Kiểm soát giá lúa gạo, đảm bảo an ninh lương thực
Người dân mua gạo tại một cơ sở bán lẻ ở TP Tuy Hòa. Ảnh: VÕ PHÊ
Giá lúa, gạo trong nước có xu hướng tăng cao trong những tháng gần đây. Do đó, việc kiểm soát giá, đảm bảo cân đối cung cầu, phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của người dân cần được tăng cường.
Liên tục tăng giá
Theo đại diện một số cơ sở xay xát, kinh doanh lúa, gạo trong tỉnh, từ thời điểm thu hoạch xong vụ lúa đông xuân, giá lúa, gạo có dấu hiệu tăng, đặc biệt là khi Ấn Độ (quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới) cấm xuất khẩu gạo tẻ thường để bảo vệ thị trường trong nước. Theo ông Huỳnh Kim Tường, chủ cơ sở xay xát lương thực Tường Liên (Cụm công nghiệp Hòa An, huyện Phú Hòa), giá lúa, gạo tăng cao nhất là khi Ấn Độ có quyết định cấm xuất gạo (ngày 20/7), có thời điểm mức độ tăng không chỉ tính từng ngày mà tính từng giờ. Nếu so sánh với mức giá cách đây 1 tháng, giá lúa hiện nay đã tăng 2.000 đồng/kg. Bình quân mỗi ngày, cơ sở của ông nhập kho 100-150 tấn lúa, giá thu mua 8.900-9.000 đồng/kg. “Khi nguồn cung trong tỉnh không còn, các doanh nghiệp, cơ sở xay xát phải nhập lúa, gạo từ các tỉnh khác, giá theo thị trường. Hiện chưa biết tình hình biến động lương thực của các nước ra sao, nhưng để giá lúa, gạo trong nước bình ổn thì rất cần sự kiểm soát của cơ quan nhà nước”, ông Tường chia sẻ.
Giá lúa, gạo tại các cơ sở thu mua tăng nên giá gạo bán lẻ trên thị trường cũng tăng 1.000-3.000 đồng/kg tùy loại. Bà Nguyễn Thị Bình, chủ một cơ sở xay xát gạo, gia công, bán lẻ ở phường 9 (TP Tuy Hòa) cho hay: Các loại gạo của miền Nam như Lộc Phượng, Tài Nguyên, Thơm Lài có giá 17.500-18.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng); các loại gạo đồng thông thường, đồng thơm (thu hoạch trong tỉnh) có giá 13.500-14.500 đồng/kg (tăng 1.000-1.500 đồng/kg). Tuy giá gạo tăng nhưng lượng bán ra vẫn được duy trì.
Theo dõi diễn biến thị trường
Việc giá lúa, gạo tăng thời gian gần đây nảy sinh lo lắng cho người dân. Chị Trương Thị Thúy Kiều (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) tính toán: Giá lúa, gạo tăng thì các loại thực phẩm chế biến sẵn có dùng gạo cũng sẽ tăng nên chi phí gia đình buộc sẽ tăng.
Theo ông Phạm Trọng Nhanh, chủ một cơ sở chế biến bún truyền thống (xã Hòa Định Đông, huyện Phú Hòa), giá gạo làm bún ở mức 570.000-580.000 đồng/bao (50kg), cơ sở làm bún, bỏ sỉ với giá 8.000 đồng/kg. Nay giá gạo lên 680.000-700.000 đồng/bao (50kg), cơ sở tăng thêm 500 đồng/kg.
Trước những biến động giá của mặt hàng lúa, gạo, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Chỉ thị 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Ngoài việc xác định nguyên nhân tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo thế giới có xu hướng tăng cao, chỉ thị cũng nêu tình hình thị trường trong nước. Cụ thể, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan, lãnh đạo các địa phương, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ như đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm; chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo; kịp thời hỗ trợ người sản xuất, thương nhân; xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa, gạo lên cao…
Việc thực hiện các nhiệm vụ này sẽ giúp đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa, gạo, cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Công Thương, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/306933/kiem-soat-gia-lua-gao-dam-bao-an-ninh-luong-thuc.html