Kiểm soát quyền lực
Sắp đến thời điểm Đại hội Đảng cấp cơ sở, tiến tới Đại hội Đảng lần thứ 13 nên có lẽ một trong những câu chuyện dư luận quan tâm nhất hiện nay là nhân sự.
Tất nhiên, đây là câu chuyện không mới, kỳ Đại hội Đảng nào cũng vậy. Sự quan tâm, suy cho cùng là thánh thiện, yêu nước, bởi “cán bộ là cái gốc của công việc” như lúc sinh thời Bác Hồ từng nói.
Trong “lộ trình” chọn “mặt” để gửi “vàng”, tuần này dư luận tập trung sự chú ý vào việc Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai thực hiện Quy định số 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”...
Theo Ban Tổ chức Trung ương, Quy định 205 đã đi trúng vào những vấn đề nhức nhối trong công tác cán bộ tồn tại suốt nhiều nhiệm kỳ vừa qua khi lần đầu tiên trong một văn bản mang tính pháp quy của Đảng đề cập đến vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống “chạy chức, chạy quyền”. Quy định cũng chỉ rõ các hành vi “chạy chức, chạy quyền”; các hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” và chế tài, hình thức xử lý.
Để quy định kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền” đi vào đời sống trong tổ chức đảng các cấp, nhất là ở cơ sở, trước hết đòi hỏi sự nêu gương của những người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị.
Theo đó, phải tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cá nhân; cụ thể hóa các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định chặt chẽ, đồng bộ về công tác cán bộ ở tất cả các khâu, quản lý đội ngũ cán bộ, đảng viên; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra định kỳ; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân; tập trung giải quyết tình trạng mất đoàn kết nội bộ hoặc đơn, thư khiếu nại, tố cáo; nhận diện rõ 6 hành vi “chạy chức, chạy quyền” và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” nêu trong quy định. Tức là về lý luận công tác xây dựng Đảng tiếp tục nhấn mạnh các khâu, xác định thứ tự ưu tiên.
Liệu có ai tự giác, nêu gương hay không? Hay là mục đích cá nhân, “lợi ích nhóm” luôn luôn được che đậy một cách tinh vi, nếu không có cơ chế giám sát hiệu quả, nếu như không nhờ báo chí và nhân dân phát hiện (mà nút bùng nổ chính là mâu thuẫn dẫn đến khiếu nại, tố cáo ngay trong nội bộ) thì mọi chuyện mới được phát hiện? Không phải tự nhiên, trong cuộc sống, các thành ngữ mới luôn được bổ sung, “kính thưa các đồng chí chưa bị lộ” là một trong các thành ngữ đó?
Nói thế để thấy rằng, “giám sát” luôn là “mấu chốt” của kiểm soát quyền lực.
Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/kiem-soat-quyen-luc-482699.html