Kiểm lâm Quảng Trị, 45 năm xây dựng và trưởng thành

Cách đây 46 năm, ngày 21/5/1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân, với chức năng là lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng (BVR), tham mưu giúp Chủ tịch UBND các cấp thực hiện chức năng quản lí nhà nước về BVR và đảm bảo chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ và phát triển rừng.

Ở Quảng Trị, lực lượng Kiểm lâm được thành lập vào ngày 10/6/1974 với tên gọi Hạt Kiểm lâm khu vực Vĩnh Linh, tiền thân của Kiểm lâm Quảng Trị ngày nay. Năm 1976, lực lượng Kiểm lâm 3 tỉnh nhập lại thành Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Trị Thiên, đến năm 1989 sau khi lập lại tỉnh Quảng Trị, Chi cục Kiểm lâm được thành lập theo Quyết định số 60/QĐ-UB ngày 22/7/1989 của UBND tỉnh. Đến năm 1994, Kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh, tháng 4/2007 Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT. Năm 2016, Chi cục Kiểm lâm và Chi cục Lâm nghiệp nhập lại thành Chi cục Kiểm lâm và ổn định cho đến nay.

Trải qua nhiều sự thay đổi về cơ cấu quản lí, tổ chức bộ máy và nhiều lần bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn, lực lượng Kiểm lâm Quảng Trị luôn khắc phục mọi khó khăn, đoàn kết thống nhất, từng bước trưởng thành và phát triển. Từ buổi đầu thành lập chỉ có 1 Hạt Kiểm lâm với 5% số cán bộ, công chức có trình độ trung cấp, đại học, đến nay chi cục đã có 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ, 8 Hạt Kiểm lâm, 1 Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), 2 Trạm Kiểm lâm trực thuộc chi cục, 15 Trạm Kiểm lâm khu vực. Đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng lớn mạnh với tổng số 151 công chức và lao động hợp đồng, trong đó có 31 người có trình độ thạc sĩ, 102 người có trình độ đại học, số công chức trong diện quy hoạch đều được đào tạo về chuyên môn, lí luận chính trị, quản lí nhà nước và các chuyên môn khác đáp ứng thực hiện nhiệm vụ được giao.

Năm 1989 khi mới tách tỉnh, Quảng Trị có hơn 98.000 ha diện tích có rừng, trong đó rừng trồng hơn 20.000 ha, độ che phủ 19,5%. Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác “ phủ xanh đất trống đồi núi trọc”, tranh thủ mọi nguồn lực và phát động phong trào “trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng”, được nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay, tổng diện tích có rừng trên địa bàn tỉnh là 253.465 ha, trong đó rừng tự nhiên 142.829 ha, rừng trồng 110.635 ha, độ che phủ rừng là 50,1%. Trên địa bàn tỉnh có đủ cả 3 loại rừng với 3 khu rừng đặc dụng, 3 khu rừng phòng hộ, 3 công ty lâm nghiệp, nhiều HTX, cộng đồng, hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh nghề rừng. Hằng năm diện tích rừng trồng khai thác trên 8.000 ha, cùng với khai thác cây phân tán, cây vườn nhà đã cung cấp cho thị trường khoảng 700.000- 800.000 m3 gỗ và nhiều lâm sản khác. Các chính sách xã hội hóa ngành lâm nghiệp được quan tâm thực hiện như tổ chức giao rừng, cho thuê rừng, khoán bảo vệ rừng, quy vùng sản xuất nương rẫy cho tổ chức, cộng đồng và hộ gia đình, đáp ứng nguyện vọng của người dân. Thực hiện tái cơ cấu ngành bằng cách lựa giống tốt cho trồng rừng, trồng rừng thâm canh để có chất lượng, giá trị ngày càng cao, đưa diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ ngày càng nhiều.

 Tăng cường tổ chức các đợt diễn tập PCCCR để chủ động ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng. Ảnh: TT

Tăng cường tổ chức các đợt diễn tập PCCCR để chủ động ứng phó và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng. Ảnh: TT

Hoạt động chi trả dịch vụ môi trường được thực hiện tốt. Công tác PCCCR ngày càng có hiệu quả đã giúp cho chủ rừng chủ động bảo vệ rừng của mình, thiết lập 3 cấp độ cháy và thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để các cấp chính quyền chủ động chỉ đạo phòng ngừa và chữa cháy kịp thời. Công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học, bảo tồn thiên nhiên được quan tâm thực hiện. Công tác đấu tranh ngăn chặn vi phạm được thực hiện nghiêm túc, lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra kiểm soát các khu vực trọng điểm phá rừng, hướng dẫn các chủ rừng xây dựng phương án đấu tranh ngăn chặn, PCCCR.

Theo số liệu thống kê trong 10 năm gần đây, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện và bắt giữ hơn 3.000 vụ vi phạm, xử lí tịch thu hơn 5.000 m3 gỗ các loại, trên 6.000 kg động vật hoang dã và nhiều loại lâm sản khác. Nộp ngân sách từ xử phạt vi phạm hành chính và bán lâm sản tịch thu gần 100 tỉ đồng. Ngành chức năng đã xử lí hình sự 12 vụ, trong đó mức án cao nhất là 36 tháng tù giam, tình hình vi phạm các năm sau giảm dần so với các năm trước.

Với phương châm lực lượng Kiểm lâm phải “Chuyên nghiệp, kỉ cương, đổi mới, hiệu quả”, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm đã đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức. Tất cả các đơn vị đều được xây dựng trụ sở kiên cố, trang thiết bị, phương tiện từng bước được trang cấp, tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác như sử dụng máy GPS, máy tính bảng, dự báo cháy rừng qua vệ tinh, ứng dụng các phần mềm theo dõi diễn biến rừng như Mapfor, Qric, ứng dụng các phần mềm để theo dõi diễn biến rừng... Đồng thời chi cục coi trọng nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng hình ảnh công chức Kiểm lâm có đủ phẩm chất đạo đức tốt, quan điểm lập trường vững vàng, tích cực, nhiệt tình, dám làm dám chịu trách nhiệm, thương yêu đồng chí, đồng nghiệp và tận tụy phục vụ nhân dân. Đến nay tất cả các đơn vị trong lực lượng đều được công nhận là cơ quan văn hóa, chi bộ và các tổ chức đoàn thể đều đạt danh hiệu tiên tiến, danh hiệu trong sạch vững mạnh, tất cả công chức, người lao động đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Để làm tốt nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm cần nhìn thẳng sự thật để thấy được những tồn tại, hạn chế nhằm rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, thực hiện tốt hơn trọng trách được giao. Chi cục Kiểm lâm tiếp tục tham mưu Sở Nông nghiệp và PTNT các hoạt động trong lĩnh vực quản lí rừng, bảo vệ rừng và phát triển rừng. Tăng cường các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái đặc thù của rừng Quảng Trị. Hạn chế tối đa tình trạng phá rừng, cháy rừng, cập nhật theo dõi nắm vững tình hình rừng trên địa bàn, quản lí rừng theo tiểu khu, khoảnh, lô trạng thái. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chấp hành pháp luật về lâm nghiệp và tổ chức quản lí sản xuất rừng ngày càng có năng suất chất lượng, kinh doanh chế biến lâm sản ngày càng có giá trị cao.

Kỉ niệm 45 năm là dịp ngành Kiểm lâm Quảng Trị nhìn lại, phát huy hơn nữa trang sử vàng truyền thống để tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn mới, thực hiện có hiệu quả công tác quản lí, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Quảng Trị.

Trần Văn Tý

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=139755