Kiểm soát chặt người ra đường để hạn chế dịch bệnh

Thủ đô Hà Nội đã qua 28 ngày thực hiện giãn cách xã hội. Theo đánh giá của các chuyên gia, dù đã cơ bản được kiểm soát, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến hết sức khó lường do tốc độ lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta. Vì thế, khi tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6h ngày 6-9, việc kiểm soát chặt lượng người và phương tiện ra đường là cần thiết để hạn chế dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Các tổ Covid-19 cộng đồng góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch.

Muôn kiểu vi phạm

Ngày 20-8, ghi nhận trên tuyến đường Láng, tổ công tác thuộc Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã tiến hành dừng phương tiện để kiểm tra việc sử dụng giấy đi đường của người tham gia giao thông. Phát hiện trường hợp người điều khiển xe máy biển kiểm soát 15D1-143.32 có biểu hiện nghi vấn, tổ công tác dừng xe kiểm tra. Thanh niên này xuất trình giấy đi đường mang tên L.V.D (sinh năm 1990; trú tại quận Cầu Giấy), phía trên đóng dấu Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ quốc tế Việt Á nhưng không đề ngày cấp và xác nhận của đơn vị.

Thiếu tá Đào Phan Anh, Đội Cảnh sát giao thông số 7 (Phòng Cảnh sát giao thông), Tổ trưởng tổ công tác đặc biệt của Công an thành phố Hà Nội phụ trách các quận Thanh Xuân và Hà Đông cho biết, quá trình kiểm tra cho thấy, nhiều người xin được giấy đi đường.

"Việc này phát hiện tương đối dễ vì người được cấp giấy không hề biết tên giám đốc công ty cũng như trụ sở công ty ở đâu. Trong nhiều ngày qua, lượng người và phương tiện có giảm nhưng việc ra đường vẫn còn nhiều. Vì thế, đa số người dân ủng hộ lực lượng chức năng xử lý nghiêm những trường hợp ra đường không lý do chính đáng”, Thiếu tá Đào Phan Anh thông tin.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Quang Anh, số lượng người dân đi qua các chốt trên địa bàn phường vẫn đông do nhiều lý do. Trong đó, việc các doanh nghiệp cấp giấy đi đường cho nhân viên đi làm rất khó kiểm soát vì không cần xuất trình lịch trực...

Lực lượng chức năng phường Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) kiểm soát người, phương tiện qua các chốt trực.

Ngày 20-8, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo do Thành ủy Hà Nội tổ chức để thông tin về tình hình dịch bệnh, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, 6 tổ kiểm tra liên ngành trong 3 ngày qua đã kiểm tra 33.700 lượt phương tiện, xử lý hành chính 265 lượt vi phạm. Lực lượng chức năng phát hiện có giấy đi đường khống, giấy đi đường giả mạo.

“Đến nay, Công an Hà Nội phát hiện và xử lý nghiêm mọi hành vi, thủ đoạn tinh vi hòng qua mắt lực lượng chức năng tại các chốt, như: Thuê xe cứu thương đưa người vào Hà Nội, gọi xe cứu nạn, cứu hộ rồi tranh thủ đưa phương tiện và người qua chốt; đi lại trên đường không đúng quy định, lấy cớ đi tiêm vắc xin...”, Đại tá Trần Ngọc Dương nói.

Xử lý nghiêm việc sử dụng giấy đi đường không đúng đối tượng

Theo Thượng úy Nguyễn Hải Anh - Đội Cảnh sát giao thông số 3, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội), việc giảm tải lượng người điều khiển phương tiện ra đường không có lý do chính đáng là hết sức cần thiết, để tránh nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng.

“Theo mẫu của UBND thành phố Hà Nội cung cấp, giấy đi đường phải có xác nhận của cơ quan đang công tác thì mớihợp lệ. Đối với những giấy đi đường không hợp lệ, do người dân đi xin, mua..., sẽ bị xử lý theo quy định", Thượng úy Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh.

Lực lượng cảnh sát giao thông Hà Nội xử lý nghiêm những trường hợp ra đường không có lý do chính đáng.

Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, tỷ lệ người dân ra đường không có giấy phép chiếm khoảng 10%. Trong 90% số công dân sở hữu giấy đi đường thì có tới 90% giấy phép do doanh nghiệp cung cấp cho nhân viên. Để bảo đảm hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, Công an thành phố Hà Nội sẽ xử lý nghiêm, cương quyết đối với mọi vi phạm trong quá trình giãn cách xã hội, từ nay đến ngày 6-9-2021.

Theo đó, các tổ kiểm tra liên ngành sẽ hoạt động mạnh hơn, ngăn chặn mọi ý định ra đường không cần thiết và răn đe hành vi, thủ đoạn vi phạm pháp luật trong khoảng thời gian cần phải tăng cường giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh.

Tại cuộc họp báo diễn ra chiều 20-8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành phố sẽ tiếp tục hoàn thiện các nội dung công việc còn bộc lộ hạn chế như đang thời gian thực hiện giãn cách nhưng số lượng người ra đường vẫn đông. Lãnh đạo thành phố đã giao Công an thành phố có đánh giá cụ thể về lượng người ra đường, đối tượng ra đường, giấy tờ cấp cho người đi đường để tham mưu Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 thành phố để có giải pháp phù hợp hơn, sát với tình hình thực tiễn hơn.

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Tuấn Minh - Dương Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1009520/kiem-soat-chat-nguoi-ra-duong-de-han-che-dich-benh