Kiểm soát giết mổ động vật để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Sáng 3-6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức hội nghị về Kiểm soát giết mổ động vật và triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

 Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết: Tính đến tháng 5-2023, cả nước có tổng cộng 463 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ.

Trong số 433 CSGM động vật tập trung đang hoạt động, có công suất giết mổ từ 50 con lợn, 200 con gia cầm trở lên/ngày, có 45 CSGM có dây chuyền giết mổ công nghiệp: TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An: 5 cơ sở/địa phương; Thanh Hóa, Tây Ninh: 3 cơ sở/địa phương; Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bình Phước, Đồng Nai: 2 cơ sở/địa phương…). 388 CSGM (chiếm khoảng 90% số CSGM động vật tập trung) là cơ sở giết mổ theo hình thức tập trung giết mổ (chủ yếu ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang...).

Cả nước hiện vẫn còn 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ. So với năm 2015, số lượng CSGM nhỏ lẻ giảm khoảng 5.000 cơ sở. Trong đó: 7.362 cơ sở có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, có 4.574 cơ sở (đạt 62,1%) có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ (KSGM) theo quy định. Số lượng gia súc, gia cầm được KSGM chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2023: trâu, bò: 2.645.300 con; lợn: 8.647.885 con; gia cầm: 2.100.000 con.

 Nhà máy giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm của Tập đoàn Masan tại tỉnh Hà Nam.

Nhà máy giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm của Tập đoàn Masan tại tỉnh Hà Nam.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Thịt động vật trên cạn chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn trong cuộc sống của người dân nước ta. Vì vậy, việc KSGM động vật cho vai trò rất quan trọng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh trên động vật từ giết mổ, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ động vật sang người (cúm A H5N1). Trong thời gian tới, đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02 của Thủ tướng nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm từ động vật, bảo vệ sức khỏe của người dân, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm động vật xuất khẩu.

Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/kiem-soat-giet-mo-dong-vat-de-dam-bao-ve-sinh-an-toan-thuc-pham-730064