Kiểm lâm không trực thuộc quản lý của Khu bảo tồn: Sẽ khó khăn cho công tác bảo vệ rừng

Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 1-1-2019 của Chính phủ về kiểm lâm và lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý sẽ thuộc chi cục kiểm lâm cấp tỉnh quản lý.

Lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bàn kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đoàn Phú

Lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai bàn kế hoạch tuần tra, bảo vệ rừng. Ảnh: Đoàn Phú

Phó giám đốc phụ trách điều hành Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (gọi tắt là Khu bảo tồn) Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, theo quy định nói trên lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn sẽ giao về cho chi cục kiểm lâm cấp tỉnh quản lý. Sự thay đổi này sẽ khiến công tác bảo vệ rừng gặp khó khăn.

* Vai trò quan trọng của lực lượng kiểm lâm tại chỗ

Nghị định 01/2019/NĐ-CP quy định, kiểm lâm rừng đặc dụng, kiểm lâm rừng phòng hộ là tổ chức hành chính thuộc kiểm lâm trung ương đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do Trung ương quản lý; thuộc kiểm lâm cấp tỉnh đối với rừng đặc dụng, rừng phòng hộ do địa phương quản lý. Căn cứ tiêu chí thành lập kiểm lâm rừng đặc dụng, kiểm lâm rừng phòng hộ và yêu cầu, nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể kiểm lâm rừng đặc dụng, kiểm lâm rừng phòng hộ thuộc địa phương quản lý.

Hiện tại, Khu bảo tồn (trực thuộc UBND tỉnh quản lý) có gần 200 kiểm lâm viên trực thuộc Hạt kiểm lâm của Khu bảo tồn. Theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP thì Khu bảo tồn sẽ không còn quản lý lực lượng này nữa mà chuyển lực lượng này sang Chi cục Kiểm lâm tỉnh (trực thuộc Sở NN-PTNT), trong khi công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, bảo vệ đa dạng sinh học của đơn vị không thể thiếu và rất cần lực lượng kiểm lâm tại chỗ.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo phân tích, nếu chuyển lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn về Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng sẽ gặp khó vì Chi cục Kiểm lâm tỉnh không thường xuyên, trực tiếp tại địa bàn cơ sở của Khu bảo tồn nên không thể sâu sát trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng tại đây. Do đó, rất khó bảo vệ nguyên vẹn tài nguyên rừng hiện có, nguy cơ mất rừng, rừng bị xâm hại cao vì “nước xa không cứu được lửa gần”.

Khu bảo tồn được giao quản lý diện tích tự nhiên hơn 100 ngàn ha, gồm diện tích đất lâm nghiệp và vùng đất ngập nước nội địa hồ Trị An. Trong những năm qua, lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn đã thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng và hồ Trị An nên tài nguyên rừng, tài nguyên thủy sản ngày càng phát triển; kịp thời ngăn chặn, xử lý nhiều vụ vi phạm xâm hại tài nguyên thiên nhiên.

Hiện tại, lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn là đơn vị thực hiện công tác quản lý, tuần tra, bảo vệ rừng tại chỗ, thường xuyên có mặt tại rừng 24/24 giờ kể cả ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, không có điện lưới, sóng điện thoại, điều kiện sinh hoạt, đi lại gặp nhiều khó khăn, môi trường rừng ẩm thấp, độc hại. Việc tổ chức tuần tra, canh phục ban đêm tại các “điểm nóng” thường xảy ra đánh bẫy thú rừng, khai thác lâm sản trái phép luôn được lực lượng kiểm lâm chú trọng.

* Cần có chính sách phù hợp với thực tế

Theo quy định tại Nghị định số 01/2019/NĐ-CP, nếu chuyển hết lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn sang mô hình tổ chức Hạt Kiểm lâm trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh sẽ làm tăng biên chế công chức của tỉnh; nếu không chuyển hết lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn về Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý sẽ gây khó khăn cho công tác sắp xếp việc làm đối với lực lượng dư thừa. Do đó, hiện tại ở Đồng Nai, Hạt kiểm lâm của Khu bảo tồn chưa thực hiện chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý vì đang chờ văn bản hướng dẫn thực hiện.

Ông Nguyễn Hoàng Hảo phân tích, nếu chuyển lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn sang lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng theo Nghị định số 01/2019/NĐ-CP thì chưa có chính sách đặc thù đảm bảo quyền lợi, quyền hạn và quy chế, quy định về chức năng, nhiệm vụ, không được trang bị vũ khí, không có thẩm quyền xử lý vi phạm, từ đó hoạt động của lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng kém hiệu quả, nguy cơ tài nguyên thiên nhiên bị xâm hại và mất rừng cao, không đảm bảo cho công tác quản lý bảo vệ rừng tại chỗ đạt hiệu quả tốt như hiện nay. Điều này đã làm cho lực lượng kiểm lâm các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Đồng Nai đang bị dao động tâm lý, tư tưởng, không an tâm công tác, sẵn sàng nghỉ việc để làm công việc khác có thu nhập tốt hơn, đảm bảo cuộc sống hơn. Thực trạng này sẽ làm ảnh hưởng đến nhiện vụ quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng.

“Một bài học thực tế tại tỉnh Bình Phước vào năm 2010, khi Hạt kiểm lâm Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập chuyển đổi thành tổ chức kiểm lâm rừng đặc dụng thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Sau thời gian thực hiện, được đánh giá không hiệu quả, rừng mất không xác định được trách nhiệm của Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập hay Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Vì vậy, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Phuớc đã đề nghị UBND tỉnh Bình Phước giao lại cho Ban quản lý Vườn quốc gia với lý do chi cục ở xa không thể bảo vệ rừng tốt, trong khi đó Ban quản lý Vườn quốc gia thì thiếu lực lượng” - ông Nguyễn Hoàng Hảo dẫn chứng.

Theo Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, trong khi chờ kết quả đánh giá hiệu quả của việc thực hiện Nghị định 01/2019/NĐ-CP trên cả nước và văn bản hướng dẫn thi hành, Khu bảo tồn đề nghị tiếp tục kéo dài mô hình tổ chức lực lượng kiểm lâm của Khu bảo tồn như hiện nay để khuyến khích, động viên, thu hút nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng tại chỗ.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202103/kiem-lam-khong-truc-thuoc-quan-ly-cua-khu-bao-ton-se-kho-khan-cho-cong-tac-bao-ve-rung-3048853/