Kiểm soát các nguy cơ rủi ro trong an toàn lao động

Thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, lĩnh vực dầu khí, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, thép, sửa chữa tàu biển... nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn. Cùng với sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng biện pháp kỹ thuật hiện đại, an toàn, vệ sinh lao động trên công trường, nhà máy sản xuất. Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng thực hiện tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro trong lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong vận hành sản xuất ở các KKT, KCN.

Môi trường làm việc đặc thù như không gian kín, độ cao đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải có giải pháp kỹ thuật an toàn cho người lao động.

Môi trường làm việc đặc thù như không gian kín, độ cao đòi hỏi các chủ doanh nghiệp phải có giải pháp kỹ thuật an toàn cho người lao động.

Thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền trung, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong đó, lĩnh vực dầu khí, chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, thép, sửa chữa tàu biển... nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp đầu tư quy mô lớn. Cùng với sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp chú trọng biện pháp kỹ thuật hiện đại, an toàn, vệ sinh lao động trên công trường, nhà máy sản xuất. Ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi cũng thực hiện tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro trong lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong vận hành sản xuất ở các KKT, KCN.

Vẫn còn tai nạn lao động

Đầu tháng 5-2021, anh B.Q.C, nhân viên Công ty CP Giám định Asiacontrol Đà Nẵng đến Công ty TNHH Xidadong Textiles tại KCN Việt Nam – Singapore để giám định hàng hóa. Trong quá trình mở kho hàng, kiện hàng lớn đã rơi xuống khiến anh C. chấn thương nặng. Sau khi vụ tai nạn lao động xảy ra, nạn nhân được đưa cấp cứu tại các bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi, TP Đà Nẵng. Tuy nhiên, do chấn thương nặng, nạn nhân đã tử vong sau đó. Đây là một trong những vụ tai nạn lao động xảy ra tại doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI vào tỉnh Quảng Ngãi, lĩnh vực có tỷ lệ tai nạn lao động cao nhất ở các KKT, KCN.

Theo báo cáo của Sở LĐ, TB và XH (LĐ, TB và XH), năm 2020, Quảng Ngãi xảy ra 198 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), với số nạn nhân hơn 210 người, trong đó: Có 18 vụ TNLĐ làm 18 người tử vong, 10 trường hợp bị thương nặng và 178 trường hợp bị thương nhẹ. Hầu hết các vụ TNLĐ xảy ra ở các công ty nước ngoài vốn FDI; trong khi đó, số vụ tai nạn lao động gây tử vong tập trung ở các công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn.

“Công ty chúng tôi xảy ra vụ tai nạn khiến công nhân tử vong, Trong quá trình làm thì dĩ nhiên không thể tránh rủi ro được. Chúng tôi cũng cố gắn hạn chế thiệt hại, ảnh hưởng sức khỏe công nhân. Sau khi tai nạn thì cũng thực hiện các chính sách theo quy định cho nạn nhân” – bà Hồ Thị Mỹ Nga, Giám đốc Công ty Thương mại Hân Nga cho biết.

Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi điều tra 16 vụ TNLĐ khiến 18 người tử vong và nhiều lao động bị thương nặng. Kết quả điều tra các vụ TNLĐ cho thấy, nguyên nhân xảy ra TNLĐ phần lớn do người sử dụng lao động chưa bảo đảm quy trình kỹ thuật về công tác an toàn lao động; chưa tổ chức huấn luyện, hướng dẫn cho người lao động về những quy định, biện pháp an toàn, những nguy cơ tai nạn cần đề phòng. Bên cạnh đó, người lao động còn chủ quan, chưa có ý thức trong thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn lao động.

Ông Lâm Tấn Đông, Phó Chánh thanh tra Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, nguyên nhân khiến các vụ TNLĐ phần lớn xảy ra là do đặc thù công nghiệp nặng, làm việc trên độ cao, môi trường độc hại. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong, thương tật nặng tập trung ở các công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn vì lĩnh vực thường xuyên tuyển dụng lao động phổ thông, thời vụ ít kỹ năng nghề. “Qua các điều tra thì nghịch lý đó xảy ra phổ biến. Các công ty TNHH thì nhiều việc nhưng thời gian tuyển dụng ngắn nên tai nạn nghiêm trọng nhiều hơn. Các vụ TNLĐ thì lỗi cũng nhiều nguyên nhân, chủ quan lẫn khách quan. Nếu doanh nghiệp nào chú trọng đến an toàn, vệ sinh lao động thì cũng cải thiện môi trường làm việc rất nhiều” - ông Lâm Tấn Đông khẳng định.

Nhiều giải pháp chuyên sâu an toàn vệ sinh lao động

Nghị định 39/2016/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn, vệ sinh lao động yêu cầu, hằng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

 Một góc Khu kinh tế Dung Quất.

Một góc Khu kinh tế Dung Quất.

Để thực hiện tốt quy định về ATVSLĐ, doanh nghiệp phải thực hiện chuỗi quy trình đánh giá rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Các biện pháp ATVSLĐ tập trung chuyên sâu lĩnh vực kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ; Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động; Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; Chăm sóc sức khỏe người lao động; Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về ATVSLĐ.

Tại KKT Dung Quất, KCN VSip, Tịnh Phong, Quảng Phú… nơi có nhiều nhà máy, xí nghiệp công nghiệp nặng các doang nghiệp áp dụng nhiều giải pháp để đánh giá, kiểm soát rủi ro hạn chế thấp nhất nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng sức khỏe người lao động. Công ty TNHH MTV Xây dựng IDICO, Chi nhánh Quảng Ngãi (KCN Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh) chuyên sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Từ nhiều năm qua, đơn vị thực hiện đầy đủ các chính sách cho 210 người lao động. Ngoài quy dịnh về lương, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế người lao động còn được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng về an toàn lao động. Hàng năm, đơn vị huấn luyện về ATVSLĐ cho gần 200 lao động; liên kết với các bệnh viện chuyên biệt để khám sức khỏe, tầm soát phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quan trắc môi trường lao động; tổ chức đánh giá định kỳ nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ. Giải pháp đồng bộ được duy trì nhiều năm liền góp phần hạn chế phát sinh bệnh nghề nghiệp của người lao động, không xảy ra TNLĐ, các sự cố rủi ro lớn.

“An toàn vệ sinh lao động chúng tôi đặc biệt quan tâm, vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe, của kỹ sư, công nhân và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Chúng tôi liên kết với các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe cho cán bộ, công nhân viên (CBCNV). Các biện pháp kỹ thuật an toàn trong quá trình vận hành thiết bị, sản xuất tại các phân xưởng cũng được đặc biệt quan tâm” – ông Đỗ Thành Sơn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng IDICO, Chi nhánh Quảng Ngãi thông tin.

Những nghị định, thông tư liên quan hướng dẫn một số điều của Luật ATVSLĐ nêu rõ trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro và sự tham gia của người làm công tác an toàn. Thực tế, các nhóm lĩnh vực nguy cơ cao mất an toàn lao động như chế tạo thiết bị công nghiệp nặng, vận tải biển, chế biến dầu khí, thép…. Quá trình vận hành thiết bị công nghiệp, chuyên dụng và môi trường làm việc trên cao, môi trường khí, cẩu trục, băng tải… có độ rủi ro lớn ảnh hưởng sức khỏe, an toàn của người lao đông.

Song hành với vận hành, sản xuất, kinh doanh, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp – nơi có môi trường làm việc nguy cơ cao đề ra các biện pháp, quản lý rủi ro để phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp. Khảo sát, kiểm tra lĩnh vực ATVSLĐ của ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi nhiều năm cho thấy, những doanh nghiệp lớn có nguồn tài chính mạnh, có bộ phận chuyên nghiệp xây dựng kế hoạch đánh giá rủi ro từ đó đề ra các biện pháp, giải pháp chuyên sâu hiệu quả.

Để bảo đảm ATVSLĐ trong sản xuất công nghiệp, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (KKT Dung Quất tỉnh Quảng Ngãi), đã lập quy trình cho từng bộ phận, vị trí công việc. Đồng thời, tổ chức đào tạo an toàn lao động định kỳ và đào tạo liên tục cho CBCNV mới được tiếp nhận để họ nắm vững các quy định, quy trình làm việc, nhằm bảo đảm an toàn nhất, hạn chế tối đa tai nạn lao động. Đặc biệt, tập trung năm nhóm giải pháp kiểm soát, quản lý vấn đề an toàn lao động trên công trường gồm: ban hành các quy trình, quy định về an toàn; tổ chức đào tạo, huấn luyện cho CBNV; thực hiện đánh giá rủi ro cho tất cả các công việc và phổ biến đến người lao động; triển khai hệ thống ISO 45001 nhằm kiểm soát các vấn đề về an toàn sức khỏe nghề; chính sách thi đua khen thưởng đối với lĩnh vực an toàn, môi trường…

“Công ty cũng phối hợp Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi tập huấn, phổ biến các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, đồng thời giám sát chặt chẽ các nhà thầu thi công và CBCNV của Công ty trong việc thực hiện các quy định nội bộ về an toàn lao động. Do tính chất công việc, tùy khu vực làm việc, vị trí đặc thù khác nhau mà chúng tôi có những biện pháp chuyên sâu, đặc biệt để hạn chế thấp nhất những nguy hiểm cho nhân sự của mình” – đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết.

Xác định công tác bảo đảm ATVSLĐ liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người lao động, cũng như sự gắn chặt trách nhiệm giám sát doanh nghiệp đầu tư ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, góp phần xây dựng môi trường lao động lành mạnh.

Khảo sát năm 2020 của Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi, trong 92 doanh nghiệp với hơn 48.200 lao động; trong đó, doanh nghiệp FDI 24.550 lao động, công ty cổ phần có 21.270 lao động. Có hơn 11.200 người lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; hơn 500 nhân sự chuyên phụ trách công tác ATVSLĐ tại 92 doanh nghiệp.

Đối với sự cố, rủi ro xảy ra ở môi trường làm việc đặc thù như làm việc trên cao, làm việc trong không gian kín, cháy nổ… Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các đơn vị giải quyết bảo đảm quy định pháp luật, nhất là quyền lợi cho người lao động. Đồng thời, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm an toàn lao động cho đơn vị nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế rủi ro về sau. Nhờ vậy, sau khi xảy ra các sự cố, đơn vị nâng cấp độ an toàn lên mức cao hơn quy trình vận hành, sản xuất; rà soát quá trình an toàn của nhà máy, bảo hộ lao động, các điều kiện lao động; Rà soát lao động đào tạo, có tay nghề, người vận hành phải có chứng chỉ được đào tạo nghề kỹ thuật vận hành thiết bị nặng, máy, cầu trục giám sát kỹ.

“Công ty chuyên sửa chữa, đóng mới tàu biển, thiết bị tàu nổi, gia công kết cấu kim loại. Chúng tôi cố gắng bảo đảm mật độ an toàn cao nhất có thể cho kỹ sư, công nhân trên công trường. Đặc biệt rà soát kiểm định chất lượng thiết bị, siết chặt quy trình làm việc an toàn, nghiêm ngặt hơn. Các biện pháp này dĩ nhiên sẽ giảm hiệu xuất sản xuất và tăng chi phí nhưng chúng tôi chấp nhận để bảo đảm an toàn cao nhất cho công nhân” - ông Nguyễn Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp tày thủy Dung Quất khẳng định.

Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các hoạt động ATVSLĐ tại các KKT, KCN. Đồng thời, phối hợp chủ doanh nghiệp tập huấn, huấn luyện về an toàn lao động; kiểm định chất lượng kỹ thuật thiết bị máy móc chuyên dụng; giám sát điều kiện, môi trường làm việc cho người lao động.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó phòng Việc làm – An toàn lao động, LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất kinh doanh phải thực hiện đánh giá, kiểm soát các nguy cơ rủi ro cho người lao động. “Các công ty, nhà đầu tư lớn thì họ chú trọng nhiều đến ATVSLĐ. Họ có nguồn lực kinh phí, nhân sự chuyên nghiệp để thực hiện. Còn những công ty nhỏ, ít vốn thì sự quan tâm cũng ít hơn. Chúng tôi luôn tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về ATVSLĐ. Qua đó, góp ý, chấn chỉnh những tồn tại để cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động được tốt nhất có thể” - Ông Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ.

An toàn lao động quyết định năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất trong doanh nghiệp. Mất ATVSLĐ sẽ gây ra những tổn thất lớn cho nhà đầu tư, danh nghiệp trong tương lai. Vì vậy, ATVSLĐ luôn song hành, gắn chặt với sự phát triển hướng đến bền vững của các tập đoàn kinh tế.

“Đối với những tỉnh chuyên về công nghiệp nặng như tỉnh Quảng Ngãi có rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước, doanh nghiệp FDI đầu tư thì an toàn lao động được nhìn lên cấp độ văn hóa. Đó là văn hóa an toàn của doanh nghiệp, người lao động. Các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát tổng thể tại các KKT, KCN chúng tôi luôn thực hiện. Sự hỗ trợ, phối hợp với các ngành chức năng khác và các chủ sử dụng lao động giúp thay đổi rất nhiều, hình thành văn hóa lao động an toàn vững chãi hơn” – ông Nguyễn Đối, Phó Giám đốc Sở LĐ, TB và XH tỉnh Quảng Ngãi khẳng định.

Bài và ảnh: ĐÔNG HUYỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/thong-tin-doanh-nghiep/kiem-soat-cac-nguy-co-rui-ro-trong-an-toan-lao-dong-647709/