Kiểm soát chặt sản phẩm xuất khẩu 'đội lốt' hàng Việt
Trong khi Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các tập đoàn quốc tế nhờ môi trường đầu tư cải thiện mạnh mẽ thì bài toán kiểm soát xuất xứ hàng hóa đang nổi lên như một thách thức lớn. Đây được xem là yếu tố quan trọng để duy trì vị thế FDI, bảo vệ uy tín hàng Việt trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Kiểm soát xuất xứ hàng hóa không dễ nhưng phải quyết liệt
Phát biểu tại diễn đàn "Nhịp cầu phát triển Việt Nam 2025" ngày 23/4, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương nhấn mạnh: “Sau gần bốn thập niên đổi mới, Việt Nam đã liên tục cải cách hành chính, hoàn thiện pháp luật, nâng cấp hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, ổn định và hấp dẫn”.
Theo số liệu đến hết tháng 3/2025, cả nước có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký trên 510 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đạt gần 327,5 tỷ USD (tương đương 64,2%). Nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Intel, Foxconn, Amkor... đã và đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, góp phần đưa FDI trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế.
Chỉ riêng trong năm 2024, khu vực FDI đã đóng góp 16,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 72% tổng kim ngạch xuất khẩu, và mang lại hơn 20 tỷ USD cho ngân sách nhà nước. Không chỉ tạo nguồn thu lớn, khu vực FDI còn giúp giải quyết khoảng 5 triệu việc làm, nâng cao kỹ năng lao động và thu nhập cho người dân.

Theo ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, một trong những tồn tại khi thu hút FDI là hiện tượng "tráng men" xuất xứ hàng hóa.
Dù đạt nhiều thành tựu, ông Sơn cũng thẳng thắn cho rằng, việc thu hút và sử dụng FDI vẫn tồn tại những bất cập. Trong đó, đáng chú ý là hiện tượng chuyển giá, gian lận thương mại và "tráng men" xuất xứ hàng hóa – vấn đề đang đặc biệt nóng trong bối cảnh Mỹ siết chặt chính sách thuế quan.
Ông Phạm Văn Thinh – Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cảnh báo, một trong những thông điệp đáng lưu tâm từ chính sách thương mại của Mỹ là vấn đề xuất xứ hàng hóa. Việt Nam cần kiểm soát chặt những sản phẩm xuất khẩu không thực sự được sản xuất tại Việt Nam.
Theo ông Thinh, số liệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng tương ứng với nhập khẩu từ Trung Quốc, bởi nguyên liệu, máy móc và công nghệ phục vụ sản xuất phần lớn Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thị trường này. Đây là điều dễ hiểu, song cũng làm gia tăng nguy cơ bị điều tra và áp thuế từ Mỹ nếu không kiểm soát tốt chuỗi cung ứng và chứng nhận xuất xứ.
"Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta có kiểm soát được những hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam mà thực sự không phải sản xuất từ Việt Nam vào thị trường Mỹ. Điều này thật sự không đơn giản nhưng chúng ta phải làm quyết liệt", ông Thinh nhấn mạnh.
Lo ngại về vấn đề xuất xứ hàng hóa, mới đây, bà Lê Hằng - Giám đốc Truyền thông của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ, Trung Quốc có thể lợi dụng cơ chế tái xuất qua nước thứ ba, như Việt Nam, Malaysia, Thái Lan để chế biến, gắn nhãn mới nhằm né thuế của Mỹ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt, đe dọa nghiêm trọng tới uy tín xuất khẩu của Việt Nam.
Trong bối cảnh thương mại quốc tế diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại leo thang đã dẫn đến các hành vi gian lận thương mại, trong đó gian lận xuất xứ hàng hóa có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp nhằm tránh các biện pháp trừng phạt mà các nước sẽ áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Theo đó, ngày 15/4 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị yêu cầu các đơn vị trực thuộc và cơ quan cấp C/O triển khai đồng bộ các nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động kiểm tra, giám sát xuất xứ hàng hóa nhằm thích ứng tình hình mới, thúc đẩy thương mại cân bằng, bền vững và bảo đảm lợi ích hài hòa trong thực thi các FTA và cam kết quốc tế.
Đa dạng hóa thị trường để giảm thiểu rủi ro
Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam cho biết, hơn 30% hàng hóa xuất Việt Nam có ở thị trường Mỹ, còn 2/3 thị trường nằm ngoài Mỹ. Việt Nam hiện tại đang có một lợi thế rất lớn khi đã có 17 FTA ký đa phương hoặc đơn phương.

Các diễn giả thảo luận tại diễn đàn "Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2025 với chủ đề “Việt Nam - Chiến lược FDI trong kỷ nguyên mới”.
"Thủ tướng cũng đề nghị phải tìm thị trường mới, phát triển các thị trường mới ngoài Mỹ. Tuy nhiên, việc này không thể làm 1 ngày 2. Để phát triển một cách bền vững trong tương lai thì đa dạng hóa thị trường sẽ là một trong những yếu tố căn cơ để bảo đảm rằng Việt Nam sẽ cân bằng cán cân thương mại, giảm thiểu rủi ro tập trung vào những thị trường chính", chuyên gia nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương) cho rằng, thách thức lớn nhất với doanh nghiệp hiện nay chính là quản trị sự bất định.
“Từ thời COVID-19 đến nay, thế giới chứng kiến những biến cố xảy ra chỉ trong một đêm nhưng lại làm thay đổi toàn diện cách thức hoạt động của doanh nghiệp. Nếu chỉ tập trung vào một thị trường mà thiếu phương án dự phòng, doanh nghiệp sẽ rất dễ bị tổn thương”, ông Cương nhận định.
Trong bối cảnh mới, việc duy trì sức hút FDI không chỉ dừng lại ở ưu đãi hay cải cách thủ tục, mà còn đòi hỏi Việt Nam kiểm soát chặt rủi ro thương mại, gia tăng hàm lượng nội địa hóa, nâng cao năng lực quản trị chuỗi cung ứng và tăng cường tính minh bạch trong xác định xuất xứ hàng hóa. Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và xây dựng chiến lược phát triển dài hạn cho doanh nghiệp nội địa là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế đứng vững trước sóng gió toàn cầu.
"Hy vọng rằng, cộng đồng doanh nghiệp sẽ cùng Chính phủ đưa ra các giải pháp hợp lý để vượt qua thách thức hiện nay và tiếp tục thành công trong thời gian tới", Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam bày tỏ.