'Kiếm khách' - phim võ hiệp mãn nhãn của điện ảnh Hàn Quốc
Tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Choi Jae Hoon chịu ảnh hưởng từ dòng phim võ hiệp Hong Kong và Nhật Bản, với điểm nhấn nằm ở phần hành động bạo liệt.
The Swordsman được phóng tác từ các sự kiện có thật diễn ra trong triều đại Joseon (nhà Triều Tiên) giai đoạn giữa thế kỷ XVII. Năm 1623, vua Gwanghaegun bị phe cánh của Tể tướng Lee (Choi Jin Ho) phế truất và truy sát. Trước khi bị bắt, nhà vua bèn gửi gắm tiểu công chúa mới sinh cho cận vệ thân tín Tae Yool (Jang Hyuk), nhờ anh chăm sóc bé khôn lớn.
15 năm sau, công chúa (Kim Hyun Soo) nay đã khôn lớn, được Tae Yool nhận làm con gái và đặt tên là Tae Ok. Cả hai cùng trải qua cuộc sống lặng lẽ qua ngày như người thường.
Vương triều lúc này đang trong tình trạng căng thẳng chính trị khi vừa phải thần phục nhà Minh, vừa phải chịu hòa đàm với nhà Thanh của người Mãn Châu sau khi chịu thất bại trong các cuộc xung đột tại biên giới.
Hwang Bang - băng đảng người Mãn Châu do tên quý tộc nhà Thanh Gurutai (Joe Taslim) cầm đầu - ngang nhiên tổ chức buôn bán nô lệ Triều Tiên ngay tại kinh đô trước sự bất lực của triều đình.
Sau một loạt biến cố bất ngờ, Tae Ok bị Hwang Bang bắt để đưa về Mãn Châu làm nô lệ. Tae Yool lúc này buộc phải tái xuất giang hồ, một mình đối đầu với cả băng đảng ngoại tộc hùng mạnh gồm toàn cao thủ hàng đầu để giải cứu con nuôi.
Phim dã sử đậm chất võ hiệp Hong Kong và Nhật Bản
The Swordsman là tác phẩm đầu tay của đạo diễn kiêm biên kịch Choi Jae Hoon. Phim thuộc thể loại dã sử cổ trang, lấy yếu tố hành động làm chủ đạo.
Nội dung bộ phim tương đối đơn giản, với mô-típ quen thuộc có thể bắt gặp ở vô số tác phẩm cùng loại: nhân vật chính là một đại cao thủ đã rửa tay gác kiếm nhiều năm, nay tái xuất giang hồ nhằm giải cứu người thân yêu khỏi đám phản diện gian ác, giữa thời đại nhiễu nhương vô pháp vô thiên. Có thể thấy bối cảnh và mô-típ chịu ảnh hưởng khá nhiều từ dòng phim võ hiệp Hong Kong, cũng như thể loại cổ trang Jidaigeki của Nhật Bản.
Kịch bản phim được triển khai sát theo định hướng trên, với cấu trúc tuyến tính cùng một nội dung duy nhất tập trung vào nhân vật chính và sứ mệnh được xác định rõ ràng ngay từ đầu. Hệ thống nhân vật đơn giản, chủ yếu có tác dụng làm nền hỗ trợ cho câu chuyện của Tae Yool. Các sự kiện, diễn biến xảy ra liên tục với tiết tấu khẩn trương, cơ bản chỉ bám sát vào mục tiêu đơn thuần của nhân vật chính.
Cùng thuộc dòng cổ trang, The Swordsman không sở hữu những âm mưu chính trị thâm sâu như Masquerade (2012), The Face Reader (2013), The Fatal Encounter (2014) hay The Throne (2015), chẳng có những đại cảnh chiến trận hoành tráng như The Divine Weapon (2008), The Admiral: Roaring Currents (2014) hay The Great Battle (2018). Phim càng không sở hữu yếu tố giả tưởng như Rampant (2018) hay loạt phim Kingdom.
Nhờ đó, bộ phim sở hữu mạch truyện rõ ràng, dễ theo dõi. Tiết tấu phim ổn định, giúp duy trì sự hấp dẫn cho khán giả từ đầu đến cuối, bất chấp mô-típ cũ kỹ và nội dung dễ đoán đến mức có phần nhàm chán.
Đây cũng là cơ sở để khán giả và đội ngũ sản xuất tập trung tốt hơn vào giá trị cốt lõi của tác phẩm: hành động.
Hành động bạo liệt, kịch tính và mãn nhãn
Điểm nhấn lớn nhất của The Swordsman chắc chắn là phần hành động được thực hiện công phu và chất lượng.
Đúng như tên gọi, gần như 100% cảnh hành động trong phim là các màn giao đấu kiếm thuật giữa các kiếm thủ. Các trận chiến được chỉ đạo sản xuất chỉn chu, cố gắng tạo cảm giác chân thực lẫn kích thích nhất cho khán giả với hàng loạt chiêu kiếm bài bản, cụ thể và dễ theo dõi. Chuỗi đòn đánh có lực, chuẩn xác và tạo hiệu ứng sát thương lên đối phương rõ ràng, giúp làm tăng mức độ bạo liệt.
Phim hạn chế tối thiểu góc máy quay cận hay trung cận nhằm che giấu hiệu ứng sát thương thực tế. Các phân cảnh hành động diễn ra trong thời gian thực với thời lượng hợp lý, không bị cắt dựng lộn xộn hay lạm dụng hiệu ứng quay chậm làm giảm sự kịch tính cần thiết.
Có thể thấy chỉ đạo hành động của The Swordsman chịu ảnh hưởng từ loạt phim Rurouni Kenshin đình đám, đặc biệt là với nhân vật chính Tae Yool. Nhân vật sở hữu lối di chuyển linh hoạt, đòn đánh nhanh, mạnh, kết hợp với biến chiêu đa dạng tùy theo tình huống. Cách thủ thế và lối ra đòn truyền thống không có nhiều khác biệt, do sự tương đồng về kiểu vũ khí của hai quốc gia vào thời gian này.
Bộ phim cũng học tập phong cách võ hiệp Hong Kong khi phân chia nhân vật theo các trường phái kiếm thuật khác nhau, sở hữu phong cách, binh khí với đặc thù riêng, thay vì chỉ có một vài loại binh khí hạn chế.
Bản thân The Swordsman không cường điệu và phô trương như Rurouni Kenshin, cũng không hoa mỹ hay kỳ ảo như phim võ hiệp Hong Kong. Tác phẩm cân đối phong cách chỉ đạo hành động nhằm đảm bảo tính chân thực lẫn giải trí cho khán giả sao cho phù hợp.
Nhờ đó, khán giả được thưởng thức một tác phẩm võ hiệp Hàn Quốc đích thực, tuy học hỏi tinh hoa từ các nền điện ảnh khác, nhưng cũng kịp ghi dấu ấn bản sắc riêng.
Kỹ thuật sản xuất chất lượng, diễn xuất đồng đều
The Swordsman sở hữu phần kỹ thuật sản xuất có chất lượng hợp lý. Phần hình ảnh không thực sự nổi bật với bối cảnh đơn điệu, hạn chế. Nước màu phim theo tông lạnh thiếu điểm nhấn nổi bật. Bù lại, tổng thể tác phẩm và các phân cảnh hành động được quay rõ ràng, chuẩn mực và dễ theo dõi.
Phần âm thanh của bộ phim là điểm cộng với hiệu ứng dành cho các đòn đánh được thể hiện đanh gọn, sắc nét, tạo hiệu ứng kích thích cảm xúc của người xem theo từng đòn thế. Âm nhạc được sử dụng hợp lý theo từng hoàn cảnh cụ thể, giúp duy trì tiết tấu khẩn trương cho toàn bộ phim.
Diễn xuất của dàn diễn viên trong The Swordsman khá trọn vẹn, không quá nổi bật, cũng không có điểm trừ gì đáng kể. Ngoại trừ nhân vật chính, bộ phim cố gắng phân chia đất diễn cho từng nhân vật, mỗi người đều có điểm nhấn và vai trò riêng.
Bên cạnh nhiều điểm mạnh giúp đảm bảo tinh thần giải trí cao, The Swordsman còn tồn tại một số điểm trừ về mặt kịch bản và xây dựng nhân vật.
Các yếu tố lịch sử, chính trị được thể hiện trong phim vừa thiếu, vừa thừa. Bối cảnh của The Swordsman diễn ra trong giai đoạn Triều Tiên đang trong tình thế căng thẳng chính trị, khi triều đình phải chịu sự áp chế của ngoại bang Mãn Châu nhà Thanh một cách nhục nhã, con dân bách tính bị đàn áp mà không dám có sự phản kháng.
Tuy nhiên, bản thân bộ phim chưa khai thác hiệu quả bối cảnh lịch sử này để tạo ra bầu không khí căng thẳng, u ám và khẩn trương hơn cho toàn bộ tác phẩm lẫn các nhân vật.
Ngược lại, tuyến truyện phụ khai thác các âm mưu, thủ đoạn chính trị lại tỏ ra thừa thãi và lệch tông. Chuỗi chi tiết này vừa không đem lại hiệu quả đáng kể trong việc nâng cao thử thách cho nhân vật, vừa khiến khán giả thắc mắc, khó nắm bắt do thực tế chỉ được xây dựng sơ sài.
Một số tuyến nhân vật phụ trong phim chưa được khai thác hiệu quả, dẫn đến tình trạng lãng phí tiềm năng. Đơn cử như nhân vật Tướng quân Min Seung Ho (Jeong Man Sik) - kiếm sĩ lừng danh của quân đội Triều Tiên, tiền bối của nhân vật chính Tae Yool.
Bản thân nhân vật Min Seung Ho có hoàn cảnh lẫn chiều sâu tâm lý đa dạng hơn hẳn nhân vật chính, do bản thân ông phải liên tục đưa ra những quyết định vừa tình vừa lý, sao cho trọn vẹn cả trung lẫn nghĩa. Tuy nhiên, nhân vật chỉ được khai thác lưng chừng: thiếu cá tính, thiếu mục tiêu một cách cứng nhắc. Ngay cả khả năng kiếm thuật cao siêu của ông cũng chỉ mới được thể hiện một cách hạn chế.
Về hệ thống phản diện, nhân vật bang chủ Hwang Bang của nam diễn viên Joe Taslim cũng là điểm trừ đáng tiếc. Bản thân gã được xây dựng một chiều khá đơn điệu, không có điểm nhấn cụ thể gì về ngoại hình, cá tính hay năng lực.
Gurutai nói không ít, nhưng chưa có phong thái của bậc bá giả dùng lời nói bình thiên hạ. Bang chủ Hwang Bang cũng chẳng phải dạng chiến tướng uy võ, nói ít làm nhiều. Xuyên suốt cả phim, nhân vật của Joe Taslim chỉ có một việc là đi đi lại lại, lẩm bẩm một cách nhàn nhã, không tạo ấn tượng cụ thể gì cho khán giả.
Đến cuối phim Gurutai mới thể hiện được chút bản lĩnh của “trùm cuối”. Tuy màn trình diễn của hai cao thủ diễn ra đẹp mắt và ác liệt, nhưng trường đoạn khá chóng vánh, chưa thực sự thỏa mãn. Đây là sự lãng phí đáng tiếc khi bộ phim chưa tận dụng được năng lực diễn xuất hành động đẳng cấp của ngôi sao The Raid.
Nhìn chung, The Swordsman thuộc số ít tác phẩm hành động chất lượng ra rạp trong năm nay. Sở hữu câu chuyện đơn giản với mô-típ quen thuộc, tác phẩm hấp dẫn khán giả nhờ phần hành động kịch tính, mãn nhãn và tính giải trí cao.