Kiểm soát ô nhiễm vi nhựa: Thiếu hành lang pháp lý

Chính sách quản lý nhựa và vi nhựa trong các sản phẩm hàng hóa đã có nhưng còn thiếu, nhiều quy định chưa cụ thể gây khó khăn trong quá trình quản lý.

Có nhưng còn thiếu…

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ môi trường cũng như ban hành nhiều văn bản pháp luật quan trọng. Điển hình là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có quy định về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa, mở rộng trách nhiệm của nhà sản xuất (EPR) đối với bao bì, trong đó có bao bì nhựa…

 Rác thải nhựa đã và đang gây nguy hại đến các hệ sinh thái biển

Rác thải nhựa đã và đang gây nguy hại đến các hệ sinh thái biển

Việc kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong sản phẩm, hàng hóa (vi nhựa sơ cấp) bắt đầu được đề cập chung trong Luật Bảo vệ môi trường 2020, Chỉ thị 33/CT-TTg; Quyết định số 1746/QĐ-TTg. Trong đó, hoạt động kiểm soát nguồn gây ô nhiễm vi nhựa thứ cấp được gián tiếp thể hiện qua các chính sách giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường - đánh giá, chính sách quản lý nhựa và vi nhựa đã có nhưng còn thiếu. Cho đến nay, vẫn còn nhiều quy định chưa cụ thể gây khó khăn trong quá trình quản lý.

… Và chưa rõ ràng

Theo các chuyên gia, mặc dù chính sách đã có nhưng chưa đủ và chưa rõ ràng nên công tác quản lý chất thải nhựa và vi nhựa vẫn gặp nhiều khó khăn. “Chúng ta chưa có quy định về giảm chất thải từ các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Việc quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi nilon còn khó khăn; túi nilon thân thiện với môi trường không có khả năng cạnh tranh với túi nilon thường. Việc thu hồi các sản phẩm thải bỏ trong Danh mục theo Quyết định 16/QĐ-TTG chưa được triển khai…” - ông Nguyễn Trung Thắng chia sẻ.

Thêm vào đó, thành phần vi nhựa chưa được đề cập trong giá trị tối đa cho phép của các thông số ô nhiễm tại các quy chuẩn, tiêu chuẩn môi trường và trong xử lý nước thải. Việc quản lý tổng thể nguồn phát sinh ô nhiễm vi nhựa (từ các sản phẩm, hàng hóa như mỹ phẩm, chất tẩy rửa…; môi trường không khí; hoạt động giao thông do bào mòn lốp xe...) cũng chưa được quy định cụ thể. Cùng với đó là các quy định thành phần vi nhựa trong mỹ phẩm, bột giặt, sơn... chưa rõ ràng. Chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về thành phần vi nhựa trong các sản phẩm, hàng hóa này

Theo ông Nguyễn Trung Thắng, để quản lý ô nhiễm vi nhựa ở Việt Nam một cách hiệu quả, cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa. Trước mắt, cần xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2020 về quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa; lồng ghép nội dung về phát triển kinh tế tuần hoàn, quản lý chất thải nhựa và kiểm soát ô nhiễm vi nhựa trong các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực…

Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu việc thải bỏ chất thải nhựa, vi nhựa vào môi trường. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong quản lý chất thải nhựa, vi nhựa và sản xuất các nguyên liệu nhựa sinh học, sản phẩm thân thiện với môi trường. Tăng cường hợp tác quốc tế về quản lý nhựa và vi nhựa; tăng cường thực thi, tuân thủ chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa và vi nhựa thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-soat-o-nhiem-vi-nhua-thieu-hanh-lang-phap-ly-156134.html