Kiểm soát chặt các quy định đặc thù

'Tôi không hiểu tính thống nhất của hệ thống pháp luật này chúng ta xử lý như thế nào', Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nói khi cho ý kiến về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một báo cáo chi tiết dài 12 trang tham gia thẩm tra dự án Luật Điện lực (sửa đổi) cũng đã được Thường trực Ủy ban Pháp luật gửi Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường - cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Luật, tập trung phân tích chi tiết về tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.

Theo báo cáo này, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị bỏ quy định tại Điều 3 của dự thảo Luật về việc áp dụng pháp luật trong trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật Điện lực và luật khác về cùng một vấn đề cụ thể thì áp dụng Luật Điện lực. Lý do là bởi, quy định này không phù hợp với nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và hệ lụy lớn hơn là sẽ tạo ra sự thiếu ổn định, chồng chéo của hệ thống pháp luật. Trong đó, quy định tại khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật sẽ vô hiệu hóa các quy định về đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của Luật Đất đai (sửa đổi) vừa có hiệu lực thi hành ngày 1.8.2024. Điều này sẽ gây ra sự thay đổi chính sách, pháp luật trong thời gian ngắn, buộc phải bổ sung quy định chuyển tiếp từ khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực đến ngày Luật Điện lực (sửa đổi) có hiệu lực. Hơn nữa, dù các dự án điện lực là rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc cho phép các dự án này không phải đấu thầu, đấu giá có nguy cơ sơ hở, gây thất thoát nguồn lực nhà nước, không kiểm soát chặt chẽ được năng lực của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến chất lượng dự án.

Báo cáo cũng chỉ rõ, cách thể hiện giữa các điểm tại khoản 1 Điều 3 là không thống nhất: điểm a và điểm c nêu cụ thể điều khoản của dự thảo Luật được ưu tiên áp dụng, trong khi điểm b chỉ quy định chung chung. Đồng thời, trong các điều khoản cụ thể của dự thảo Luật còn rất nhiều nội dung khác với luật liên quan nhưng quy định trực tiếp tại điều khoản đó mà không liệt kê tại Điều 3, gây ra sự không thống nhất cả về nội dung và kỹ thuật thể hiện.

Cụ thể như: quy định về dự án ưu tiên đầu tư của Nhà nước được vay lại vốn và cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng theo quy định của Luật Quản lý nợ công (khoản 8 Điều 5); quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án thủy điện khác với Luật Đầu tư (Điều 23); quy định về phương thức lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực khác Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu (Điều 27); quy định về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công khác Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Điều 28); quy định về quy hoạch tại Điều 13 cũng khác với Luật Quy hoạch, trong đó cho phép UBND cấp tỉnh hoặc Bộ Công thương điều chỉnh thông tin liên quan đến dự án nằm trong quy hoạch, bản chất là điều chỉnh quy hoạch nhưng lại cho phép không phải cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch đó được điều chỉnh quy hoạch...

Rà soát sơ bộ cũng cho thấy, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bãi bỏ được 19 thủ tục hành chính nhưng lại tăng thêm 29 thủ tục. Nếu rà soát chi tiết hơn thì những quy định đặc thù, khác với các luật có liên quan và các thủ tục hành chính của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) có lẽ cũng chưa dừng ở đó. Việc có quá nhiều quy định khác với luật hiện hành cũng cho thấy cơ quan soạn thảo chưa thực sự coi trọng việc đánh giá tác động của những thay đổi này, nhất là các hậu quả pháp lý, hậu quả kinh tế - xã hội có thể gây ra từ những quy định khác với luật liên quan, chưa kể đến nguy cơ tham nhũng, tiêu cực do sơ hở của pháp luật.

Ngay trong Kết luận về dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm Quy định số 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; rà soát các quy định để bảo đảm nguyên tắc không hợp thức hóa sai phạm, đặc biệt là quy định về cơ chế xử lý các nguồn điện chậm tiến độ. Cùng với đó là rà soát, xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với các luật khác để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các nội dung của các Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng…Việc xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, như yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là "phải bảo đảm không phá vỡ những nguyên tắc cơ bản của các luật chuyên ngành".

Hôm nay, dự án Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến. Nếu các đại biểu Quốc hội đồng thuận, nhất trí cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua dự luật này tại Kỳ họp thứ Tám theo quy trình tại một Kỳ họp. Dù vậy, với nhiều vấn đề còn ngổn ngang của dự thảo Luật, với yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhiều lần nhấn mạnh vừa qua "ưu tiên cao nhất cho chất lượng dự án luật, không chạy theo số lượng" thì Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo chắc chắn phải tập trung công sức nhiều hơn nữa.

Về phía Quốc hội, cùng với việc yêu cầu cơ quan trình làm rõ những vấn đề rất lớn về nội dung chính sách thì đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ các quy định đặc thù được đưa vào dự thảo luật hoặc được đề xuất quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật để thực sự tạo lập được khung khổ pháp lý minh bạch cho lĩnh vực điện lực.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/kiem-soat-chat-cac-quy-dinh-dac-thu-i386235/