Kiểm soát chặt người và phương tiện tham gia giao thông

Ghi nhận ngày 30-8 cho thấy, lượng người ra đường khá đông. Tại các quận, huyện, lực lượng công an vừa kiểm soát giấy đi đường, vừa phân luồng không để ùn tắc giao thông. Đây cũng là thời điểm Công an thành phố Hà Nội triển khai 12 tổ công tác đặc biệt để kiểm soát phương tiện ở các trục đường chính, mọi giấy đi đường đều được chụp lại để phục vụ công tác kiểm tra, nhiều trường hợp đã bị xử phạt theo quy định.

Lực lượng Công an quận Đống Đa kiểm tra giấy đi đường của người dân.

Nội thành tăng cường kiểm soát cơ động

Đại úy Nguyễn Quang Khải, Tổ trưởng Tổ công tác Y12/141 Công an thành phố Hà Nội, thực hiện nhiệm vụ trên đường Thanh Niên (quận Tây Hồ) sáng 30-8 cho biết, 6 Tổ tuần tra kiểm soát cơ động mới được thành lập trên cơ sở “chuyển trạng thái công tác” từ 6 Tổ 141 để thực hiện nhiệm vụ bao gồm: Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự mặc thường phục như mô hình 141 và tăng cường thêm công an cơ sở...

Đại úy Nguyễn Quang Khải khẳng định, vẫn còn nhiều người ra đường không đúng mục đích. Điển hình như trường hợp anh Lưu Quang T (sinh năm 1983, ở phố An Dương, quận Tây Hồ) khi bị tổ công tác dừng xe phát hiện không có giấy đi đường đã viện lý do đi mua bỉm cho con; vợ chồng chị Nguyễn Thị H (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) khi bị kiểm tra không có giấy đi đường đã viện lý do đi thăm bố ốm.

Đại úy Trần Ngọc Lực, Tổ trưởng Tổ công tác Y3/141, Công an thành phố Hà Nội cho biết, kiểm soát trên tuyến phố Tây Sơn (quận Đống Đa) sáng 30-8, Tổ tuần tra đã xử lý nghiêm nhiều trường hợp không có giấy đi đường và cấp sai giấy đi đường. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ trong tổ công tác đã nhanh chóng phát hiện gian dối để xử lý.

Cụ thể là: Chị Ngô Thị Thu H (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân) sử dụng giấy đi đường của Công ty Kinh doanh sơn - không phải mặt hàng thiết yếu; chị Lò Thị P (ở Mường La, tỉnh Sơn La) lý do ra đường đi lấy thực phẩm từ quận Thanh Xuân sang quận Đống Đa. Cả hai trường hợp này đều bị UBND phường Trung Liệt (quận Đống Đa) phối hợp Tổ công tác Y3/141 ra quyết định xử phạt.

Tiếp tục ghi nhận tại quận Hoàng Mai, ngay từ sáng sớm, tại các chốt chặn, lực lượng phòng, chống dịch các phường đã tiến hành kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định giãn cách của người dân.

Cụ thể, tại phường Vĩnh Hưng, anh Nguyễn Văn Thụ, một người dân sống trên địa bàn phường cho biết, ngày nào anh cũng đi về trên cung đường này nên mong muốn việc kiểm tra giấy đi đường được chụp hình, lưu trong điện thoại, để ngày hôm sau khi đi qua chốt chỉ cần mở điện thoại ra là có thể nhận biết người đi đường có giấy tờ hợp lệ, tránh được tình trạng phải kiểm tra giấy chứng minh với họ tên… ghi trong giấy đi đường.

Trung tá Vũ Tiến Đạt, Trưởng Công an phường Vĩnh Hưng khẳng định, thực hiện kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định giãn cách của UBND thành phố, Công an phường Vĩnh Hưng đã phân công cán bộ phối hợp các tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên ứng trực tại các chốt chặn trên địa bàn phường. Bên cạnh việc nhắc nhở người dân chấp hành nghiêm quy định giãn cách, sáng 30-8, Tổ công tác phòng, chống dịch phường đã xử phạt 12 trường hợp vi phạm, với số tiền là 13 triệu đồng.

Tương tự, tại quận Cầu Giấy, ghi nhận ở phường Trung Hòa cho thấy, UBND phường kiểm tra thường xuyên, nâng cao hiệu quả hoạt động của 4 chốt chính và 1 chốt lưu động trên tinh thần tăng cường tuyên truyền, siết chặt kiểm tra, xử lý vi phạm các trường hợp không thực hiện Chỉ thị của thành phố.

Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa Nguyễn Hải cho biết, phường cũng triển khai 72 điểm mô hình tự quản “vùng xanh” an toàn trên địa bàn phường. Trong 3 ngày qua, phường xử phạt 16 trường hợp ra ngoài không có lý do cần thiết với tổng tiền phạt 32 triệu đồng.

Bà Ngô Thị Yến, Nhóm trưởng tổ Covid-19 cộng đồng số 11, phụ trách tổ dân phố, Bí thư Chi bộ số 23 cho biết, việc lập chốt và kiểm soát nghiêm tại địa bàn dân cư rất quan trọng, mỗi khi có người nơi khác ra, vào, khai báo y tế đầy đủ thì công tác kiểm soát dịch tốt hơn.

Lực lượng chức năng xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) kiểm soát người ra, vào địa bàn xã.

Ngoại thành duy trì nghiêm các chốt chặn

Để thực hiện hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ người ra, vào trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, huyện duy trì nghiêm 175 chốt cố định, 38 chốt lưu động ở 23 xã, thị trấn, trong đó, có 13 chốt với huyện giáp ranh. Hằng ngày, các chốt làm nhiệm vụ quản lý chặt chẽ người ra, vào, khai báo y tế, đo thân nhiệt, xử lý các trường hợp ra ngoài không cần thiết.

Chủ tịch UBND xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho hay, xã vẫn duy trì 3 chốt kiểm dịch tại các cổng ra, vào địa bàn xã và 16 chốt bảo vệ “vùng xanh” với sự vào cuộc của nhân dân, để giữ an toàn cho khu dân cư trên địa bàn xã.

Tại huyện Quốc Oai, Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Đỗ Văn Tâm cho biết, người dân đều ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên hạn chế ra ngoài, không tụ tập đông người ở nơi công cộng. Xã đã yêu cầu các chốt siết chặt việc kiểm tra, không cho người dân trong xã ra khỏi địa bàn nếu không có lý do chính đáng và không có giấy xác nhận của địa phương. Những trường hợp bên ngoài huyện muốn đi qua địa bàn đều được hướng dẫn đi đường tránh để hạn chế tiếp xúc với người dân.

Trong khi đó, huyện Phúc Thọ triển khai nhiều cách làm sáng tạo để hạn chế người dân ra ngoài trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Điển hình tại xã Hiệp Thuận, Đoàn thanh niên, lực lượng tình nguyện tham gia phòng, chống dịch của các thôn trực tiếp thu gom nông sản của các hộ dân rồi mang ra chợ bán.

Tương tự, xã Liên Hiệp, bố trí khu vực trung chuyển hàng hóa, nông sản của người dân. Các địa phương cử người dân ra chốt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch rồi vận chuyển đi tiêu thụ. Ông Nguyễn Phú Dược, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Hiệp cho biết, cách làm này tuy mất thời gian nhưng bảo đảm an toàn, hạn chế tối đa người dân đi ra ngoài mà nông sản vẫn được vận chuyển đi tiêu thụ.

Trong lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc chấp hành nghiêm lệnh giãn cách xã hội của người dân là rất quan trọng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều trường hợp cố tình ra đường không có lý do, vì vậy, việc tăng cường các chốt trực phòng dịch, thành lập thêm các tổ công tác, tổ tuần tra kiểm soát cơ động là cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Một số hình ảnh nhóm phóng viên ghi nhận:

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân trên đường Thanh Niên (quận Tây Hồ).

Một điểm trung chuyển hàng hóa cho người dân tại chốt kiểm soát xã Liên Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Quốc lộ 32 đoạn qua thị trấn Phùng lượng phương tiện tham gia giao thông không lớn.

Lực lượng trực chốt kiểm soát trên địa bàn xã An Khánh (huyện Hoài Đức) kiểm tra giấy tờ người đi đường.

Tổ công tác phòng, chống dịch phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai) kiểm tra người tham gia giao thông

Tổ Covid-19 cộng đồng phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy) trực chốt bảo vệ "vùng xanh".

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/1010490/kiem-soat-chat-nguoi-va-phuong-tien-tham-gia-giao-thong