Kiểm soát lạm phát năm 2024 trong mọi tình huống
Ngày 12/6, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành 6 tháng đầu năm, định hướng công tác những tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị các Bộ, ngành, địa phương không chủ quan, lơ là, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong mọi tình huống.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, so với tháng 12/2023, CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm 2023. “Có được kết quả đó là sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp và người dân”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận.
Để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong các tháng còn lại của năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tập trung chủ động theo dõi sát diễn biến giá các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá trong nước, chủ động thực hiện theo thẩm quyền hoặc đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp, giải pháp, kịch bản ứng phó phù hợp, linh hoạt, kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 trong giới hạn 4 - 4,5% theo đúng Nghị quyết của Quốc hội trong mọi tình huống.
Đáng lưu ý, Phó Thủ tướng yêu cầu thực hiện đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả, không tăng giá đột ngột và tăng giá cộng dồn vào cùng một thời điểm, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát; có lộ trình đánh giá mức độ, thời gian điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Hạn chót được Phó Thủ tướng đưa ra là hết tháng 6 phải có kịch bản điều hành giá, trong đó có thời điểm, mức độ điều chỉnh giá 3 mặt hàng là: giá điện, giá dịch vụ y tế và giáo dục. Trên cơ sở đề xuất, BCĐ điều hành giá sẽ cân nhắc, cho ý kiến.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát kỹ các yếu tố hình thành giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá kỹ tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá. Trên cơ sở đó, chủ động có phương án điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt hàng giá thị trường theo đúng quy định với mức độ và thời điểm điều chỉnh phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế…