Kiểm soát rác thải nhựa

Rác thải nhựa đang và sẽ tiếp tục là nguồn trực tiếp cũng như gián tiếp gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường sống, làm giảm sút sức khỏe và chất lượng gien di truyền của con người.

Theo Hội đồng châu Âu, ước tính có hơn 46.000 vật phẩm rác thải nhựa đang trôi nổi trên mỗi dặm vuông biển của thế giới. Các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và các dụng cụ đánh bắt cá bằng nhựa chiếm 70% lượng rác thải ở các đại dương. Hiện nay, chỉ có 14% lượng rác thải nhựa trên toàn cầu được tái chế và cần hàng trăm năm để các chai nhựa phân hủy hoàn toàn.

Theo Quỹ Ellen MacArthur (Anh), đến năm 2050, khối lượng rác nhựa sẽ nhiều hơn trữ lượng cá ở các đại dương, nếu thế giới không chung tay hành động quyết liệt để tái chế rác nhựa. Mới đây, một liên minh gồm 40 công ty như Coca-Cola, Nestle Unilever, Procter & Gamble... đã ký cam kết giảm lượng nhựa mà họ sử dụng và vứt bỏ ở Anh.

Ở Việt Nam, các sản phẩm nhựa ngày càng đa dạng và đa dụng trong đời sống. Hằng năm, cả nước thải ra môi trường khoảng 2 triệu tấn rác thải nhựa, với trung bình hơn 2.500 tấn chai nhựa/ngày. Chỉ số sản xuất công nghiệp sản phẩm từ nhựa thường rơi vào nhóm có mức tăng trưởng cao nhất hằng năm, nhất là vào dịp cuối năm gắn với các hoạt động lễ, Tết. Mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người mỗi năm tại Việt Nam không ngừng tăng: Năm 2008 đạt 22 kg; năm 2010 là 30 kg, năm 2013 đạt hơn 35 kg và hiện ở mức 41 kg (tương đương 3,6 triệu tấn/năm) và sẽ tăng lên 45 kg vào năm 2020 (so với nhu cầu của khu vực châu Á là 48,5 kg/người/năm và trung bình toàn thế giới là 69,7 kg/người/năm). Theo Hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor, nhu cầu bao bì thực phẩm tại Việt Nam trong năm 2015 là 3,915 triệu tấn, vào năm 2020 sẽ là 5,396 triệu tấn, tăng 38%, trong khi nhu cầu của toàn thế giới trong giai đoạn 2015 - 2020 chỉ tăng 13%...

Theo Hãng nghiên cứu Mordor Intelligence Research, thị trường nhựa Việt Nam dự báo đạt tỷ lệ tăng trưởng lũy kế hằng năm (CAGR) vào khoảng 6,63% trong giai đoạn 2018 - 2023.

Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) ước tính, trong 10 năm qua, ngành nhựa có mức tăng trưởng 15 - 20%/năm. Theo Bộ Công thương, năm 2017, ngành nhựa nhập khẩu 4,9 triệu tấn hạt nhựa, tổng kim ngạch nhập khẩu hạt nhựa và sản phẩm nhựa là 12,68 tỷ USD, trong khi kim ngạch xuất khẩu chỉ 2,5 tỷ USD.

Thực tế cho thấy, cần tăng cường kiểm soát rác thải nhựa cả từ nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu, cũng như thay đổi thói quen và cơ cấu tiêu dùng. Theo đó, về sản xuất nhựa trong nước, cùng với tiếp tục phát triển ngành hóa dầu trong nước, cần chủ động giảm dần tỷ trọng các nhóm sản phẩm nhựa bao bì và nhựa gia dụng, tăng dần tỷ trọng nhóm nhựa vật liệu xây dựng và nhựa kỹ thuật có tính chất cơ lý đặc biệt, chuyên dùng trong thi công công trình và hoạt động công nghiệp; sớm tăng năng lực nghiên cứu và kỹ thuật tái chế rác thải nhựa thành các vật dụng sinh hoạt hữu ích (như tấm lót đường, vật liệu xây dựng...); tận dụng các nguyên liệu hữu cơ trong nước (như dùng rơm rạ sản xuất bao gói thay vì túi ni-lông, dùng ống hút từ nguyên liệu hữu cơ thay vì ống hút nhựa...).

Ðặc biệt, cần thúc đẩy sử dụng các giải pháp hành chính và tài chính, như hạn chế và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa dùng một lần (ống hút, dĩa, dao nĩa, cây khuấy cà-phê, tăm bông ngoáy tai, các ly nhựa đựng đồ uống, các hộp nhựa đựng thức ăn...); cấm việc phát miễn phí các túi nhựa lớn và dày trong bán lẻ hàng hóa; tăng thuế và phí môi trường đánh vào hoạt động sản xuất, tiêu thụ bao bì và dụng cụ sinh hoạt, sản xuất bằng nhựa; ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sản xuất bao bì các-tông sử dụng nguyên liệu tái chế và hỗ trợ tài chính lập các khu công nghiệp chuyên ngành tái chế nhựa phế liệu để quản lý chặt đầu ra phát thải rác nhựa.

Ðồng thời, đẩy mạnh chống buôn lậu, nhập khẩu và vận chuyển trái phép phế liệu nhựa; tiếp tục nghiên cứu nâng cao quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; siết chặt việc xem xét cấp mới, cấp lại giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và tái chế phế liệu nhựa; kiên quyết buộc tái xuất các lô hàng lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào Việt Nam, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Vì lợi ích quốc gia cả trước mắt và lâu dài, cần hành động ngay từ bây giờ...!

TS Nguyễn Minh Phong

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/40652902-kiem-soat-rac-thai-nhua.html