Kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng

Cùng với các giải pháp vĩ mô nhằm ổn định thị trường vàng, tại Thừa Thiên Huế, các giải pháp kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được triển khai.

 Cục Thuế sẽ tăng cường quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh vàng

Cục Thuế sẽ tăng cường quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh vàng

Ổn định, kiểm soát vi mô

Thời gian qua, thị trường vàng ghi nhận nhiều biến động. Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy, chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 1,93% so với tháng trước; tăng 20,4% so với tháng 12/2023; tăng 31,05% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 8 tháng đầu năm, chỉ số giá vàng tăng 25,54%. Có nhiều thời điểm, giá vàng liên tục lập đỉnh; chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao.

Để ổn định thị trường vàng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp cùng các bộ, ngành và các địa phương triển khai tổng thể các giải pháp để xử lý tình trạng chênh lệch giá vàng cao, ổn định thị trường vàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ đó, đến nay, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới đã được rút ngắn, hoạt động kinh doanh cơ bản ổn định.

Trên địa bàn tỉnh, việc quản lý hoạt động và kinh doanh vàng được tăng cường hơn. Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam và UBND tỉnh, NHNN tỉnh đã có nhiều văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp (DN) được cấp phép kinh doanh, mua bán vàng miếng, sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về hoạt động kinh doanh vàng; thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật. NHNN cũng phối hợp với Công an tỉnh có phương án đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo hiệu quả tại các điểm bán vàng miếng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý liên quan chia sẻ, cung cấp các thông tin về chủ trương, chính sách quản lý thị trường vàng.

 Hoạt động kinh doanh vàng đang được kiểm soát

Hoạt động kinh doanh vàng đang được kiểm soát

Cùng với hoạt động kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch hàng năm, NHNN tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn. Theo đó, đoàn đã kiểm tra trực tiếp tại 15 DN có hoạt động kinh doanh, mua bán vàng miếng; sản xuất, kinh doanh mua bán vàng trang sức mỹ nghệ; đại lý chi trả ngoại tệ đóng trên địa bàn thành phố Huế và các huyện, thị xã: Hương Thủy, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Nam Đông.

Theo lãnh đạo NHNN, nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định về kinh doanh, mua bán vàng miếng; hoạt động kinh doanh, mua bán và sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ; hoạt động đại lý chi trả ngoại tệ; việc chấp hành các quy định chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn, chứng từ; pháp luật về thuế; pháp luật về sở hữu trí tuệ, nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động kinh doanh.

Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với 1 DN có hành vi “trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu” với số tiền 28 triệu đồng. Ngoài các DN được kiểm tra, theo số liệu từ NHNN tỉnh trên địa bàn có 28 địa điểm kinh doanh, mua bán vàng miếng; 75 DN có hoạt động sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ được NHNN tỉnh cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước

Để chấn chỉnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về các quy định của pháp luật, chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối để DN, người dân hiểu và thực hiện đúng quy định.

Trong đó yêu cầu, NHNN tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ những tồn tại, vướng mắc liên quan đến việc thực hiện Nghị định số 24/2012/NĐ-CP (khi có yêu cầu); chủ động báo cáo, kiến nghị NHNN Việt Nam những tồn tại, vướng mắc khi triển khai Nghị định số 24/2012/NĐ-CP được phát hiện qua kiểm tra. Đồng thời, NHNN tỉnh phải thường xuyên theo dõi, quản lý, giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường ngoại hối và vàng trên địa bàn để tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, triển khai các quy định liên quan nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với thị trường ngoại hối và vàng; hướng dẫn, yêu cầu các DN sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ thực hiện đúng trách nhiệm theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác quản lý hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của các tổ chức kinh tế trên địa bàn; chỉ đạo các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định pháp luật trong việc ủy quyền đại lý chi, trả ngoại tệ cho các tổ chức kinh tế.

Cục Thuế tỉnh tăng cường hướng dẫn, yêu cầu các DN chấp hành các quy định của pháp luật về thuế, như: Thực hiện kê khai thuế, mở sổ sách ghi chép, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định; xử lý các tồn tại đã được phát hiện qua kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Phạm Bá Nam, Giám đốc NHNN tỉnh chia sẻ, có thể nói, với những giải pháp đồng bộ của Ngân hàng Nhà nước và sự phối hợp hiệu quả của các cơ quan chức năng, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi đã giảm đáng kể, hoạt động kinh doanh vàng được duy trì ổn định. Thời gian tới, NHNN tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường vàng, phối hợp với cơ quan liên quan tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng. Thường xuyên phối hợp với Công an tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Thuế tỉnh, và các sở, ngành nắm bắt, trao đổi các thông tin liên quan đến hoạt động của thị trường vàng, kịp thời tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý điều hành đảm bảo hoạt động kinh doanh vàng ổn định và minh bạch.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/kiem-soat-hoat-dong-kinh-doanh-vang-146525.html