Kiểm soát quyền lực phải bằng hiến pháp, pháp luật
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã được thông qua, trong đó nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật. Báo Tiền Phong trò chuyện với GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội quanh vấn đề này.
“Lồng cơ chế” phải thiết kế ra sao?
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh, tham nhũng là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực và quyền lực phải được “nhốt” trong lồng cơ chế. Vậy theo ông, “lồng cơ chế” phải được thiết kế như thế nào để có thể kiểm soát tốt nhất quyền lực, để người ta không thể, không dám, và không cần tham nhũng?
Câu nói của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm tôi nhớ lại câu nói của vị Tổng thống thứ 2 nước Mỹ - một trong những người soạn ra Hiến pháp Hoa Kỳ. Ông ấy nói, đối với quyền lực Nhà nước, đừng có kêu gọi nhiều về lòng từ thiện, lòng tốt của họ, mà hãy dùng Hiến pháp và luật để buộc anh ta lại, đừng cho anh ta làm điều ác.
Nhốt quyền lực trong lồng cơ chế như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề cập, tức là muốn nói, hoạt động của quyền lực Nhà nước phải trong giới hạn cho phép của Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, quyền lực Nhà nước không phải vô hạn, mà nó được giới hạn trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chứ không phải muốn làm gì thì làm.
Muốn chống sự lạm quyền, lộng quyền, chống sự tha hóa quyền lực Nhà nước, phải sử dụng Hiến pháp và pháp luật. Chính Bác Hồ cũng nói điều này, và nhấn mạnh trong Hiến pháp năm 1946. Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo, nhấn mạnh về cơ chế kiểm soát quyền lực, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực cá nhân.
Do vậy, cần phải sớm hoàn thiện cái lồng cơ chế như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói. Qua đó, hoàn thiện quy định pháp lý đối với quyền lực Nhà nước, để buộc quyền lực Nhà nước hoạt động trong giới hạn của Hiến pháp và pháp luật. Bởi quyền lực Nhà nước là của Nhân dân chứ không phải tự thân Nhà nước có. Khi người nắm giữ quyền lực hoạt động đúng trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, lúc đó tham nhũng mới được giải quyết.
Bên cạnh cái lồng cơ chế ấy, có lẽ cần phải nhấn mạnh đến vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương mà Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành, thưa ông?
Nếu không xây dựng được một cơ chế kiểm soát tốt thì sự tha hóa quyền lực sẽ dễ dàng hơn trong điều kiện của chúng ta hiện nay. Do đặc thù của nước ta, để phòng, chống sự tha hóa quyền lực, điều đầu tiên, người đứng đầu các ngành, các cấp và ở địa phương phải là tấm gương tuân thủ pháp luật, tuân thủ Hiến pháp. Nếu họ tuân thủ thì cấp dưới đâu có điều kiện để lợi dụng.
Tuy nhiên, với người nắm chức vụ quyền hạn, nếu họ vì lợi ích cá nhân, cũng có thể dễ dàng tha hóa. Do vậy, nêu gương là cần thiết song phải đi liền với kiểm soát quyền lực. Làm thế nào quy định được quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu, buộc họ phải nhất nhất tuân theo quy định và trách nhiệm đó.
Đồng thời phải tạo ra một cơ chế để cấp dưới kiểm soát được cấp trên, rồi cấp trên đối với cấp dưới, xem họ tuân thủ pháp luật như thế nào, và người đứng đầu cấp trên phải có trách nhiệm với người đứng đầu cấp dưới.
Vai trò kiểm soát quyền lực Nhà nước từ Nhân dân cũng hết sức cần thiết. Muốn vậy, phải làm thế nào để trong hệ thống chính trị, Mặt trận tổ quốc Việt Nam phải trở thành lực lượng kiểm soát quyền lực có hiệu quả nhất từ bên ngoài. Còn nếu khối mặt trận vẫn mang tính hình thức, làm cho đẹp thêm cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, mà không thực chất thì rất khó.
Nhiều khi tôi nghĩ, mặt trận cũng giống như một đơn vị độc lập để xem xét, đánh giá, làm sao cho thực chất, và phải tạo điều kiện cho họ. Tôi là Chủ nhiệm Hội đồng Dân chủ và Pháp luật, thường xuyên giám sát, phản biện các dự án luật, nhưng thú thực, nhiều vấn đề chưa được tiếp thu, lắng nghe một cách đầy đủ.
Mất nhiều nhất là mất lòng tin
Công cuộc xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ với hàng trăm cán bộ cấp cao, cùng nhiều tướng tá công an, quân đội bị xử lý kỷ luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến lo ngại điều này sẽ làm cán bộ chùn bước, thiếu tinh thần dấn thân, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm?
Tôi hoàn toàn phản đối quan điểm này. Chỉnh đốn Đảng cũng là cách để xây dựng Đảng, củng cố niềm tin trong Nhân dân. Xây dựng đất nước phải đi liền với phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đảm bảo được sự ổn định và lòng tin của con người. Quyền lực Nhà nước phải được kiểm soát chứ không để lộng hành được.
Vả lại, nhiều trường hợp bị xử lý vừa qua, đều do hệ quả từ những năm trước để lại. Nếu đấu tranh chống tham nhũng tốt, vạch ra những sai sót trong quá trình này, thì đất nước còn phát triển tốt hơn nữa. Bởi vì cái mất nhiều nhất là mất lòng tin, mà mất lòng tin thì nguy hiểm lắm.
Phát triển kinh tế mà cứ bất chấp, để tham nhũng, tiêu cực tràn lan, dẫn đến người dân mất lòng tin, như vậy thì phát triển cái gì? Cùng lắm cũng chỉ được một thời gian ngắn nào đó thôi, nhưng hệ quả lâu dài sẽ dẫn đến hệ thống chính quyền tha hóa, biến chất. Như vậy còn đâu là Nhà nước của dân, do dân và vì dân nữa? Chúng ta vừa xây dựng, vừa phát triển nhưng phải vừa đi liền với đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Trong nhiệm kỳ qua, với sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, cuộc đấu tranh với “giặc nội xâm” ngày càng được đẩy lên. Chống tham nhũng đã không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Kiểm soát “lũng đoạn quyền lực”
Trong các loại hình tham nhũng, theo ông, tham nhũng nào được coi là nguy hại nhất?
Đó là tham nhũng ở tầng chính trị vĩ mô, tức tầng lớp quan chức cao cấp của Trung ương và địa phương. Người đứng đầu mà thao túng quyền lực, rồi tham nhũng, lợi ích nhóm, có thể nói là nguy hiểm nhất. Vì điều đó có thể dẫn đến bộ máy Nhà nước tha hóa, biến chất, rồi dần dần dẫn đến xã hội oán ghét.
Các nước đã xây dựng đạo luật phòng, chống lũng đoạn Nhà nước và có tội lũng đoạn quyền lực. Nếu Bộ Luật hình sự của chúng ta mà quy định tội lũng đoạn quyền lực Nhà nước, những người như Đinh Ngọc Hệ - “Út Trọc” sẽ dính tội này. Do mình chưa quy định, nên người ta mới lũng đoạn quyền lực. Mà càng lũng đoạn quyền lực ở tầng cao thì càng nguy hiểm. Nếu quy định tội lũng đoạn quyền lực, chắc chắn “lợi ích nhóm”, “sân sau” sẽ giảm rất nhiều.
Lĩnh vực đất đai cũng xảy ra nhiều vụ tham nhũng lớn. Đa phần những “đại gia” giàu có đều chủ yếu đi lên từ đất. Cứ “ôm” dự án, mua bán sang tay, thổi giá lên nhiều lần rồi giàu lên nhanh chóng. Nguyên nhân có thể do lúc bấy giờ pháp luật, nhận thức của chúng ta chưa đầy đủ, cũng không có tầm nhìn xa, không định hình được chỗ này, chỗ kia trong tương lai sẽ như thế nào. Chúng ta chỉ dựa vào tầm nhìn của người quản lý, lãnh đạo, rồi sinh ra lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực. Thực tế đã có nhiều vụ án ở nhiều tỉnh, thành trong thời gian qua đều dính dáng đến đất đai.
Một vấn đề được nhiều người đặt ra là làm sao để phòng, chống tham nhũng ở ngay trong chính cơ quan phòng, chống tham nhũng, thưa ông?
Cái này càng khó, rất khó. Tôi cũng trăn trở nhiều về vấn đề này, làm thế nào để chống được tham nhũng ở chính cơ quan phòng, chống tham nhũng? Muốn làm được điều này, có lẽ trước tiên, các cơ quan phòng, chống tham nhũng phải kiểm soát, chế ước lẫn nhau. Nếu cứ lợi dụng nguyên tắc phối hợp, coi trọng phối hợp để chống tham nhũng mà coi nhẹ chế ước lẫn nhau thì khó kiểm soát.
Trân trọng cảm ơn ông!