Kiểm soát chặt các mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết
Thị trường Tết 'nóng' với mặt hàng rượu ngoại nhập lậu chủ yếu được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Có nhiều vụ đang trong quá trình vận chuyển từ Bắc vào Nam để tiêu thụ đã bị cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời, không để rượu lậu tuồn ra ngoài thị trường.
Điển hình, ngày 19-12, xe đầu kéo BKS 12C-028.20 kéo theo rơ-moóc BKS 12R-001.22 vận chuyển số lượng lớn rượu ngoại nhập lậu đi từ Quảng Trị vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Khi xe vừa qua khỏi hầm đường bộ Nam Hải Vân thì bị Công an TP Đà Nẵng bắt giữ.
Theo khai nhận của tài xế Võ Đức Thắng (SN 1978, quê Khánh Hòa) trên xe có hơn 1.000 kiện hàng với hơn 4.500 chai rượu các loại như Chivas Regal, Maca Llan. Chủ xe nhận chở thuê cho một người không rõ danh tính từ Lao Bảo (Quảng Trị) vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ trong dịp Tết sắp tới, với giá chở thuê 100.000 đồng/kiện hàng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng xác định toàn bộ số rượu trên không có hóa đơn chứng từ, không dán tem nhậu khẩu.
Trước đó, ngày 22-11, chiếc xe container lưu thông từ Bắc vào Nam đã bị tổ tuần tra của Trạm Cảnh sát giao thông Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) phát hiện chở 104 thùng rượu ngoại các loại không rõ nguồn gốc được trộn lẫn với các loại trái cây. Theo khai nhận ban đầu của tài xế Nguyễn Văn Hà (43 tuổi, ngụ thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương), Hà thường xuyên dùng xe container để chở trái cây từ phía Bắc về bỏ hàng tại chợ đầu mối trái cây Thủ Đức – TP Hồ Chí Minh.
Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số rượu trên có tất cả 744 chai gồm nhiều nhãn hiệu khác nhau, như: Beluga Export, Chivas Regal và Chivas 25, Jager Meiter, tổng trị giá khoảng trên 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tài xế không xuất trình được giấy tờ để chứng minh nguồn gốc...
Với mặt hàng thuốc lá, càng gần những ngày cuối năm tình hình buôn lậu ngày càng gia tăng với thủ đoạn cũng hết sức tinh vi. Trong những ngày này, TP Hồ Chí Minh đã trở thành địa bàn trọng điểm về vận chuyển, chứa trữ, và buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu.
Theo Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh, thuốc lá điếu nhập lậu chủ yếu từ Campuchia, đi từ Vàm Trảng - Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh) vận chuyển trên tuyến kênh Thầy Cai, đưa về tập kết tại bãi Than Bùn – huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh), sau đó được chuyển tiếp bằng xe gắn máy đưa về các quận nội thành TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Bên cạnh đó, trên các tuyến đường bộ như Tỉnh lộ 2, 7, 8, 15, tuyến Quốc lộ 22... thuốc lá điếu nhập lậu cũng được vận chuyển từ Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh) về TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Để đối phó với lực lượng kiểm tra, các đối tượng rất manh động, thường xuyên thay đổi phương thức thủ đoạn hoạt động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ để tẩu tán hàng, giải cứu đối tượng bị bắt giữ...
Trong khi cuộc chống buôn lậu thuốc lá còn nhiều khó khăn gian nan, nhưng việc xử lý thuốc lá lậu cũng đang là vấn đề đau đầu của các lực lượng kiểm tra. Cụ thể, từ tháng 4-2018, QLTT các địa phương bắt đầu áp dụng Quyết định số 20/2018/QĐ-TTg (QĐ 20) về việc xử lý thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu.
Theo đó, sẽ tiêu hủy thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu là thuốc lá giả, thuốc lá không đảm bảo chất lượng và thí điểm bán đấu giá thuốc lá để xuất khẩu ra nước ngoài. Tuy nhiên, QĐ 20 không nêu rõ cơ quan nào đảm nhận việc giám định, khiến việc xử lý thuốc lá lậu của QLTT các địa phương bị lúng túng, ngưng trệ.
Đại diện Cục QLTT TP Hồ Chi Minh cho biết, hiện không có chỉ tiêu chung nào để xác định thuốc lá nhập lậu ở mức nên tiêu hủy hay bán đấu giá, khiến lượng lớn thuốc lá do địa phương tạm giữ bị tồn đọng, hư hỏng. Riêng TP Hồ Chí Minh, tồn đọng 526.000 bao thuốc lá nhập lậu, hiện chưa thành lập được hội đồng giám định chất lượng thuốc lá nhập lậu để xử lý. Trong khi đó, thuốc lá có hạn sử dụng trung bình 1 năm, nếu không xử lý được buộc lưu giữ trong môi trường kém sẽ dẫn đến thuốc hư hỏng nhanh, gây tổn thất.
Ông Nguyễn Thế Anh - đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cũng cho biết, thời gian qua đơn vị tạm giữ nhiều lô xì gà, thuốc lá điện tử nhập lậu nhưng do đây là những sản phẩm mới, chưa có quy chuẩn phân biệt, giám định cụ thể dẫn đến việc xử lý gặp khó khăn.