Kiểm soát dịch tốt, kinh tế phục hồi

Trong năm 2021, cũng như các tỉnh khác trong cả nước, tỉnh Sóc Trăng chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và đã đạt được kết quả khích lệ.

Những ngày gần đây, bản tin cập nhật tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh càng củng cố thêm niềm tin trong lòng người dân rằng cuộc sống bình thường mới sẽ sớm trở lại trước khi tết Nguyên đán đến. Theo bản tin ngày 12-1, số ca mắc mới đã giảm xuống chỉ còn 2 con số, số ca tử vong còn 1 con số, số ca khỏi bệnh tăng lên từng ngày và tỷ lệ tiêm ngừa vắc xin phòng Covid-19 ở tất cả lứa tuổi trong diện tiêm đều đã xấp xỉ trăm phần trăm. Vùng xanh đang ngày càng mở rộng thay vùng vàng, vùng cam… không chỉ mở ra cơ hội cho sản xuất, kinh doanh dịp Tết mà còn thắp sáng tia hy vọng về một cái Tết cổ truyền an vui và đầm ấm.

Nhờ chống dịch tốt, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong năm đầy khó khăn. Ảnh: TÍCH CHU

Nhờ chống dịch tốt, nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế trong năm đầy khó khăn. Ảnh: TÍCH CHU

Trước hết, đó là nhờ Sóc Trăng triển khai thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, để sớm đưa tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới từ ngày 16-9 (sớm nhất so với các tỉnh trong khu vực) và đến ngày 16-10, tỉnh áp dụng biện pháp “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo từng cấp độ dịch. Đây là tiền đề để sản xuất, kinh doanh có cơ hội phục hồi sớm và kịp tăng tốc về đích cuối năm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 kịp thời theo đúng đối tượng, đúng quy định, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động của đại dịch và đảm bảo an sinh xã hội. Chính từ việc triển khai phòng, chống dịch có hiệu quả, nên đến cuối năm, kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng dương, dù không lớn.

Trong những năm qua, mặc dù các lĩnh vực kinh tế khác như: công nghiệp, thương mại - dịch vụ, xây dựng… của tỉnh có bước phát triển đáng kể nhưng nông nghiệp vẫn giữ vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn như đợt bùng phát dịch Covid-19 trong năm 2020 và năm 2021. Riêng năm 2021, dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19 nhưng cả 2 đối tượng chủ lực của ngành nông nghiệp là con tôm và cây lúa đều có được thành công lớn. Sản lượng lúa vẫn giữ trên 2 triệu tấn theo đúng mục tiêu, nhưng tăng đáng kể sản lượng lúa thơm, lúa đặc sản, góp phần gia tăng giá trị cho ngành lúa gạo và hiệu quả cho nông dân.

Theo ông Đặng Văn Sang ở Tổ hợp tác tôm - lúa ấp Bình Hòa, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), vụ lúa ST24 trên đất nuôi tôm năm nay trúng mùa lại bán được giá nên tính ra lợi nhuận mỗi hécta bình quân hơn 30 triệu đồng. Mũi nhọn thủy sản tiếp tục được phát huy với tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng trong năm ước đạt gần 340.000 tấn, trong đó, riêng con tôm chiếm 183.000 tấn, tăng 17,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, lĩnh vực chăn nuôi, cây ăn trái, trồng màu… nhìn chung đều có sự phát triển khá ổn định, góp phần vào thành công chung của ngành nông nghiệp và tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Năm nay, tuy có khó khăn nhiều mặt, nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh vẫn tăng 12% và giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá so sánh 2010) ước đạt 27.565 tỉ đồng, tăng 12,02% so cùng kỳ, trong đó, các sản phẩm chủ lực như: tôm đông, gạo, bia, sản phẩm nhựa… đều tăng đáng kể. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 của tỉnh ước đạt 52.333 tỉ đồng, tăng 9,01% so cùng kỳ. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng trong năm 2021 với 2 sản phẩm chủ lực là tôm đông trên 1 tỉ USD và gạo ước đạt 213 triệu USD, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của tỉnh ước đạt 1,28 tỉ USD, vượt 28% kế hoạch và tăng 14,8% so với cùng kỳ.

Để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp có hiệu quả, ngay từ đầu năm 2021, tỉnh tiếp tục xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ này. Trong năm, tỉnh đã tiếp và làm việc với 70 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký thực hiện các dự án đầu tư, qua đó, đã cấp đăng ký đầu tư cho 16 dự án với tổng vốn đăng ký 26.621 tỉ đồng, tăng 23,24% so cùng kỳ. Ước tính đến cuối năm 2021 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới khoảng 360 doanh nghiệp, nâng tổng số doanh nghiệp toàn tỉnh lên 3.850 doanh nghiệp, với tổng vốn đầu tư khoảng 50.000 tỉ đồng. Trong năm cũng đã có 4 dự án điện gió hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại và hòa vào lưới điện quốc gia với tổng công suất 110,8MW.

Những kết quả trên, cùng những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn chỉ đạo, điều hành trong giai đoạn khó khăn do đại dịch sẽ là hành trang quý để Sóc Trăng thêm tự tin bước vào giai đoạn phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2022.

TÍCH CHU

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/kinh-te/kiem-soat-dich-tot-kinh-te-phuc-hoi-54496.html