Kiểm soát chặt các nguồn xả thải tại khu công nghiệp
Với quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế", những năm qua, các cấp, các ngành, đơn vị liên quan trong tỉnh thường xuyên phối hợp rà soát, theo dõi, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các doanh nghiệp (DN) trong các khu công nghiệp (KCN), nhất là việc đấu nối, xử lý, xả thải của DN. Từ đó, kịp thời phát hiện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về môi trường trong các KCN.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 20 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển, trong đó 9 KCN đã thành lập và đi vào hoạt động; 4 KCN đang được các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng hạ tầng.
Các ngành nghề thu hút đầu tư vào KCN chủ yếu là sản xuất cơ khí, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phụ trợ, may mặc…
Trong 9 KCN đang hoạt động, có 8 KCN đã xây dựng được nhà máy xử lý nước thải tập trung gồm Khai Quang, Kim Hoa, Bình Xuyên, Bình Xuyên II, Bá Thiện, Bá Thiện II, Tam Dương I, Thăng Long Vĩnh Phúc.
Đến hết tháng 4/2022, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 426 dự án, gồm có 86 dự án DDI và 340 dự án FDI. Trong đó, chỉ có 358 dự án đang hoạt động SXKD, còn lại phần lớn là các dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng, các dự án tiếp tục hoàn thiện thủ tục và GPMB…
Nhìn chung, các KCN đi vào hoạt động trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng vừa kêu gọi thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng. Do vậy, đến nay vẫn chưa có KCN nào có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.
Theo số liệu báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng lượng nước thải tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 11.550 m3/ngày/đêm. Dự kiến, trong giai đoạn 2021-2030, Vĩnh Phúc quy hoạch từ 23-25 KCN với tổng quỹ đất công nghiệp dự kiến khoảng 7.000 ha. Bởi vậy, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các KCN rất lớn.
Thời gian qua, Sở TN&MT, Ban Quản lý các KCN tỉnh, Công an tỉnh và chính quyền các địa phương đã tham mưu ban hành nhiều chương trình, đề án, quy định và kế hoạch thực hiện công tác BVMT, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng, tăng cường phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát môi trường đối với các DN sản xuất trong KCN.
Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về môi trường. Năm 2021, Sở TN&MT đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 36 tổ chức, cá nhân về việc chấp hành pháp luật đất đai, BVMT và tài nguyên nước.
Qua kiểm tra đã phát hiện 10 tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về lĩnh vực TN&MT đã ban hành 10 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền của Chánh Thanh tra Sở TN&MT với tổng số tiền phạt là 248 triệu đồng; đình chỉ hoạt động thời hạn 3 tháng đối với 1 tổ chức.
Điển hình, trong năm 2021, UBND tỉnh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 470 triệu đồng về hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường đối với Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (VPID) - DN đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN Khai Quang (Vĩnh Yên).
Theo số liệu theo dõi tại Trạm Quan trắc môi trường tự động, liên tục (Sở TN&MT) trong quý III/2021, VPID đã xả thải vào nguồn nước với lưu lượng trung bình 8.810 m3/ngày/đêm, vượt 3.010 m3/ngày/đêm so với giấy phép xả thải 5.800 m3/ngày/đêm do Bộ TN&MT cấp.
Không chỉ các cấp chính quyền vào cuộc để các DN chấp hành nghiêm pháp luật về môi trường, công tác BVMT trong các KCN cũng được nhiều chủ đầu tư quan tâm, chú trọng.
Vừa qua, lãnh đạo Công ty TNHH Vina CPK – Chủ đầu tư hạ tầng KCN Bá Thiện 2 đã nhanh chóng vào cuộc, xác minh thông tin phản ánh của người dân xã Thiện Kế (Bình Xuyên) về tình trạng nước thải của Công ty TNHH Vina NewFlex chảy ra môi trường có màu sắc bất thường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Cam Quý Thục, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Vina CPK cho biết: “Sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân, chúng tôi đã tổ chức kiểm tra, xác minh ý kiến phản ánh của người dân là không đúng.
Bởi, nhà máy xử lý nước thải của KCN Bá Thiện II được đầu tư xây dựng đáp ứng xử lý nước thải tiêu chuẩn loại A, tổng công suất theo thiết kế đạt 10.000 m³/ngày. Kể từ khi vận hành đến nay, toàn bộ đường ống thoát nước thải của các DN đều đã được đấu nối và đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi chảy ra môi trường. Đồng thời, 100% DN đều tuân thủ nghiêm quy định về thu phí xử lý nước thải, bảo vệ môi trường”.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về môi trường tại một số KCN trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do một số KCN dù đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng do đầu tư lâu ngày dẫn đến nhiều hạng mục đã xuống cấp, hư hỏng nên các DN tại đây đều tự xử lý nước thải trước khi thải ra môi trường.
Trong khi đó, Nghị định 155/2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT còn nhiều bất cập so với thực tế. Bởi, hành vi mua chất thải nguy hại được đề cập đến trong Nghị định nhưng lại không có quy định về mức phạt cụ thể, dẫn đến cơ quan chức năng khó có căn cứ xử phạt…
Thời gian tới, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức BVMT cho các cơ sở sản xuất, chủ đầu tư hạ tầng các KCN trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường công tác nghiệp vụ, mở hồ sơ đầu tư cơ bản đối với các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm cao. Tích cực phối hợp với các địa phương tạo điều kiện cho nhà đầu tư hạ tầng xây dựng công trình xử lý nước thải tại các KCN; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định pháp luật về BVMT theo thẩm quyền.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để phù hợp với thực tiễn…