Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh
Sau 4 năm thế giới ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì đại dịch, Covid-19 đã trở thành bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, hệ thống y tế toàn cầu vẫn đối mặt những gánh nặng tiềm ẩn từ căn bệnh này cùng với những nguy cơ do các bệnh viêm đường hô hấp theo mùa có chiều hướng trở nên phổ biến hơn.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), từ cuối năm 2023, số ca mắc Covid-19, chủ yếu do biến thể JN.1 đã tăng nhanh trở lại, đúng giai đoạn cao điểm của bệnh cúm và các bệnh viêm đường hô hấp vào mùa Ðông Xuân. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của nhiều quốc gia liên tục ghi nhận những con số đáng lo ngại về tốc độ tăng ca mắc cúm và Covid-19 như Mỹ, Anh, Italy, Bồ Ðào Nha, Malaysia, Singapore...
Trong bối cảnh trên, nhiều nước đã áp dụng trở lại các quy định phòng ngừa dịch bệnh, vốn đã được dỡ bỏ sau khi WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu do dịch Covid-19 như: Lắp máy quét thân nhiệt tại sân bay, kêu gọi người dân đeo khẩu trang ở nơi đông người, sát khuẩn tay, tiếp tục tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19, xét nghiệm khi có triệu chứng...
Tại Việt Nam, tình hình Covid-19 vẫn đang được kiểm soát; số mắc ghi nhận thấp, rải rác tại một số địa phương và phần lớn có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng; số nhập viện và số bệnh nhân nặng tại các cơ sở điều trị thấp. Kết quả giám sát tác nhân gây bệnh, hiện chưa ghi nhận biến thể mới, bất thường.
WHO phân loại JN.1 là biến thể được quan tâm hiện được ghi nhận ở hơn 40 quốc gia. Ngoài các triệu chứng thông thường như sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, đau đầu, đau cơ, khó thở, mệt mỏi, mất vị giác hoặc khứu giác, sương mù não, biến thể JN.1 còn gây 2 triệu chứng khác thường là khó ngủ và lo lắng. Biến thể này cũng làm tăng nguy cơ viêm phổi nặng, chuyển nặng nguy kịch nếu đồng thời nhiễm 2 loại virus.
Lý giải cho tình trạng Covid-19 lây lan nhanh trong thời gian gần đây, các chuyên gia y tế quan ngại, biến thể JN.1 có thể trốn tránh hệ thống miễn dịch và lây truyền dễ dàng hơn các biến thể khác. WHO cảnh báo, tháng 2/2024 sẽ là đỉnh điểm của đợt gia tăng số ca mắc Covid-19.
Mặc dù, các biến thể mới dường như có khả năng lây nhiễm cao hơn, song hiện không có bằng chứng nào cho thấy JN.1 gây nguy cơ sức khỏe cao hơn các biến thể khác của SARS-CoV-2. Giới chuyên môn khẳng định, khả năng miễn dịch đã có trong cộng đồng và vaccine hiện tại vẫn có thể bảo vệ con người khỏi biến chứng nặng và nguy cơ tử vong do JN.1, cũng như các biến thể khác hiện nay của SARS-CoV-2.
Bộ Y tế cho biết, hiện nay đang trong giai đoạn thời tiết chuyển mùa thay đổi bất thường là nguyên nhân của sự xuất hiện và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp như cúm, sởi, rubella, ho gà...
Để tiếp tục kiểm soát hiệu quả, bền vững với dịch bệnh và chuẩn bị sẵn sàng, chủ động ứng phó trong trường hợp Covid-19 quay trở lại, Bộ Y tế đã xây dựng phương án sẵn sàng đảm bảo công tác y tế trong tình huống dịch bệnh có biến chủng mới nguy hiểm hơn, bùng phát mạnh trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống. Đồng thời, tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm xâm nhập và lây nhiễm sang người.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân: Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người; thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng...
Người dân tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở...và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kiem-soat-quan-ly-ben-vung-dich-benh-post471613.html