Kiểm soát tác hại thuốc lá, đồ uống có đường bằng công cụ thuế

Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Trao đổi về dự thảo này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế.

Đề xuất dự thảo đưa ra quyết định điều chỉnh tăng thuế có lộ trình. Ảnh tư liệu

Đề xuất dự thảo đưa ra quyết định điều chỉnh tăng thuế có lộ trình. Ảnh tư liệu

PV: Bà đánh giá thế nào về sự quan tâm của Nhà nước trong việc kiểm soát bệnh không lây nhiễm (BKLN), trong đó có việc đưa ra chính sách hạn chế tác hại của các sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, đặc biệt là chính sách thuế?

Bà Nguyễn Khánh Phương: Có nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng nhanh các BKLN, trong đó có hút thuốc lá và dinh dưỡng không hợp lý như dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối…

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu, nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Sử dụng thuốc lá gây 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới. Bên cạnh các tác hại về sức khỏe, thuốc lá còn gây ra tổn thất về kinh tế đối với cá nhân, gia đình, xã hội và môi trường. Cùng với thuốc lá, sử dụng đồ uống có đường cũng là một trong những nguyên nhân gây ra gánh nặng về các bệnh không lây nhiễm như thừa cân, béo phì, đái tháo đường tuýp 2, tăng huyết áp, tim mạch, các bệnh do rối loạn chuyển hóa…

Để tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ, từng bước ngăn chặn sự gia tăng của các BKLN ở nước ta, Nghị quyết 20-NQ/TƯ (ngày 15/10/2017) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã chỉ rõ cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tiêu thụ rượu bia, thuốc lá và đảm bảo tiêu dùng dinh dưỡng phù hợp cho người dân… Mới đây, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Quốc hội sẽ cho ý kiến về Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025). Đây là minh chứng cho thấy sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong vấn đề phòng ngừa, kiểm soát BKLN, cụ thể thông qua chính sách thuế để giảm thiểu, kiểm soát sản phẩm có hại cho sức khỏe người dân.

PV: Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) được Bộ Tài chính xây dựng lấy ý kiến đã thu hút được sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các chuyên gia kinh tế, bảo vệ sức khỏe trong và ngoài nước. Với vai trò là nhà nghiên cứu tham vấn chính sách, bà đánh giá như thế nào về dự thảo này?

Bà Nguyễn Khánh Phương: Viện Chiến lược và Chính sách y tế có chức năng cung cấp các bằng chứng phục vụ cho việc xây dựng chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) của Bộ Tài chính, sẽ trình Quốc hội thời gian tới. Chúng tôi đã tổ chức các hội thảo để cung cấp thông tin, bằng chứng cho đại biểu Quốc hội là cơ sở đưa ra quyết sách quan trọng.

Để kịp thời cung cấp bằng chứng về tác hại của thuốc lá, đồ uống có đường và các giải pháp giảm thiểu tác hại; tăng cường sự đồng thuận đối với việc áp dụng thuế TTĐB với hai mặt hàng này tại Việt Nam, từ tháng 5/2024 đến nay, Viện Chiến lược và Chính sách Y tế đã tổ chức một chuỗi hội thảo tại Hạ Long, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Điện Biên.

Các sự kiện này thu hút sự tham dự của đại diện 25 đoàn đại biểu Quốc hội đến từ các tỉnh, thành phố. Thông qua các cuộc hội thảo, chúng tôi đã cung câp được những bằng chứng trong nước và quốc tế về tác hại của đồ uống có đường, thuốc lá đối với sức khỏe người dân. Đưa ra cảnh báo thực trạng bệnh tật liên quan đến thuốc lá, đồ uống có đường có xu hướng gia tăng tại Việt Nam.

Thực tế này đặt ra sự cấp thiết, đòi hỏi giải pháp đồng bộ để kiểm soát ngăn chặn, trong đó giải pháp hữu hiệu được các quốc gia áp dụng là công cụ thuế TTĐB. Theo thống kê, hiện có gần 120 quốc gia, vùng lãnh thổ đã áp dụng thuế TT ĐB đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe. Từ kinh nghiệm quốc tế, chúng tôi thấy rằng, việc cung cấp bằng chứng có cơ sở từ thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế sẽ đáp ứng yêu cầu của các vị đại biểu Quốc hội, phục vụ việc đưa ra ý kiến trước khi Luật được ban hành.

PV: Trong dự thảo Luật Thuế TTĐB có nội dung đưa đồ uống có đường vào diện chịu thuế. Quan điểm của bà đối với đề xuất này như thế nào?

Bà Nguyễn Khánh Phương: Tôi đánh giá cao dự thảo, cũng như những nội dung đề xuất sửa đổi luật lần này. Trong đó, đáng quan tâm là dự thảo đưa ra quyết định điều chỉnh tăng thuế đối với thuốc lá có lộ trình, đưa ra phương pháp tính thuế kết hợp thuế tương đối và tuyệt đối theo khuyến cáo của các tổ chức bảo vệ sức khỏe và kinh nghiệm quốc tế. Đặc biệt, tôi ủng hộ việc lần đầu tiên đưa đồ uống có hàm lượng đường trên 5gr/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, để kiểm soát tác hại, hạn chế tiêu dùng sản phẩm này.

PV: Xin cảm ơn bà!

Đồng thuận tăng thuế thuốc lá

Theo bà Nguyễn Khánh Phương, phần đông các ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng thuận với việc cần thiết phải có ngay giải pháp hữu hiệu có tính ứng dụng cao để kịp thời kiểm soát, ngăn ngừa tác hại của sản phẩm có hại cho sức khỏe. Trong đó, đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, mức thuế hiện nay chưa đủ mạnh, cần có những điều chỉnh. Đề xuất áp thuế với đồ uống có đường đối với sản phẩm có hàm lượng trên 5gr/100ml cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu Quốc hội.

Hải Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kiem-soat-tac-hai-thuoc-la-do-uong-co-duong-bang-cong-cu-thue-156194.html