Kiểm sát chặt án hình sự từ khâu đầu của hoạt động tố tụng
Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự là một trong những khâu rất quan trọng trong hoạt động tố tụng của các cơ quan tư pháp nhằm đảm bảo việc khởi tố điều tra đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Việc kiểm sát phải được thực hiện một cách chặt chẽ, từ công tác khám nghiệm hiện trường, thu thập đến đánh giá chứng cứ sẽ là những cơ sở để có một bản kết luận điều tra đúng người, đúng tội; không bỏ lọt tội phạm hoặc làm oan người vô tội.
* Tránh bỏ lọt tội phạm ngay từ khâu đầu
Một kiểm sát viên thuộc VKSND tỉnh, từng trực tiếp kiểm sát nhiều vụ án cho biết, khi xảy ra các vụ án hình sự, ngoài các điều tra viên thì kiểm sát viên cũng được phân công tham gia kiểm sát vụ án ngay từ đầu. Theo đó, kiểm sát viên cùng với điều tra viên tham gia khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ và đánh giá vật chứng một cách khoa học, đúng trình tự và quy định pháp luật.
Vị cán bộ kiểm sát này nêu ví dụ như vụ án Nguyễn Tiến Sỹ (ngụ xã Đồi 61, H.Trảng Bom) đâm chết vợ vì mâu thuẫn chuyện tình cảm xảy ra vào tháng 9-2019. Do nghi ngờ vợ là chị T.H. có quan hệ tình cảm với anh N.V.V. (hàng xóm) nên Sỹ đã bắt chị H. đến nhà anh V. để nói chuyện. Tuy nhiên khi đến đây, anh V. không ra mà đóng cửa ở trong nhà. Bực tức nên Sỹ đã dùng kéo đâm chị H. tử vong. Không dừng lại đó, Sỹ còn tiếp tục xông vào nhà đuổi đánh anh V. Bị tấn công anh V. cũng dùng dao chống trả nhưng bị rơi nên Sỹ lấy con dao tiếp tục tấn công khiến anh V. bị thương.
Trong vụ này, khi tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra, lực lượng tham gia điều tra phải thu thập cho được vật chứng của vụ án là chiếc kéo và con dao mà Sỹ đã dùng để gây án. Trên cơ sở kết quả giám định pháp y về những vết thương trên người nạn nhân, các vật chứng thu giữ cũng phải phù hợp với kết quả khám nghiệm.
Vị cán bộ kiểm sát trên cho biết thêm, nếu hoạt động khám nghiệm, thu giữ và đánh giá vật chứng không được thực hiện một cách khách quan, đầy đủ sẽ rất khó để chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo. Từ đó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn trong quá trình đánh giá về hành vi phạm tội của bị can.
Nói thêm về vấn đề này, Chánh Văn phòng VKSND tỉnh Phan Văn Hậu cho biết, hoạt động thu thập chứng cứ, đánh giá vật chứng phải được thực hiện một cách khách quan, đúng quy định pháp luật. Trên cơ sở đó, điều tra viên cùng với kiểm sát viên sẽ đánh giá chứng cứ để đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng quy định pháp luật. Tất cả các hoạt động này đều phải được kiểm sát một cách chặt chẽ. Trong trường hợp thấy hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ chưa đầy đủ, đảm bảo điều tra thì kiểm sát viên có quyền yêu cầu điều tra viên phải bổ sung thêm.
* Gắn trách nhiệm cho kiểm sát viên
“Hoạt động kiểm sát điều tra là giai đoạn “đầu vào” rất quan trọng trong hoạt động tố tụng. Việc làm oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm nằm ở giai đoạn này. Nếu làm tốt hoạt động kiểm sát điều tra sẽ góp phần rất lớn vào kết quả điều tra của vụ án. Ngược lại đây cũng là giai đoạn mà nếu có những sai sót nào thì sẽ làm sai lệch kết quả điều tra vụ án” - ông Phan Văn Hậu nhấn mạnh.
Chính vì vậy, để công tác kiểm sát điều tra được thực hiện đầy đủ, đảm bảo hoạt động điều tra theo đúng quy định của pháp luật, VKSND tỉnh và VKSND cấp huyện luôn bố trí kiểm sát viên trực chiến để phối hợp với cơ quan điều tra khi có vụ án xảy ra. Trong quá trình kiểm sát vụ án, đối với những trường hợp chưa đủ căn cứ, kiểm sát viên sẽ yêu cầu cơ quan điều tra tiếp tục thực hiện các bước thu thập chứng cứ để phục vụ điều tra. Ngược lại xác định vụ việc đã có dấu hiệu hình sự để khởi tố nhưng cơ quan điều tra không khởi tố thì viện kiểm sát cũng có thể khởi tố vụ án để điều tra.
Ông Phan Văn Hậu cho rằng, việc gắn quyền hạn cho kiểm sát viên như vậy cũng kèm theo trách nhiệm rất nặng nề trong quá trình kiểm sát điều tra một vụ án hình sự. Điều này đòi hỏi mỗi kiểm sát viên phải có trình độ, năng lực cũng như kinh nghiệm thực tiễn. Bởi khi đã đặt bút phê chuẩn một quyết định nào đó thì trách nhiệm xem như đã thuộc về viện kiểm sát. Do đó, trong các vụ án, kiểm sát viên phải cân nhắc từng tình tiết, chứng cứ thu giữ khi điều tra. Các hoạt động này phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, cẩn trọng, khách quan để không làm thay đổi bản chất sự việc. Mục đích cuối cùng là không làm oan người vô tội cũng như không để bỏ lọt tội phạm.
Theo VKSND tỉnh, trong năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, VKSND hai cấp ở Đồng Nai đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra hơn 3,1 ngàn vụ án, với hơn 4,3 ngàn bị can. Qua điều tra, cơ quan công an đã giải quyết hơn 2,5 ngàn vụ, hơn 3,6 ngàn bị can, đạt tỷ lệ hơn 83%. Đặc biệt, VKSND đã ban hành hơn 1,8 ngàn yêu cầu điều tra, ban hành 46 kiến nghị đối với cơ quan điều tra hai cấp và 23 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm trên địa bàn.