Kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh
Hiện các trường đại học (ĐH) đang hoàn tất để công bố đề án tuyển sinh năm 2019 và công khai trên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cho kỳ tuyển sinh năm 2019.
Tuy nhiên, nhìn vào việc quy định xác định chỉ tiêu của các trường theo Thông tư 06 (Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) có nhiều điểm rất khó kiểm soát việc khai khống các điều kiện để tăng chỉ tiêu. Thậm chí tiêu chí thứ 2 để xác định chỉ tiêu là diện tích sàn xây dựng tăng từ 2,5 lên thành 2,8m2/sinh viên rất hiếm trường đạt được.
Nâng điều kiện xác định chỉ tiêu
Năm 2019, các trường xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo Thông tư 06 năm 2018 của Bộ GD-ĐT theo 2 tiêu chí: (1) tỷ lệ sinh viên/giảng viên (SV/GV) quy đổi tương ứng với 7 khối ngành, trong đó khối ngành đào tạo giáo viên số lượng SV giảm từ 25 (Thông tư 32) xuống còn 20 SV/GV và hệ số GV có trình độ ĐH chỉ còn 0,3 (Thông tư 32 là 0,5). Trong khi đó, tỷ lệ SV CĐ, trung cấp sư phạm chính quy trên một GV quy đổi không vượt quá 25; (2) diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo thuộc sở hữu của trường tính trên một sinh viên chính quy... không thấp hơn 2,8m2 (Thông tư 32 chỉ ở mức 2,5m2). Ngoài ra, Thông tư 06 cho phép các trường được sử dụng GV thỉnh giảng (từ trình độ thạc sĩ trở lên) để tính chỉ tiêu.
Thông tư 06 cũng quy định thêm điểm mới đó là với các ngành, các trường đã được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định theo quy định tại Điều 52, Luật Giáo dục đại học… được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo cam kết về chất lượng của chương trình đào tạo và nhu cầu xã hội đối với ngành đó. Những ngành triển khai theo Đề án thực hiện cơ chế đặc thù thí điểm đào tạo nhân lực ngành Du lịch và Công nghệ thông tin trình độ đại học giai đoạn 2017-2020 và các ngành thực hiện cơ chế đặc thù khác (nếu có) thì xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của cơ chế đặc thù trong thời gian quy định. Trong khi đó, đối với trường chưa được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của các tổ chức kiểm định thì không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước liền kề (trừ ngành đào tạo mới được mở ngành trong năm tuyển sinh).
Đánh giá về Thông tư 06, Th.s Hứa Minh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, cho rằng: “So với trước đây, Thông tư 06 có tăng một số điều kiện để xác định chỉ tiêu. Trong đó, khối ngành III (kinh doanh và quản lý, pháp luật) tăng điều kiện để xác định chỉ tiêu như giảm tỷ lệ sinh viên từ 25 SV/GV xuống còn 20, tăng diện tích sàn xây dựng từ 2,5 lên thành 2,8 m2/SV. Thực tế nếu thực hiện đúng theo quy định này thì rất ít trường có thể hiện đúng, nhất là diện tích sàn xây dựng”.
Giải pháp nào để kiểm soát?
Thực tế cho thấy, cuộc tổng kiểm tra của Bộ GD-ĐT mới đây đã tiến hành ở hơn 200 trường ĐH về các điều kiện đảm bảo chất lượng như cơ sở vật chất, đội ngũ GV, tỷ lệ SV/GV, quy mô SV. Kết quả hàng loạt trường GV thiếu chuẩn trầm trọng khi có từ 30% - 64% giảng viên có trình ĐH (trong khi Luật Giáo dục ĐH quy định giảng viên ĐH phải có trình độ từ thạc sĩ trở lên). Trong khi đó, rất nhiều trường tỷ lệ SV/GV, diện tích sàn xây dựng so với quy định còn thiếu nhiều so với quy định; hàng loạt trường khi thanh tra sờ đến nội dung tuyển sinh đều có vấn đề đó là vượt chỉ tiêu. Vậy với Thông tư 06 thì e rằng việc tuyển vượt chỉ tiêu so với năng lực đào tạo là điều khó tránh khỏi.
Th.s Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết thêm, vấn đề đội ngũ GV thỉnh giảng có trình độ thạc sĩ được tính để xác định chỉ tiêu tuyển sinh là giải quyết bài toán thực tế hàng năm. Bởi lẽ hiện các trường vẫn sử dụng một phần GV thỉnh giảng đến từ các trường khác hoặc từ doanh nghiệp tham gia giảng dạy. Tuy nhiên, có những lo lắng về việc các trường tận dụng vấn đề này để tăng chỉ tiêu khi sẽ có trường “ăn gian” điều kiện giảng viên thỉnh giảng vì hiện nay phần mềm kiểm soát của Bộ GD-ĐT hoàn toàn không thể phát hiện được các trường thực tế có bao nhiêu giảng viên thỉnh giảng.
Đối với các ngành được sử dụng cơ chế đặc thù, ông Sơn cho rằng: theo quy định phải xây dựng đề án triển khai, trong đó cần minh chứng được năng lực đào tạo để đáp ứng yêu cầu nhân lực cao phục vụ cho nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Tuy nhiên vấn đề này cần có khảo sát, đánh giá và nghiên cứu kỹ trước khi triển khai vì thực tế doanh nghiệp thiếu nhân lực làm được việc chứ không phải thiếu người học ngành này. Việc tổ chức tràn lan, không đáp ứng được yêu cầu doanh nghiệp thì sẽ trở thành “con dao hai lưỡi”.
PGS-TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sài Gòn, băn khoăn: “Thực tế vẫn có nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu so với các điều kiện thực tế. Song vấn đề là Bộ GD-ĐT phải mạnh tay hơn đối với những trường thường xuyên tuyển vượt chỉ tiêu như phải công khai để dư luận biết, phải xử phạt theo đúng các quy định hiện hành chứ không thể thanh tra xong rồi đâu lại vào đó. Bên cạnh đó, năm nay để tránh tình trạng các trường lạm dụng việc sử dụng giảng viên thỉnh giảng để tăng chỉ tiêu thì chỉ cho các trường sử dụng giảng viên thỉnh giảng có hợp đồng từ năm 2017 và 2018 thì mới kiểm soát được”.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) cho rằng: “Thực ra cách xác định chỉ tiêu tuyển sinh như trên khó đảm bảo tính khách quan, khoa học và những gì dư thừa mất cân đối ngành và trình độ đào tạo như những năm qua. Việc ra quy định diện tích sàn trên SV và tỷ lệ SV/GV cho 7 khối ngành mới là một trong các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo chưa thể hiện vai trò điều tiết cơ cấu ngành đào tạo của cơ quan quản lý nhà nước... Ví dụ, nếu thấy ngành nào có nguy cơ dư thừa hoặc chất lượng đào tạo yếu kém cần giảm ngay tỷ lệ SV/GV, đồng thời cho phép thu học phí tăng để điều tiết”.
Việc cho phép SV chuyển đổi ngành đào tạo linh hoạt là phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của SV đáng được hoan nghênh… Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT cần điều tiết và quy định để tránh có hiện tượng SV chuyển ngành tập trung vào một vài trường trong khi không chuẩn bị kịp điều kiện đảm bảo chất lượng lại dễ rơi vào khủng hoảng thừa. Với những ngành chưa định được (dự báo) qui mô rất cần quy định tỷ lệ SV/GV cho ngành ấy mà không nên là khối ngành. Quy chế tạo điều kiện cho các trường tự chủ nhưng đòi hỏi các trường phải có trách nhiệm giải trình trước xã hội về chất lượng và học phí mà người học chi trả cho trường. Một khi có trường nào đó cố tình trốn tránh trách nhiệm giải trình thì cơ quan quản lý nhà nước buộc họ phải thực thi theo pháp luật và bàn tay cơ quan công quyền phải rất sạch.
Nhìn thẳng vào thực tế, phó hiệu trưởng một trường ĐH công lập lớn thuộc khối ngành kinh tế tại TPHCM cho biết: Thực tế với các điều kiện hiện có nếu áp dụng đúng Thông tư 06 thì chắc chắn rất ít trường đạt được. Điều này đã minh chứng bằng việc hàng loạt trường công lập bị phát hiện tuyển vượt chỉ tiêu khi áp dụng các thông tư trước đây. Do đó, Bộ GD-ĐT cần phải có sự tính toán cho hợp lý và có lộ trình chứ nâng điều kiện mới mà trong khi điều kiện cũ còn chưa đạt được thì rất khó kiểm soát. Một thực tế khác mà Bộ GD-ĐT cũng biết là với mức học phí hiện nay (không tính các trường công lập thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77) thì không chỉ các trường “khổ” mà thu nhập của giảng viên cũng rất thấp. Do đó, các trường phải tuyển vượt chỉ tiêu là khó tránh khỏi.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/kiem-soat-chi-tieu-tuyen-sinh-565082.html