Kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu

Việc quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu.

Kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm nông, lâm, thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu. Ảnh: Tư liệu

Cảnh báo sản phẩm nông sản Việt Nam chứa chất cấm

Mới đây, Văn phòng Thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS) vừa có văn bản gửi Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật về cảnh báo của châu Âu (EU) đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam do vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm trong tháng 9/2021.

Cụ thể là cảnh báo ngày 2/9 đối với sản phẩm đùi ếch đông lạnh. Pháp đã thu hồi sản phẩm trên thị trường, Thụy Sỹ thì tiêu hủy sản phẩm. Theo đó, EU phát hiện lô hàng số G2100406 đóng gói bởi Maison GrandJean tương ứng với lô hàng số MP00755 của nhà cung cấp SABAROT.

Nhà sản xuất là Công ty TNHH Thương mại và chế biến thực phẩm Ngọc Hà, ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, chứa chất cấm nitrofurans (furazolidone) mức dư lượng 17 µg/kg - ppb. EU đánh giá mức độ rủi ro là nghiêm trọng.

Ngày 6/9 đối với quả bưởi, Na Uy đã thu hồi sản phẩm này trên thị trường. EU phát hiện lô hàng số 32/1 với khối lượng 7,1kg của nhà sản xuất là "Nguyen Truc Thuy" ở ấp 1, thị trấn Hộ Phòng, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu chứa chất cấm propargite 0,23 ppm và fenobucarb 0,032 ppm, mức dư lượng cho phép theo chỉ thị số 91/414/EEC cho 2 chất trên ở mức 0,01 ppm. Mức độ rủi ro là không xác định...

Trước vấn đề này, Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải, các sản phẩm nông lâm thủy sản Việt Nam bị thu hồi ở thị trường EU là do quy trình sản xuất chưa được điều chỉnh phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.

Không chỉ với thị trường EU, theo quan sát trên hệ thống cảnh báo của các thị trường Australia, Hoa Kỳ, Nhật Bản… vi phạm an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng có nguồn gốc thực vật xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu tập trung vào các chỉ tiêu về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Không những vậy, thông tin về quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp còn hạn chế; quy hoạch vùng trồng để xuất khẩu theo thị trường chưa được chú trọng.

Quy trình sản xuất ban đầu trên đồng ruộng chưa được điều chỉnh phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu, nên các chỉ tiêu dư lượng không đạt chủ yếu rơi vào các trường hợp vi phạm giá trị mặc định (quy định rất thấp 0,01 mg/kg tức là không có dư lượng)...

Đảm bảo an toàn thực phẩm xuất khẩu

Để khắc phục tình trạng này, Cục Bảo vệ thực vật nhấn mạnh, thời gian tới việc quản lý và kiểm soát nghiêm ngặt sản phẩm nông, lâm, thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm để xuất khẩu cần phải được thực hiện một cách đồng bộ, đảm bảo ở tất cả các khâu theo chuỗi sản xuất gắn với thị trường xuất khẩu.

Theo đó, cơ quan chức năng cần cập nhật thường xuyên, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người sản xuất để chuẩn bị đầu tư, quy hoạch vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp.

Đồng thời, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và chính quyền địa phương trong xuất khẩu nông sản;

Cùng với đó, cần xây dựng, sửa đổi, bổ sung và ban hành các quy định kỹ thuật về an toàn thực phẩm phù hợp thực tế trong nước và quốc tế; thực hiện các chương trình giám sát về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm tại vùng trồng xuất khẩu và đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp để phục vụ xuất khẩu...;

Để tránh tình trạng doanh nghiệp vi phạm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trong kiểm dịch, theo Cục Bảo vệ thực vật, các doanh nghiệp cần hiểu rõ về thị trường xuất khẩu để tổ chức sản xuất, thu gom đảm bảo các yêu cầu an toàn thực phẩm cho hàng hóa. Cùng với đó, doanh nghiệp hướng dẫn, đào tạo cho người lao động về quy trình sản xuất để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm của mình.

Đặc biệt, doanh nghiệp giám sát tốt vùng sản xuất, thực hiện lấy mẫu kiểm nghiệm an toàn thực phẩm tại các phòng thử nghiệm được chỉ định hoặc phòng thử nghiệm được thị trường xuất khẩu chấp thuận trước khi đóng gói xuất khẩu.

Chính quyền địa phương tham vấn cơ quan chuyên ngành về các quy định của thị trường xuất khẩu để có quy hoạch, hướng dẫn sản xuất phù hợp tại địa phương, tránh các vi phạm do không nắm được quy định của thị trường xuất khẩu.../.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-nghiem-ngat-san-pham-nong-lam-thuy-san-dam-bao-an-toan-thuc-pham-de-xuat-khau-94923.html