Kiểm soát rượu tự nấu ra sao?

Gần Tết, nhu cầu tiêu thụ rượu bia tăng cao, thị trường rượu 'ngoài kiểm soát' có cơ hội phát triển mạnh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, gây thất thu thuế.

Rượu “nút lá chuối” tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn

Ông Nguyễn Văn Báu (Hà Nội) cho biết, ông vốn làm thầu xây dựng nên Tết năm nào nhà ông cũng đón rất nhiều lượt khách, ngoài họ hàng làng xóm thì còn công nhân trong xí nghiệp, trong xưởng, cũng như đối tác đến chúc Tết. Và dĩ nhiên, khách đến nhà ngày Tết không thể không nâng chén rượu xuân chúc mừng.

“Từ nhiều năm nay, tôi không còn “sính” rượu ngoại nữa, phần vì đắt đỏ nhưng chủ yếu là chất lượng rất khó kiểm soát, dễ dính rượu giả nên tôi cứ rượu quê “nút là chuối” cho lành. Tôi có người họ hàng xa nấu rượu bán, cứ lễ Tết, tôi lại đặt cả trăm lít, chỗ quen biết, đã uống nhiều năm, khỏi cần tem mác làm gì, cứ xách mấy can nhựa về uống thôi, an toàn mà giá cả cũng hợp lý”, ông Báu khoe.

Rượu thủ công ngoài kiểm soát gây thất thu thuế. Ảnh minh họa

Rượu thủ công ngoài kiểm soát gây thất thu thuế. Ảnh minh họa

Với tâm lý thích tự nấu rượu và uống rượu tự nấu, rất nhiều người, đặc biệt là vùng ven đô, nông thôn hầu như chỉ uống rượu trắng “nút lá chuối”. Trước đây, rượu được đựng trong chai thủy tinh thì nay vì tiện lợi, người ta đựng rượu trong các chai nhựa vốn đựng nước khoáng hoặc nước ngọt đã được tái sử dụng. Ngay giữa các thành phố lớn, chỉ cần ra quán nước hoặc quán ăn sáng vỉa hè, khách có thể mua thoải mái loại rượu này, với giá khá rẻ, chỉ 40-50 nghìn đồng/lít, hoặc uống mỗi chén dăm ba nghìn đồng mà không bận tậm tới chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Thế nên, thi thoảng, các vụ ngộ độc rượu vẫn xảy ra.

Mới đây, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị cho 3 bệnh nhân ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Những loại rượu này bị người sản xuất pha cồn công nghiệp vào để kiếm lợi nhuận. Bệnh nhân đầu tiên được chuyển tuyến từ Vĩnh Phúc, vào bệnh viện trong tình trạng mê sảng và mắt không nhìn thấy gì. Bệnh nhân thứ hai trước khi vào viện đã đi khám tại chuyên khoa mắt và các bác sĩ nghi ngộ độc rượu nên đã chuyển viện. Bệnh nhân thứ ba cũng bị biến chứng mù mắt do ngộ độc rượu…

Theo số liệu khảo sát của Tiểu ban Rượu vang và rượu mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), xu hướng tiêu thụ đồ uống có cồn ngày càng tăng cao, 8,3% lít cồn/đầu người ở Việt Nam, và tập trung vào người trẻ. Trong khi đó, 57% lượng đồ uống có cồn trên thị trường Việt Nam là bất hợp pháp, bao gồm cả những sản phẩm rượu nấu tại nhà như rượu quê không xác định chất lượng, rượu nhập lậu. Và dĩ nhiên, đi cùng với con số này là chúng ta đang thất thu tới 57% ngân sách nhà nước trong nhóm hàng hóa này. Một số liệu khác của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương còn cho thấy, trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước. Tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả…).

Siết quản lý bằng tem điện tử

Từ 1/7/2022, quản lý rượu bằng tem điện tử đã bắt đầu được cơ quan Thuế thực hiện. Sau gần 2 năm triển khai, Tổng cục Thuế cho biết còn một số hạn chế trong việc quản lý tem, khi có nhiều sản phẩm, nhất là rượu thủ công bày bán công khai, tiêu thụ trên thị trường trong tỉnh, thành phố, liên tỉnh nhưng không đăng ký, dán tem.

Những bất cập này đến từ việc nhiều hộ nấu rượu thủ công hoặc bán lẻ rượu chủ yếu sử dụng gạo để nấu rượu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể và chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, rất khó yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ các thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Ngoài ra, một số hộ sản xuất rượu thủ công có mục đích kinh doanh muốn được cấp giấy phép nhưng lại không đáp ứng được các điều kiện theo quy định như an toàn thực phẩm, công bố hợp quy sản phẩm... Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý, thực thi pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công.

Nguyên nhân chủ yếu là công tác phối hợp giữa các cấp, ngành tại địa phương với cơ quan thuế trong việc rà soát thực tế hoạt động sản xuất, quản lý cấp phép để xác định tổ chức, cá nhân thuộc diện quản lý sử dụng tem chưa được chặt chẽ; chưa có quy chế phối hợp để tham mưu UBND tỉnh, thành phố giải pháp đồng bộ quản lý, sử dụng tem điện tử; công tác tuyên truyền chưa thực sự định hướng...

Trước thực tế trên, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi các Cục Thuế địa phương về tăng cường các giải pháp quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu sản xuất trong nước, đặc biệt là trong dịp Tết sắp tới. Tổng cục Thuế đề nghị Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, thành phố báo cáo, tham mưu, đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND cấp huyện, các cấp, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, Liên minh hợp tác xã... phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế tiếp tục quán triệt, chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác quản lý tem điện tử thuốc lá, rượu trên địa bàn.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn; đẩy mạnh công tác truyền thông; đồng thời quán triệt các cấp ngành, đoàn thể, đơn vị, tổ chức, cơ quan Nhà nước chỉ đạo không sử dụng các sản phẩm không dán tem, không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Cục Thuế tham mưu UBND tỉnh, thành phố ban hành quy chế phối hợp, xác định rõ trách nhiệm cấp, ngành, mục tiêu là rà soát, đánh giá toàn bộ tổ chức cá nhân sản xuất rượu, thuốc lá thực tế đang hoạt động trên địa bàn, tổ chức cá nhân đủ điều kiện sản xuất, sản xuất tiêu thụ ổn định phải đăng ký và xem xét cấp phép hoặc xử lý theo quy định, các tổ chức cá nhân phải thực hiện đăng ký nộp thuế, đăng ký, sử dụng tem điện tử theo quy định…

Hà An

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/kiem-soat-ruou-tu-nau-ra-sao--i722271/