó có những yêu cầu riêng đối với từng mô hình tổ chức (trường ĐH, ĐH), lĩnh vực và trình độ đào tạo. Khi có chuẩn tối thiểu, thước đo sẽ cụ thể hơn, kết quả đánh giá và thông tin chất lượng sẽ minh bạch hơn đối với các bên liên quan.