Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Cơ quan Tòa án nhân dân (TAND) chịu sự kiểm soát, giám sát rất chặt chẽ từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội không chỉ trong hoạt động tố tụng mà còn trong các hoạt động khác của tòa án. Việc kiểm soát được thực hiện ở hai phương diện, kiểm soát từ bên ngoài và tự kiểm soát nhằm ngăn chặn phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực. Thực tế, việc kiểm soát quyền lực đã đem lại nhiều hiệu quả tích cực nhưng đôi lúc cũng mang lại khá nhiều áp lực.
Đồng chí Thái Rết - Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chánh án TAND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo quy định TAND là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp thuộc nhóm quyền lực nhà nước, có quyền xét xử, phán quyết tính đúng đắn của các quan hệ xã hội. Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, lợi dụng quyền lực để xâm phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp lý trong xã hội và ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động tư pháp, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều thể chế, quy định nhằm kiểm soát, giám sát hoạt động của tòa án bằng nhiều hình thức kiểm soát, cụ thể, thông qua Hiến pháp; các bộ luật; hoạt động giám sát của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội (Quốc hội, cấp ủy địa phương, Viện Kiểm sát nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội, HĐND và hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo). Bên cạnh đó, TAND Tối cao cũng ban hành nhiều quy định thực hiện cơ chế tự kiểm soát và giám sát hoạt động trong hệ thống.
TAND tỉnh Sóc Trăng quán triệt, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Ảnh: C.H
Thời gian qua, Ban Cán sự, lãnh đạo TAND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Từ đó, đã góp phần nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ PCTN, lãng phí và phòng ngừa tiêu cực trong hoạt động của tòa án. Để công tác tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động. Xây dựng nội quy, các quy chế làm việc, quy chế dân chủ trong hoạt động TAND; quy chế hoạt động của tổ hành chính tư pháp, tiếp công dân và quy chế làm việc của cấp ủy, các đơn vị, đoàn thể trong hai cấp. Ngoài ra, Ban Cán sự Đảng còn phối hợp với lãnh đạo, người đứng đầu các đơn vị, tổ chức, đoàn thể tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, chấn chỉnh tác phong, lề lối làm việc. Tổ chức thực hiện nghiêm quy định của TAND Tối cao về xử lý trách nhiệm đối với cán bộ có chức danh tư pháp, bộ quy tắc đạo đức ứng xử đối với thẩm phán và cán bộ, công chức trong tòa án...
Song song đó, Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh còn tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực hoạt động như: thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ; tổ chức trao đổi nghiệp vụ, đối thoại với thẩm phán để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rút kinh nghiệm trong thực tiễn xét xử và đề xuất, kiến nghị TAND Tối cao giải đáp, hướng dẫn thực hiện thống nhất. Đối với các vụ án, vụ việc tham nhũng, án kinh tế, các vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo tòa án luôn có sự quyết liệt trong chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ xét xử. Khi đó, kịp thời phân công cán bộ chuyên môn phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng cấp để tiếp cận hồ sơ ngay từ giai đoạn đầu nhằm kịp thời nắm thông tin, xây dựng kế hoạch giải quyết và báo cáo kịp thời đến cấp ủy địa phương theo quy định. Chú trọng xây dựng quy chế phối hợp với các cơ quan, ban ngành địa phương nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giải quyết các loại án.
Việc kiện toàn tổ chức bộ máy và bố trí, sắp xếp lại vị trí công tác trong hệ thống tòa án đảm bảo phù hợp với trình độ, năng lực của công chức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Ban Cán sự Đảng TAND tỉnh còn chủ động rà soát, có kế hoạch và trao đổi với cấp ủy địa phương về việc giới thiệu nhân sự có đủ tiêu chuẩn, điều kiện và uy tín tham gia cấp ủy địa phương. Đối với cấp ủy địa phương thực hiện giám sát hoạt động xét xử thông qua Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy và chịu sự giám sát của HĐND các cấp… Tất cả các hoạt động kiểm soát quyền lực trên giúp cho tòa án hai cấp trên địa bàn tỉnh hoạt động đúng chuẩn mực pháp luật đã quy định và đảm bảo quyền tư pháp được thực hiện hiệu quả, hiệu lực cao.
Kiểm soát quyền lực để PCTN, tiêu cực trong hoạt động tư pháp là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng. Hiện nay, có rất nhiều cơ chế kiểm soát, giám sát đối với cơ quan và công chức tòa án cả về mặt đảng và hành chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hoạt động của tòa án còn phát sinh một số hạn chế, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ. Theo chia sẻ của nhiều công chức tòa án, hiện số lượng công việc không ngừng tăng lên trong khi con người lại giảm (do tinh giản biên chế). Do vậy, mỗi công chức tòa án ngoài thực hiện nhiệm vụ chuyên môn phải gánh vác thêm nhiều công việc khác. Đồng thời, các cơ chế kiểm soát, giám sát của Đảng, Nhà nước và trong hệ thống tòa án, phần nào đó đã tạo áp lực đối với cán bộ, công chức nhưng chế độ, chính sách lại chưa tương xứng với trách nhiệm, chức năng, nhiệm vụ phải thực hiện… Những vấn đề trên đã tác động đến tư tưởng của một bộ phận cán bộ, công chức.
Theo đồng chí Thái Rết, hệ thống cần tăng cường cơ chế tự kiểm soát của tòa án. Để cơ chế kiểm soát bên trong đạt hiệu quả và hiệu lực cao thì cần thiết phải có sự phân cấp quản lý một cách chặt chẽ và hợp lý. Chế độ và chính sách tiền lương cũng phải được đảm bảo tương xứng với chức năng, nhiệm vụ của công chức tư pháp, được như vậy không chỉ giúp cho công chức an tâm công tác mà còn thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho TAND. Do đó, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo TAND tỉnh đã kiến nghị cấp trên xem xét về vấn đề này. Đồng thời, kiến nghị không thực hiện tinh giản biên chế trong tòa án, vì án có xu hướng ngày càng tăng và hoạt động xét xử là hoạt động mang tính trí tuệ, không thể ép buộc người giữ chức danh tư pháp phải lao động ở cường độ cao mà vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng giải quyết án trong thời gian hạn hẹp.
Mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bởi cơ chế; quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu thì trách nhiệm đến đó. Kiểm soát quyền lực sẽ giúp phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng từ quyền lực. Tin rằng hệ thống tòa án sẽ có cơ chế tự kiểm soát phù hợp để giúp cán bộ, đơn vị thực hiện công việc ngày càng hiệu quả hơn.