Kiểm soát, đẩy lùi dịch là cơ sở quan trọng củng cố niềm tin cho doanh nghiệp
* Việt Nam lên tiếng về máy bay do thám Trung Quốc xuất hiện ở Trường Sa
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 14-5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc hãng vệ tinh ISI công bố hình ảnh ở Đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) cho thấy xuất hiện máy bay do thám KJ-500 & KQ-200 của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động của các bên tại 2 quần đảo này mà không có sự cho phép của Việt Nam đều vô giá trị. Trong bối cảnh khu vực và quốc tế hiện nay, Việt Nam đề nghị các bên không có hành động làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông”.
Liên quan đến câu hỏi về việc một số nhà nghiên cứu đối chiếu thông tin từ vệ tinh cho biết rất nhiều tàu dân binh và tàu cá Trung Quốc đang tập trung tại một số đá như Ba Đầu, Én Đất, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nói: “Chúng tôi luôn theo dõi sát các hoạt động trên Biển Đông và cho rằng hoạt động của các nước cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền và quyền lợi hợp pháp của quốc gia ven biển, đóng góp vào hòa bình, an ninh và ổn định tại Biển Đông”.
Trước câu hỏi của phóng viên về các biện pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài sau dịch Covid-19, nhất là những nhà đầu tư đang muốn rút lui khỏi Trung Quốc, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng chống dịch, cho đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam.
Bên cạnh phòng chống dịch hiệu quả, Chính phủ Việt Nam nhất quán chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội để củng cố nền tảng, nâng cao sức kháng chịu và thích ứng của nền kinh tế. Theo tinh thần đó, Việt Nam đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp nhằm phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng Covid-19. Thứ nhất, bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với bên ngoài. Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistics… Thứ ba, tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác. Thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch Covid-19 gây ra để tiếp tục triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó có việc tạo điều kiện cho chuyên gia, lao động trình độ cao vào Việt Nam làm việc nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng chống dịch.