Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiễm khuẩn do chăm sóc y tế còn gọi là nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) do người bệnh bị phơi nhiễm các nguy cơ nhiễm khuẩn khi đến khám, chữa bệnh (KCB) ở các cơ sở y tế, đặc biệt khi họ trải qua điều trị và thủ thuật xâm lấn. NKBV làm tăng tỷ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Do vậy, để nâng cao năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở y tế, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, thời gian qua ngành y tế luôn quan tâm chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để KSNK.
Môi trường khu vực bệnh viện luôn cần được bảo đảm an toàn.
Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn chú trọng công tác phòng chống nhiễm khuẩn. Bệnh viện đã củng cố hoàn thiện hệ thống tổ chức KSNK theo quy định Thông tư 18 của Bộ Y tế. Thành lập Hội đồng KSNK và mạng lưới KSNK mà nòng cốt là các điều dưỡng, các trưởng, phó khoa, phòng trong bệnh viện. Cùng với đó, chỉ đạo kịp thời việc phối hợp các khoa, phòng liên quan tăng cường công tác KSNK trong các lĩnh vực chuyên môn theo quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng trong bệnh viện như: Vệ sinh tay, tiêm an toàn, xử lý, tiệt khuẩn, bảo quản dụng cụ và vật tư y tế, thu gom xử lý rác thải, vệ sinh môi trường...
Để tăng cường KSNK, bệnh viện thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, chống nhiễm khuẩn tại các khoa, phòng. Nhân viên bệnh viện tuân thủ tuyệt đối các quy định trong KSNK theo Thông tư 18 của Bộ Y tế như vệ sinh tay, rửa tay đúng kỹ thuật; thực hiện các quy định về vô khuẩn khi thực hiện phẫu thuật, thủ thuật và thực hiện tiệt khuẩn, bảo đảm vô khuẩn các dụng cụ y tế sử dụng lại tại bộ phận tiệt khuẩn; làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ và phương tiện chăm sóc, điều trị; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cách ly thích hợp đối với những người bệnh khi nghi ngờ hoặc xác định được căn nguyên gây bệnh truyền nhiễm theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường trong bệnh viện luôn được quan tâm nhằm đem lại không gian trong sạch, thoải mái nhất cho người bệnh... góp phần xây dựng môi trường bệnh viện an toàn, hạn chế tới mức thấp nhất NKBV.
Tại Bệnh viện Nhi, trung bình mỗi ngày có khoảng 650 đến 750 lượt người đến khám, điều trị, 30 đến 40 ca phẫu thuật; ngoài ra còn rất nhiều bé đẻ thiếu tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng nên nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao đòi hỏi công tác kiểm soát NKBV phải được tăng cường, phát triển tương xứng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất NKBV. Trao đổi với chúng tôi, thạc sĩ, bác sĩ Lễ Xuân Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh cho biết: Là khoa điều trị chuyên biệt cho đối tượng trẻ sơ sinh đến 2 tháng tuổi - đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất do trẻ chưa hoàn chỉnh hệ thống miễn dịch, Bệnh viện Nhi được trang bị 40 giường sơ sinh và 5 lồng ấp, hệ thống lọc khí áp lực âm, hệ thống máy phun sương khử khuẩn môi trường không khí, dung dịch sát khuẩn tay nhanh đến tận đầu giường, mỗi trẻ có bộ dụng cụ riêng biệt. Để tránh nhiễm khuẩn ở trẻ, cán bộ, nhân viên y tế tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kiểm soát NKBV, trước, trong và sau khi chăm sóc trẻ đều tuân thủ việc sát khuẩn tay nhanh bằng dung dịch hóa chất diệt khuẩn, 100% nguồn nước sử dụng tại khoa là nước lọc RO. Cùng với đó, công tác vệ sinh phòng bệnh, khu điều trị, trang thiết bị đúng quy trình, các dụng cụ y tế bảo đảm tiệt khuẩn tuyệt đối... nên tỷ lệ lây nhiễm chéo giảm đáng kể so với trước đây.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, tất cả các cơ sở KCB tuyến tỉnh đã thành lập khoa kiểm soát NKBV, bệnh viện tuyến huyện thành lập tổ kiểm soát NKBV và xây dựng mạng lưới KSNK cho bệnh viện; 100% bệnh viện đã xây dựng quy trình kiểm soát NKBV theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đầu tư nguồn lực, cơ sở hạ tầng, phương tiện, trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu KSNK trong tình hình mới; thực hiện nuôi cấy tìm vi khuẩn để đưa ra các biện pháp xử lý nếu có; đẩy mạnh công tác giám sát NKBV và giám sát tuân thủ các quy trình KSNK; tổ chức các buổi tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người nhà bệnh nhân về kiểm soát NKBV; đưa tiêu chí kiểm soát NKBV vào bình xét thi đua cuối năm... vì thế đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ NKBV.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát NKBV vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức về NKBV của một số người đứng đầu cơ sở KCB và nhân viên y tế chưa quan tâm chú trọng. Bên cạnh đó, nhân lực KSNK còn thiếu và yếu, nguồn lực cho KSNK còn hạn hẹp, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK tại nhiều bệnh viện chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Để đáp ứng nhu cầu KCB trong tình hình mới, giảm thiểu tỷ lệ NKBV, ngành y tế cần tiếp tục củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và nhân lực, tăng cường các hoạt động chuyên môn lĩnh vực KSNK trong các cơ sở KCB; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình chống NKBV, đặc biệt là đối với chất thải y tế, vệ sinh môi trường, dịch bệnh truyền nhiễm... Đồng thời tăng cường việc giáo dục nhân viên y tế thực hiện các quy định phòng chống nhiễm khuẩn, thực hiện tốt công tác phòng chống NKBV.