Kiểm soát chặt tàu cá, quyết gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam
Xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương và xử lý tàu đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài là hai trong số những yêu cầu quan trọng để tháo gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.
Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 do Tổng cục Thủy sản tổ chức ngày 14/7, ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Tổng cục Thủy sản) - cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020 cả nước xảy ra 31 vụ/47 tàu bị nước ngoài kiểm soát, bắt giữ, giảm 29 vụ/59 tàu so với cùng kỳ năm 2019. Sau khi bỏ giãn cách xã hội hậu Covid-19, lại có dấu hiệu ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt khu vực vùng biển chồng lấn Malaysia.
Liên quan đến vấn đề tháo gỡ thẻ vàng đối với hải sản, ông Nguyễn Văn Trung - Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản - (Tổng cục Thủy sản) - cho biết, từ cuối năm 2019 đến đầu năm 2020, ngành chức năng và các địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp quản lý, triển khai Luật Thủy sản cũng như nỗ lực triển khai các giải pháp gỡ thẻ vàng của EU đối với việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Về phía địa phương và bản thân ngư dân cũng đã xác định tàu cá phải được quản lý theo hạn ngạch. Việc đánh dấu tàu cá cũng có tiến triển tích cực, tuy nhiên vẫn còn một số địa phương chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản do cần thêm thời gian.
Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Văn Trung đưa ra, đó là qua họp trực tuyến với các địa phương về gỡ thẻ vàng IUU thời gian qua cho thấy 2 lỗ hổng lớn gồm: Xử lý vi phạm hành chính tại các địa phương; xử lý tàu đánh bắt bất hợp pháp ở nước ngoài. “Đó là điểm huyệt của chúng ta, còn những việc khác nhằm gỡ thẻ vàng IUU dần đi vào nề nếp, không đáng ngại”, ông Trung nói.
Về vấn đề xử phạt hành chính, bà Phan Thị Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản) - cho biết, tính từ thời điểm EC sang kiểm tra tháng 10/2019 đến nay, tình hình xử phạt đã có nhiều tiến triển tích cực, có nhiều quyết định xử phạt với mức tiền cao. Sau khi xử phạt vi phạm, các địa phương đều đăng công khai tại địa bàn. Các hành vi khác, các địa phương cũng đang xử phạt tích cực. Tuy nhiên, đang vướng căn cứ pháp lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài về ranh giới. Trong đợt kiểm tra gần nhất, phía Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã chấp nhận đề xuất của Việt Nam là tàu cá vi phạm vùng biển chồng lấn thì lập danh sách theo dõi nguy cơ cao chứ chưa xử phạt, còn vi phạm tại vùng biển rõ ràng thì phải tiến hành xử phạt.
Liên quan đến vấn đề ranh giới biển để xác định phạm vi khai thác, ông Nguyễn Văn Trung cho biết, Bộ Ngoại giao đã xây dựng và xin ý kiến các bên liên quan, trong tháng 7 sẽ xin ý kiến ban hành. Nếu không có thì việc giám sát hành trình đến quản lý đều khó khăn.
Trước đó, phía EC đưa ra yêu cầu chỉ còn tàu cá vi phạm thì việc gỡ bỏ thẻ vàng rất khó khăn. Do đó, việc tập trung vào các giải pháp để ngăn chặn được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài là hết sức quan trọng. Việc tuyên truyền về IUU là không thể lơi lỏng được.
Ngoài ra, hiện EC rất quan tâm đến nguồn gốc hàng hóa đánh bắt. Ông Đàm Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Thú y - cho rằng, việc gỡ thẻ vàng sẽ khó thành công nếu không quyết liệt, mạnh tay xử lý vi phạm.
Trước một số tồn tại, vướng mắc trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu Tổng cục Thủy sản tiếp tục tham mưu cho Ban chỉ đạo quốc gia về IUU chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai có hiệu quả các giải pháp, kế hoạch về chống IUU theo quy định; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện.
Đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về nỗ lực, quyết tâm của Việt Nam trong chống khai thác IUU, triển khai các khuyến nghị của EC; tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến pháp luật cho ngư dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, chống khai thác IUU. Chuẩn bị kế hoạch, nội dung tiếp và làm việc với Đoàn Thanh tra của EC sang Việt Nam làm việc lần thứ tư.