Kiểm soát súng đạn có thể ảnh hướng tới chính trị Mỹ
Vụ việc một thanh niên mới 20 tuổi dễ dàng qua mặt lực lượng mật vụ chuyên nghiệp để ám sát hụt ứng cử viên Tổng thống Donald Trump cho thấy những lỗ hổng lớn về an ninh cũng như đặt ra nhiều câu hỏi về vấn đề kiểm soát súng đạn tại Mỹ.
Những thay đổi lớn về an ninh
An ninh xung quanh các cuộc vận động tranh cử và sự kiện trong tương lai của ông Trump đang được xem xét lại hoàn toàn, cho dù sự kiện đó được tổ chức trong nhà hay ngoài trời. Sự thay đổi này không chỉ bao gồm việc tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh mà còn thay đổi cả cách thức làm việc của các cơ quan thực thi pháp luật.
Lần lượt, những người đứng đầu cơ quan mật vụ, giám đốc Cục điều tra Liên bang FBI phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ việc này. Chính Giám đốc Cơ quan Mật vụ Kimberly Cheatle thú nhận trước Quốc hội rằng họ đã thất bại. Theo bà, đây là thất bại nghiêm trọng nhất của Cơ quan Mật vụ Mỹ trong nhiều thập niên.
“Sứ mệnh trọng đại của Cơ quan Mật vụ là bảo vệ các nhà lãnh đạo đất nước. Vào ngày 13/7, chúng tôi đã thất bại. Với tư cách là Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ, tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về bất kỳ sai sót an ninh nào của cơ quan chúng tôi. Chúng tôi đang hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra đang diễn ra. Chúng tôi phải tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra và tôi sẽ lật tung mọi thứ để đảm bảo rằng sự việc như ngày 13 tháng 7 sẽ không xảy ra nữa", bà Kimberly Cheatle thừa nhận.
Bà Kimberly Cheatle đã từ chức để trả giá cho thất bại này. Trước đó, tại phiên điều trần trước Quốc hội, bà Cheatle bác bỏ những lời kêu gọi từ chức, cho rằng bà chính người có năng lực tốt nhất để lãnh đạo Cơ quan Mật vụ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ tổng thống, phó tổng thống, các thành viên gia đình của họ và các ứng cử viên tổng thống hàng đầu. Bà Giám đốc đã khiến các thành viên của Ủy ban Giám sát và Trách nhiệm Hạ viện nổi giận khi từ chối trả lời nhiều câu hỏi về hành động của Mật vụ xung quanh việc ông Trump bị ám sát hụt. Sau đó, trong một bức thư viết cho nhân viên cơ quan Mật vụ, bà thông báo với nhân viên quyết định từ chức.
Khác với cuộc vận động tranh cử ở Pensynvania, lần này cuộc vận động tranh cử của ông Donald Trump diễn ra trong nhà. Van Andel Arena là nơi ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa và người đồng hành mới của ông, Thượng nghị sĩ bang Ohio JD Vance vận động tranh cử lần đầu tiên sau vụ ám sát hụt. Họ được chào đón bởi khoảng 14.000 người ủng hộ nồng nhiệt - bao gồm nhiều người đến từ các bang khác và cắm trại bên ngoài qua đêm để có được những vị trí đắc địa bên trong sự kiện. Ông Trump, 78 tuổi, với một miếng băng nhỏ che vết thương ở tai sau vụ xả súng, bước lên sân khấu trong tiếng reo hò cổ động.
Bà Barbie Weisserman, một người tham dự sự kiện cho biết: Từ vụ mưu sát đến nay, ông ấy tràn đầy năng lượng hơn, mọi người cũng tràn đầy năng lượng hơn. Ông ấy đã trở thành một Trump khác hẳn”.
Có thể thấy, sau vụ ám sát hụt, những sự kiện tranh cử của ông Trump nóng lên rất nhiều. Sự cuồng nhiệt của cử tri được đẩy lên cao hơn. Do đó mà việc bảo đảm an ninh cũng khó hơn. Sự hiện diện của lực lượng an ninh chính bởi vậy mà dày hơn. Một số con đường dẫn đến địa điểm tổ chức đã bị đóng cửa và có thể thấy hàng chục cảnh sát đóng quân quanh khu vực. Nhiều người quen với việc lên kế hoạch cho cuộc mit-tinh cuối tuần qua ở Grand Rapids, Michigan, cho biết, cả Cơ quan Mật vụ và cơ quan thực thi pháp luật địa phương gần đây đã tăng số lượng sĩ quan làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho sự kiện. Trong cuộc họp hội đồng ủy viên hôm thứ Năm, Cảnh sát trưởng Quận Kent, Michigan cho biết, Văn phòng cảnh sát trưởng đã nhận được “yêu cầu vào phút cuối” từ cơ quan Mật vụ, đề nghị cử 50 đến 60 sĩ quan để giúp đảm bảo an ninh cho cuộc vận động tranh cử.
Nguồn thạo tin cho biết việc tăng cường an ninh phản ánh một số đánh giá mới của cơ quan thực thi pháp luật kể từ vụ nổ súng nhắm vào ông Trump. Người ta tính đến cả khả năng, có những kẻ bắt chước hành động của nghi can mưu sát ông Trump ở Pensylvania.
Ông Jason Russell, cựu sĩ quan mật vụ, cố vấn an ninh Mỹ bày tỏ: “Tôi đoán rằng dựa trên những gì đã xảy ra vào hôm thứ Bảy, ngày 13/7, họ có thể sẽ xem xét tổ chức sự kiện tại các địa điểm trong nhà nhiều hơn, ít nhất là trong vài tuần tới cho đến khi tình hình lắng xuống một chút. Sau đó, có thể người ta sẽ quay lại tổ chức các sự kiện ngoài trời, nhưng ngay cả khi tổ chức ngoài trời, thì sự hiện diện an ninh sẽ tăng khá đáng kể từ bây giờ cho đến khi cuộc bầu cử diễn ra".
Một nguồn tin quen thuộc với kế hoạch an ninh cho biết, để khắc phục những yếu kém an ninh đã bộc lộ trong vụ mưu sát, các cơ quan thực thi pháp luật địa phương và liên bang sẽ diễn tập nhiều hơn về cách xử lý và phối hợp với nhau trong các sự kiện lớn. Các cuộc diễn tập đã bị cắt giảm kể từ đại dịch Covid-19, dẫn đến những lỗ hổng về an ninh, bao gồm cả sự gián đoạn liên lạc giữa các bên thực thi pháp luật.
Nguồn tin nói thêm rằng các báo cáo sau sự kiện đã thay đổi cách xử lý an ninh tại các sự kiện tương tự trong tương lai, bao gồm cách bảo vệ lối ra và lối vào, mở rộng vùng đệm và các biện pháp an toàn công cộng khác.
Kẻ phạm tội kiểu “sói đơn độc”
Có thể thấy, vụ ám sát hụt cựu Tổng thống Trump đã thay đổi rất nhiều điều ở Mỹ. Điều đầu tiên là ngành an ninh.
Người đã gây chấn động nước Mỹ chỉ là một thanh niên rất trẻ, mới 20 tuổi. Sau khi tiến hành hơn 200 cuộc phỏng vấn và tìm hiểu lịch sử tìm kiếm trên điện thoại và internet của Thomas Matthew Crooks, kẻ đã nổ súng với ý định ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, các nhà điều tra liên bang đã ghép lại được bức chân dung ban đầu của Crooks, đó là một kẻ cô độc thông minh, khiêm tốn, quan tâm đến súng đạn và kín tiếng về chính trị. Người này không có gì khác thường so với hàng triệu thanh niên Mỹ khác. Không xác định được động cơ của nghi can khiến cơ quan an ninh đau đầu và gây khó khăn cho việc phòng ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai.
Nghi can Thomas Matthew Crooks sống trong một ngôi nhà bình thường như rất nhiều ngôi nhà khác ở Mỹ. Crooks tốt nghiệp trường trung học Bethel Park vào năm 2022, đã nhận được "giải thưởng ngôi sao" trị giá 500 USD từ Sáng kiến Khoa học và Toán học Quốc gia. Theo FBI, kẻ xả súng hành động một mình và họ vẫn chưa xác định được hệ tư tưởng của nghi phạm hoặc bất kỳ dấu hiệu nào về các vấn đề sức khỏe tâm thần hoặc phát biểu đáng ngờ nào trên tài khoản mạng xã hội của nghi phạm.
Cô Vanessa Ovesney, 17 tuổi, cư dân Bethel Park chia sẻ: “Thật không may vì chúng tôi không biết chính xác chuyện gì đang xảy ra với anh ta. Tôi có nghe nói anh ta bị bắt nạt, khó có thể tin rằng việc bị bắt nạt đã gây ra chuyện lớn như thế này”.
Crooks có vẻ giống với hàng chục thanh niên khác đã thực hiện các vụ nổ súng trên khắp nước Mỹ bằng súng trường tấn công công suất lớn trong những năm gần đây. Theo các cuộc phỏng vấn của CNN với cơ quan thực thi pháp luật, Crooks có ít bạn thân, thường đi bắn súng ở một trường bắn địa phương và không thể hiện quan điểm mạnh mẽ cho thấy vụ mưu sát có động cơ chính trị.
Ngoài cựu Tổng thống Donald Trump, Crooks cũng tìm kiếm trực tuyến về Tổng thống Joe Biden và trong điện thoại của hắn có những bức ảnh của cả những nhân vật nổi tiếng khác của hai chính đảng ở Mỹ. Crooks đã tìm kiếm địa điểm diễn ra cuộc vận động tranh cử của ông Trump cũng như Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ sắp tới và phát hiện ra rằng, ông Trump sẽ xuất hiện chỉ cách nhà mình một giờ lái xe ở vùng ngoại ô Pittsburgh.
Điều đó cho thấy, Crooks có thể đang tìm cách thực hiện một vụ nổ súng có thể khiến hắn ta trở nên nổi tiếng và cả địa điểm lẫn thời gian diễn ra cuộc vận động tranh cử của ông Trump đã mang đến cơ hội thuận lợi nhất cho Crooks.
Các thành viên trong gia đình Crooks nói với các nhà điều tra rằng anh ta chưa từng công khai nhắc đến chính trị và bằng chứng thu thập được tại nhà riêng của hung thủ không làm sáng tỏ thêm các giá trị hoặc hệ tư tưởng chính trị của hắn. Tuy nhiên, chuyên gia cảnh báo, những kẻ phạm tội đơn độc là “một trong những vấn đề nhức nhối nhất hiện nay” đối với cơ quan thực thi pháp luật và cho rằng không nên vội vàng tìm câu trả lời đơn giản về động cơ của Crooks.
Quan điểm của Đảng Cộng hòa về sở hữu súng
Đặt vấn đề về kiểm soát súng đạn vào thời điểm này là hoàn toàn thích hợp. Lịch sử Mỹ cho thấy đã có những đạo luật quan trọng về kiểm soát súng đạn được ra đời sau các vụ tấn công chính trị gia gây trấn động dư luận. Ví dụ, năm 1968, Đạo luật Kiểm soát Súng được ban hành sau vụ ám sát John Kenedy, Martin Luther King. Năm 1993, Dự luật Brady về kiểm tra lý lịch người mua súng ra đời, sau khi Jim Brady, thư ký báo chí của Ronald Reagân, đảng Cộng hòa bị bắn. Nhưng liệu vụ việc ông Trump suýt mất mạng vì súng có giúp Mỹ siết chặt kiểm soát súng đạn hay không?
Theo dữ liệu do Viện Tư pháp Quốc gia, cơ quan nghiên cứu của Bộ Tư pháp, từ năm 1966 đến năm 2019, ngoài những kẻ xả súng ở trường học chủ yếu lấy trộm vũ khí từ các thành viên trong gia đình, hầu hết những kẻ thực hiện vụ xả súng hàng loạt đều mua vũ khí hợp pháp. Theo các nhà điều tra, kẻ mưu sát ông Trump lấy súng của bố để hành động.
Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền mang vũ khí. Đó là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân Mỹ. Việc các chính trị gia bị tấn công không phải lúc nào cũng dẫn đến những thay đổi trong luật súng đạn. Mặc dù có rất nhiều sự ủng hộ dành cho Hạ nghị sỹ Gabby Giffords, bị bắn vào năm 2011, và hạ nghị sỹ Steve Scalise, bị bắn trong một trận đấu bóng chày năm 2017, nhưng Quốc hội không có hành động gì sau đó.
Vụ mưu sát ông Trump là một khoảnh khắc đáng nhớ trong lịch sử nước Mỹ và trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. Những hình ảnh về cựu tổng thống - đưa tay lên che tai đầy máu, được đặc vụ vây quanh và sau đó giơ nắm đấm chiến thắng - đã gây chấn động cả nước và khiến những người ủng hộ vốn đã nhiệt tình của ông ở đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa càng thêm cuồng nhiệt, nhưng họ không thay đổi quan điểm về súng.
Giáo sư, Tiến sĩ Nadia Brown, Chủ tịch Chương trình Nghiên cứu Giới và Phụ nữ tại Đại học Georgetown cho rằng: "Đảng Cộng hòa khá kiên quyết trong việc không thông qua luật kiểm soát súng mà thay vào đó họ củng cố lập luận rằng không phải súng giết người mà thực sự là con người giết con người”.
Nhiều đại biểu Đảng Cộng hòa tại đại hội toàn quốc kiên quyết chống lại bất kỳ cải cách nào đối với luật súng đạn của Mỹ, bao gồm việc nâng độ tuổi hợp pháp được mua súng, tăng cường kiểm tra lý lịch hoặc hạn chế sử dụng súng trường tấn công tương tự như loại súng mà tay súng đã sử dụng trong vụ tấn công ông Trump.
Thay vào đó, các đại biểu đảng Cộng hòa cho rằng bất kỳ thay đổi nào cũng nên tập trung vào việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần tốt hơn cho những công dân gặp khó khăn. Họ đổ lỗi cho các vụ xả súng hàng loạt và bạo lực súng đạn khác - bao gồm cả vụ mưu sát ông Trump - phần lớn là do bệnh tâm thần và vũ khí rơi vào tay kẻ xấu.
Đảng Cộng hòa nhìn chung đã ngăn chặn các nỗ lực thúc đẩy cải cách luật kiểm soát súng, ngay cả sau vụ thảm sát 20 học sinh tiểu học ở Connecticut vào năm 2012 bằng vũ khí loại tấn công AR-15 và hai khẩu súng ngắn. Sau vụ thảm sát đó, đảng Cộng hòa tại Thượng viện vẫn bác bỏ đề xuất về việc kiểm tra lý lịch đối với tất cả người mua súng và cấm vũ khí tấn công.
Tại Trường bắn Alpine ở Fort Worth, Texas, người ta công khai ủng hộ ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.
Ông Larry Collins, một người sở hữu súng bày tỏ: “Tôi biết Đảng Dân chủ đang làm mọi thứ có thể để tước bỏ súng khỏi tay mọi người và ông Trump đã nhiều lần chứng minh rằng ông ấy ủng hộ súng”.
Tại Diễn đàn Lãnh đạo thường niên của Hiệp hội Súng trường Quốc gia ở Dallas vào tháng 5, ông Trump đã kêu gọi những người ủng hộ quyền sở hữu súng đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử vào tháng 11 và cam kết sẽ xóa bỏ các quy định về kiểm soát súng do Tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đưa ra. Ông Trump đã chấp nhận sự ủng hộ của Hiệp hội súng trường Mỹ. Nhóm vận động tranh cử của ông Donald Trump nói rằng ông sẽ bảo vệ quyền sử dụng súng bằng cách bổ nhiệm các thẩm phán liên bang phản đối các biện pháp hạn chế súng nếu ông đắc cử vào tháng 11, cho dù ông đã rơi vào tình huống nguy hiểm trong vụ ám sát vừa qua.
Các quy định về súng là một vấn đề gây chia rẽ ở Mỹ, nhưng đa số người Mỹ ủng hộ việc hạn chế súng đạn. Cuộc khảo sát của Reuters/Ipsos vào tháng 3 cho thấy, 53% số người được hỏi cho rằng chính phủ nên quản lý quyền sở hữu súng, trong khi 38% số người được hỏi không đồng ý. Trong số những người thuộc đảng Cộng hòa, chỉ có 35% cho rằng chính phủ nên vào cuộc.
Tranh cãi xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn đã kéo dài hàng thập kỷ qua và là một trong những nguyên nhân đang chia rẽ nước Mỹ. Các cuộc tranh cãi này không chỉ gói gọn trong một tầng lớp, một thế hệ , giữa các đảng phái chính trị vốn đa dạng, phức tạp của Mỹ.
Sở hữu súng đạn đã trở thành một đặc điểm nổi bật trong xã hội Mỹ từ rất lâu. Do đó, tâm lý của người dân Mỹ đối với quyền sở hữu súng đạn nói chung và việc kiểm soát súng đạn nói riêng rất phức tạp.
Duy trì quyền sở hữu súng, thực hiện một số biện pháp để hạn chế các vụ thảm sát liên quan đến súng đạn có lẽ là điều mà đa số người dân Mỹ mong muốn hiện nay.