Kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh

Sau 4 lần giảm giá liên tiếp, đến nay, giá xăng E5 RON92 ở mức dưới 25.000 đồng/lít, RON 95-III hơn 25.000 đồng/lít, dầu diesel gần 24.000 đồng/lít... khiến người dân vô cùng phấn khởi. Động thái Liên bộ trích lập quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng, dầu nhằm hỗ trợ đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp và giảm thiểu tình trạng lạm phát. Đi đôi với giá xăng, dầu giảm đòi hỏi sự vào cuộc của lực lượng chức năng trong kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng xăng hạ nhưng giá hàng hóa không hạ.

Các mặt hàng thiết yếu, nằm trong danh mục bình ổn giá sẽ được lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát giá trong đợt này.

Các mặt hàng thiết yếu, nằm trong danh mục bình ổn giá sẽ được lực lượng chức năng chú trọng kiểm soát giá trong đợt này.

Xử lý nghiêm các vi phạm về niêm yết giá

Thời điểm xăng, dầu tăng giá, nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng cao do chi phí nguyên liệu sản xuất đầu vào, chi phí vận chuyển tăng, ảnh hưởng đến đời sống, tiêu dùng của người dân.

Để giảm thiểu tỷ lệ lạm phát tăng cao vào những tháng cuối năm 2022, Liên bộ đã trích lập quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng dầu trong nước nhằm điều chỉnh giá xăng từ hơn 30.000 đồng lít xuống còn khoảng 25.000 đồng/lít. Giá xăng, dầu đã giảm nhiệt, nhưng giá nhiều mặt hàng hóa vẫn ở mức cao, hoặc có giảm nhưng không đáng kể gây tâm lý hoang mang cho người dân.

Hiện nay, giá nhiều mặt hàng trong siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh những ngày qua cơ bản vẫn giữ nguyên. Cụ thể, các loại thực phẩm thiết yếu như thịt lợn, thịt bò, gà, cá… vẫn giữ nguyên giá sau khi tăng thêm nhiều lần.

Trong đó, thịt lợn giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, thịt bò từ 260.000 - 300.000 đồng/kg (tùy loại); nhóm hàng dầu ăn, mỳ tôm, sữa tươi... vẫn giữ nguyên mức giá tăng như trước.

Trước diễn biến giá cả các mặt hàng hóa, dịch vụ thiết yếu vẫn ở mức cao dù xăng, dầu đã hạ nhiệt, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 678 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Phó Cục trưởng Cục QLTT Vĩnh Phúc Lê Hùng cho biết: “Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, việc kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ vẫn được lực lượng chức năng triển khai gắn với nhiều nội dung khác.

Việc thực hiện niêm yết giá được các siêu thị thực hiện tốt.

Việc thực hiện niêm yết giá được các siêu thị thực hiện tốt.

Để thực hiện hiệu quả công tác kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ cần phải có kế hoạch kiểm tra chuyên đề. Hiện nay, Cục QLTT đã sẵn sàng vào cuộc kiểm tra, trong đó, chú trọng xử lý các vi phạm về niêm yết giá, vi phạm giá bán đối với những mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá…”.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, tình trạng vi phạm về niêm yết giá còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Theo quy định, hàng hóa, dịch vụ phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Điều này giúp việc mua bán được thực hiện công khai, minh bạch; đảm bảo quyền và nghĩa vụ chính đáng của người tiêu dùng; thiết lập trật tự trong hoạt động mua bán và giúp các cơ quan chức năng dễ dàng nắm bắt, quản lý hơn.

Tuy nhiên, nhiều cửa hàng, đại lý hiện nay chưa thực hiện nghiêm việc niêm yết giá, bán hàng không theo giá niêm yết hoặc niêm yết cho có để đối phó với lực lượng chức năng.

Tùy theo mức độ, vi phạm về niêm yết giá ngoài phạt tiền còn có thể áp dụng hình phạt bổ sung và giải pháp khắc phục hậu quả như buộc trả lại người mua số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết, tước giấy phép kinh doanh …

Đồng bộ các giải pháp thực hiện

Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 trên địa bàn tỉnh tăng 0,77% so với tháng 6, tăng 4,32% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng cao nhất ở nhóm hàng ăn, dịch vụ ăn uống (tăng 2,41%), tiếp theo là nhóm đồ uống như bia, nước giải khát…

Chỉ số giá tiêu dùng tăng gây áp lực cho tỷ lệ lạm phát, đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, điều hành giá. Do đó, cần thiết phải chấn chỉnh, thực hiện bắt buộc quy định niêm yết giá nhằm kiềm chế tình trạng tăng giá quá mức, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Việc thực hiện tốt quy định niêm yết giá còn là công cụ để cơ quan nhà nước triển khai tốt tính năng quản trị giá, ổn định thị trường, kiềm chế lạm phát kinh tế.

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lê Hùng, một trong những khó khăn trong quá trình kiểm tra, kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ mà lực lượng chức năng đang gặp phải đó là, giá của những mặt hàng không nằm trong danh mục bình ổn đều do doanh nghiệp, chủ cơ sở kinh doanh tự công bố, kê khai nên không có căn cứ để xử lý. Do đó, Cục QLTT đề nghị các cơ quan có thẩm quyền có văn bản, hướng dẫn cụ thể để việc thanh kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, thời điểm này, các địa phương, cơ quan chức năng đang theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để có các biện pháp điều hành, bình ổn giá cụ thể. Trong đó, chú trọng đến nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, chịu ảnh hưởng gián tiếp từ giá xăng dầu, có tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.

Chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường. Xử lý các sai phạm theo quy định góp phần kiểm soát lạm phát, đảm bảo đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.

Hà Trần

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/81485/kiem-soat-gia-hang-hoa-dich-vu-sau-khi-gia-xang-dau-giam-manh.html