Kiểm soát doanh nghiệp sân sau của quan chức

Trung Quốc mới đây ban hành quy định về việc thành lập và điều hành doanh nghiệp đối với vợ, chồng, con cái của cán bộ lãnh đạo. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, đưa các giá trị quân sự vào xã hội dân sự.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố, chống tham nhũng là một cuộc chiến chính trị lớn và không được thua, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là ở cấp cao phải liêm khiết.

Ngày 19/6, Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ban hành Quy định về việc thành lập và điều hành doanh nghiệp đối với vợ, chồng, con cái của cán bộ lãnh đạo, Xinhua đưa tin. Trước đó, một số địa phương Trung Quốc đưa ra quy định tương tự và thực hiện thí điểm. Theo quy định mới cấp trung ương, cán bộ, đảng viên phải định kỳ báo cáo, phải giải trình tài sản, phải bị kiểm tra đột xuất. Như vậy, sẽ nâng cao hiệu quả phòng chống tham nhũng và niềm tin của nhân dân.

Giới quan sát phương Tây cho rằng, quy định mới được ban hành có thể áp dụng với cả con cái của cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân và cựu Phó chủ tịch Trung Quốc Tăng Khánh Hồng vì họ có nhiều cổ phần ở các công ty lớn.

Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lập Quân xuất hiện trước tòa ở tỉnh Cát Lâm ngày 8/7. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 646 triệu nhân dân tệ (khoảng 2.246 tỷ đồng), thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu vũ khí trái phép - Ảnh: CCTV

Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Tôn Lập Quân xuất hiện trước tòa ở tỉnh Cát Lâm ngày 8/7. Ông này bị cáo buộc nhận hối lộ hơn 646 triệu nhân dân tệ (khoảng 2.246 tỷ đồng), thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu vũ khí trái phép - Ảnh: CCTV

Trong chống tham nhũng, Trung Quốc sẽ tập trung mở rộng sang hai lĩnh vực và đối tượng là tài chính và quan chức nghỉ hưu. Thực tế cho thấy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người làm việc trong doanh nghiệp để tận dụng vị thế, quan hệ có được lúc đương chức.

Song song chống tham nhũng, Trung Quốc sẽ tăng nhu cầu trong nước bằng cách khơi thông dòng tiền, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng, giảm trấn áp ngành bất động sản và công nghệ. Nếu không sẽ gây trì trệ, suy giảm kinh tế vì áp dụng Zero COVID quá nghiêm ngặt, khiến tầng lớp trung lưu bất mãn, nguy cơ bất ổn xã hội gia tăng, nhiều nhà phân tích trong và ngoài Trung Quốc nhận định. Việc siết quản lý bất động sản và công nghệ quá chặt đã dẫn tới thiếu vốn (vốn hóa thị trường mất hàng nghìn tỷ USD), chậm đổi mới sáng tạo. Trước mắt, tạo không gian cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thực hiện các giải pháp hồi phục kinh tế. Cái tên Lý Khắc Cường gần đây xuất hiện trên báo chí Trung Quốc nhiều hơn hẳn so với trước.

Đưa các giá trị quân sự vào xã hội dân sự

Trung Quốc đang tích cực tuyên truyền, quảng bá, đưa các giá trị quân sự (ái quốc, kỷ luật, phục tùng, đoàn kết, mạnh mẽ…) vào xã hội dân sự. Ví dụ rõ nét là Tổng cục Phát thanh & Truyền hình Trung Quốc gần đây yêu cầu showbiz tăng tính văn hóa cách mạng, rạp chiếu phim phải tăng suất chiếu phim đề tài chiến tranh, cấm cửa nam nghệ sĩ ẻo lả, nữ tính… Tân Cục trưởng Tổng cục Phát thanh & Truyền hình Trung Quốc, ông Từ Lân, là người có thời gian làm việc với ông Tập Cận Bình ở thành phố Thượng Hải, có tinh thần kiểm soát Internet, định hướng dư luận sát sao. Một nhân sự tuyên truyền đáng lưu ý khác là ông Lý Thư Lỗi (58 tuổi), Phó Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cựu Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, hồi tháng 6 được bổ nhiệm làm Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên truyền Trung ương. Ông Lý Thư Lỗi và ông Tập Cận Bình quen nhau từ thời ông Tập làm Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương. Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương hiện nay là ông Hoàng Khôn Minh (66 tuổi), cũng là thân tín của ông Tập, báo Hong Kong South China Morning Post đưa tin.

Để siết quản lý báo chí-truyền thông, hằng năm Trung Quốc đều tổ chức kiểm tra trình độ lý luận và chuyên môn của các nhà báo, đình chỉ vài trăm người. Theo Xinhua, đến giữa năm 2022, Trung Quốc có gần 3.700 cơ quan báo chí-truyền thông với hơn 180.000 phóng viên. Ngày 7/6, Phó Hoa, cựu Phó ban Tuyên truyền Trung ương, cựu Phó ban Tuyên truyền Thành ủy Bắc Kinh, cựu Trưởng ban Tuyên truyền tỉnh Quảng Đông, được bổ nhiệm tổng giám đốc Xinhua.

Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, cuối cùng phải được thống nhất, vấn đề chỉ là thời điểm, các nhà phân tích nhận định. Với Hong Kong, Trung Quốc tiếp tục duy trì cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”, siết kiểm soát về an ninh thông qua luật, văn bản dưới luật. Ban lãnh đạo mới của Hong Kong gồm trưởng đặc khu xuất thân an ninh và một số thành viên Hội đồng Lập pháp thân đại lục.

8 điều ông Tập muốn

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, GS Carlyle Thayer, Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Úc, nhận định, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có 8 điều mong muốn và sẽ kiên quyết thực hiện trong nhiều năm tới. Đó là: duy trì sự cầm quyền lâu dài của Đảng Cộng sản Trung Quốc; thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ (chống các đối tượng ly khai Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương, Hong Kong, Đài Loan…); phát triển kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình; bảo vệ môi trường; quân đội hạng nhất (ngang cơ với Mỹ); đẩy Mỹ ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất; an ninh cấp châu lục (sáng kiến Vành đai-Con đường, tăng trưởng thị trường, lực trọng lực hút tất cả về phía Bắc Kinh); và hệ thống quốc tế với Trung Quốc là trung tâm, thiết lập các lợi ích đồng tâm, định hình trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Thái An

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kiem-soat-doanh-nghiep-san-sau-cua-quan-chuc-post1453428.tpo