Kiểm soát chặt cửa ngõ và các trục chính của Thủ đô
Ngày 21-9, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, các cửa ngõ ra, vào thành phố tiếp giáp với các tỉnh bạn vẫn duy trì 22 chốt trực kiểm soát chặt người và phương tiện. Người dân qua chốt bắt buộc phải khai báo qua mã QR và các giấy tờ kèm theo.
Chốt kiểm soát trên đê Bát Tràng vào 6h30 sáng nay.
Ghi nhận, từ 6h cùng ngày, khu vực chốt trực trên đê Bát Tràng (huyện Gia Lâm) hướng từ tỉnh Hưng Yên về Hà Nội, lượng người và phương tiện có mật độ khá đông. Do đường đê hẹp nên tổ công tác đã linh hoạt kiểm tra từ xa và bố trí ô tô đỗ dọc tuyến theo hàng dọc để lái xe vào khai báo y tế. Thượng úy Ngô Quốc Tuân, Đội Cảnh sát giao thông số 4 cho biết, nhiều người qua chốt không đủ giấy tờ, chưa khai báo y tế để quét mã QR đều được yêu cầu không vào thành phố.
Tương tự, tại chốt kiểm soát ở xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm) giáp với khu đô thị Ecopark, huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên), cán bộ trực chốt đã dành nhiều thời gian giải thích cho người dân chưa nắm rõ việc khai báo y tế qua mã QR tại chỗ. Tuy nhiên, việc làm này không ảnh hưởng đến quy trình kiểm tra của những phương tiện khác. Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông tuần tra dẫn đoàn thông tin, khu vực chốt kiểm soát cả đầu vào và đầu ra nên lượng phương tiện khá đông. Tại chốt khai báo y tế, tổ công tác đã bố trí người dân xếp thành nhiều hàng để không mất thời gian của người dân và bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên, các chốt kiểm soát trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, quốc lộ 5, quốc lộ 1A, 1B và các tuyến đường đê, đường chính giáp các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh vẫn hoạt động bình thường. Tại các điểm nút giao thông ngã tư Trâu Quỳ - quốc lộ 5, đầu cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì…, cảnh sát giao thông đã cắm chốt điều tiết giao thông.
Ông Lê Thanh Tùng (ở xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) cho biết, các chốt trên địa bàn vẫn được đặt tại các đường nhánh, lối tắt từ huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) về 24/24 giờ với mục tiêu bảo vệ những “vùng xanh” an toàn.
Giải thích rõ hơn về Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội mới ban hành tối 20-9, Thiếu tá Nguyễn Tuấn Cường, Đội Cảnh sát giao thông số 8, chỉ huy chốt Cầu Giẽ (huyện Phú Xuyên) giáp với tỉnh Hà Nam thông tin, hiện chốt kiểm soát theo quy định, người ra vào thành phố phải có giấy đi đường, giấy tờ tùy thân và giấy xét nghiệm Covid-19 âm tính. Giấy đi đường ở đây được hiểu là giấy xác nhận công việc, lý do để vào/ra khỏi Hà Nội. Như trường hợp ra/vào thành phố vì lý do công vụ, phòng, chống dịch bệnh, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia thì phải có các loại giấy tờ chứng minh việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó. Đối với cán bộ, nhân viên, người lao động có địa chỉ thường trú tại Hà Nội, nhưng làm việc trên địa bàn tỉnh, thành phố khác (ví dụ Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang...) thì khi qua chốt kiểm soát cả chiều đi lẫn chiều về đều phải xuất trình giấy xác nhận của đơn vị đang công tác (nơi làm việc), đồng thời phải có giấy đi đường của xã/phường tại Hà Nội (nơi cư trú) ghi rõ lộ trình từ nơi cư trú tới nơi làm việc. Những trường hợp này chỉ cần test nhanh âm tính là có thể qua chốt.
Tại khu vực nội thành, 12 tổ công tác đặc biệt vẫn hoạt động trên các tuyến phố từ sáng, chuyển trạng thái không kiểm soát giấy đi đường mà chủ yếu phát hiện, xử lý lỗi vi phạm giao thông, qua đó tuyên truyền về các giải pháp phòng, chống dịch mới của thành phố.
Ghi nhận trên đường Hoàng Cầu (quận Đống Đa), đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), đường Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), đường Quang Trung (quận Hà Đông)…, các tổ công tác đặc biệt vẫn cắm chốt theo đội hình dọc trải dài trên tuyến đường, đồng thời, đặt dải phân cách để dễ kiểm soát phương tiện.
Đại úy Nguyễn Quang Khải, Đội Cảnh sát giao thông số 3, tổ trưởng tổ công tác Y3/141 cho biết, thành viên của tổ gồm cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, công an địa bàn và cán bộ UBND phường sở tại vẫn triển khai đủ đội hình kiểm soát, xử lý những vi phạm về giao thông.
Một số hình ảnh phóng viên ghi nhận được sáng 21-9:
Bất kỳ phương tiện ngoại tỉnh nào đi qua đường nhánh từ Hưng Yên về Hà Nội đều được kiểm soát.
Chốt kiểm soát tại khu vực đường nhánh xã Đa Tốn.
Hướng dẫn phương tiện qua chốt sau khi khai báo y tế.
Hướng dẫn phương tiện từ tỉnh Vĩnh Phúc về Hà Nội.
Khai báo y tế qua mã QR.
Khai báo y tế tại chốt đê Bát Tràng giáp với Hưng Yên.
Chốt kiểm soát phương tiện từ Hà Nam về Hà Nội.
Phân luồng phương tiện từ khu đô thị Ecopark (Hưng Yên) về Hà Nội.
Chốt cầu Trung Hà, huyện Ba Vì giáp với tỉnh Phú Thọ.
Tất cả người dân tỉnh ngoài vào Hà Nội đều được kiểm tra y tế.
Tổ công tác đặc biệt trực chốt trên đường Hoàng Cầu.
Tổ công tác Y3/141 không bỏ qua những trường hợp vi phạm giao thông.
Việc kiểm soát chặt nhưng không gây ùn tắc.
Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.
Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.
Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.