Kiểm soát hoạt động kinh doanh trên mạng

Quá trình kiểm tra của các đội nghiệp vụ, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Bình Thuận đã phát hiện nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để thực hiện buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ…

Kiểm soát hoạt động kinh doanh t

Hàng hóa được bán online tập trung chủ yếu vào một số mặt hàng như quần áo, giày dép, túi xách, ví, đồng hồ, mỹ phẩm, đồ điện gia dụng, linh kiện điện thoại... Trong đó, số lượng mỗi chủng loại hàng hóa vi phạm không nhiều, được bày bán công khai, để chung cùng với các hàng hóa khác, giá cả tương đối thấp nên được nhiều người tiêu dùng mua, sử dụng nhiều. Việc bán hàng trên không gian mạng cũng có chiều hướng diễn biến phức tạp về phương thức, thủ đoạn. Để đối phó với sự kiểm tra của ngành chức năng, các đối tượng thường xuyên đổi nơi chứa hàng hóa hoặc chọn vị trí kho hàng ở xa trung tâm thành phố, địa phương gần nhà ở. Đặc biệt, có trường hợp chỉ bán cho khách hàng quen, không bán cho khách lạ và thực hiện hoạt động kinh doanh ngay tại nơi ở. Một số ít đối tượng kinh doanh mặc dù có cửa hàng, cửa hiệu, có đăng ký kinh doanh nhưng không mở cửa kinh doanh chỉ thực hiện bán hàng online. Vì vậy rất khó khăn trong công tác giám sát, thu thập, thẩm tra, xác minh cũng như lên phương án cho quá trình kiểm tra.

Trước tình hình trên, Cục QLTT Bình Thuận đã chỉ đạo tăng cường các hoạt động nghiệp vụ, theo dõi hoạt động kinh doanh trên không gian mạng. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của loại hình kinh doanh này nên việc điều tra, triệt phá một vụ việc mất nhiều thời gian hơn so với những loại hình kinh doanh truyền thống. Từ hàng trăm, hàng ngàn các website, tài khoản facebook có tổ chức hoạt động kinh doanh, các đội nghiệp vụ phải thống kê, xác định chủ sở hữu, tài khoản lớn cung cấp hàng cho các tài khoản khác thực hiện hoạt động bán hàng online. Rồi tiếp tục xác định vị trí kho và thời gian các đối tượng tập kết hàng mới có thể triệt phá. Phải mất nhiều tháng theo dõi, ngày 4/6, Đội QLTT số 1 và Độiqltt số 5 mới triệt phá được cùng lúc 2 cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Bắc. Kiểm tra, tại cơ sở kinh doanh Shop TB trên đường Trần Hưng Đạo, TP. Phan Thiết, Đội QLTT số 1 phát hiện cơ sở kinh doanh này đang lưu giữ số lượng lớn các mặt hàng sản phẩm mỹ phẩm gồm: 10.543 sản phẩm mỹ phẩm các loại nhãn hiệu Wendy Story, Wonder Drawing, Fresh&Sofl, Mejilkaliner, Pears, Cha Charl, Bio Vital, Dusitra… do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Số hàng này có tổng trị giá 42.710.000 đồng. Còn tại điểm tập kết hàng hóa ở thôn 1, xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc do bà B.T.T làm chủ, Đội QLTT số 5 đã phát hiện trên 29.000 sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng có trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cả 2 cơ sở trên đều không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ hợp pháp của hàng hóa. Làm việc với cơ quan chức năng, chủ 2 cơ sở trên khai nhận chỉ một số ít hàng hóa trong kho là được bán trực tiếp tại cửa hàng, còn hầu hết là được sử dụng để bán qua mạng.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra 787 vụ, qua đó phát hiện và xử lý 241 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước hơn 2,3 tỷ đồng và tịch thu một số hàng hóa vi phạm.

NguyỄn Luân

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/kiem-soat-hoat-dong-kinh-doanh-tren-mang-139323.html