Kiểm soát thị trường, bình ổn giá gạo
Thu Thảo
BPO - Thị trường xuất khẩu gạo đang đứng trước cơ hội gia tăng về khối lượng, giá trị xuất khẩu sau khi một số quốc gia dừng xuất khẩu gạo. Song cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhằm bảo đảm an ninh lương thực và bình ổn giá tại thị trường nội địa.
Giá tăng kỷ lục
Thời gian qua, Ấn Độ cùng một số quốc gia khác cấm xuất khẩu gạo khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao với mức giá chưa từng có sau hàng chục năm. Đây là tin vui cho nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu nhưng cũng là nỗi lo của tiểu thương, người tiêu dùng trong nước cũng như các nhà sản xuất, chế biến những mặt hàng từ gạo. Hiện giá gạo đã bắt đầu có xu hướng giảm, tuy nhiên rất chậm.
Buôn bán gạo đã hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ bà Bùi Thị Mộng Lan, chủ đại lý gạo Út Lan ở chợ Lộc Ninh, huyện Lộc Ninh thấy giá gạo tăng cao như hiện nay. Giá gạo ăn đang ở mức cao nhất khoảng 23.000 đồng/kg và thấp nhất khoảng 14.000 đồng/kg, tùy loại. Bà Lan cho biết, vài ngày qua, giá gạo đã bắt đầu giảm nhưng giảm không nhiều, chỉ vài trăm đồng đến 1.000 đồng/kg. Giá gạo quá cao khiến bà không dám nhập nhiều hàng, thậm chí cũng không thu được bao nhiêu lợi nhuận. “Mình nhập hàng giá cao nên bán không dám lấy lời nhiều. Mình lấy lời thêm nữa là người dân không ai dám mua” - bà Lan cho hay.
Cũng theo bà Lan, sức mua của người dân đã giảm khá nhiều: “Trước đây, lượng người mua đạt 10 thì giờ chắc chỉ còn 5. Ăn uống người ta cũng tằn tiện lại vì kinh tế bây giờ khó khăn”.
Giá gạo tăng cao cũng khiến những người buôn bán, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thực phẩm gặp khó khăn và phải cân nhắc, tính toán kỹ hơn trong buôn bán. Hơn nữa, không chỉ gạo tăng giá mà các nguyên liệu đầu vào khác như xăng dầu, điện đều tăng nên giá bán lẻ phải điều chỉnh để bù đắp chi phí. Mở quán cơm phục vụ công nhân, bà Triệu Ngọc Nga ở xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản cho biết: Gạo thì không thể nào bớt được vì khẩu phần ăn của mỗi người nhiêu đó rồi. Vì vậy, tôi phải tính toán giảm đi chút đồ ăn mặn để cân đối lại. Chưa bao giờ tôi thấy giá gạo tăng cao như hiện nay.
Kiểm soát thị trường gạo
Theo Cục Thống kê tỉnh, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9-2023 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 4,59% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số giá nhóm gạo tăng 1,81%. Bình quân 9 tháng năm 2023, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,55% so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, việc tăng cường kiểm soát thị trường gạo đang được ngành chức năng tích cực triển khai.
Bà Lan cho biết thêm, thị trường hiện có rất nhiều loại gạo, về cơ bản khó phân biệt từng loại. Với tình hình giá biến động tăng cao như hiện nay, việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát là rất cần thiết. “Đại lý gạo của tôi luôn chấp hành những quy định trong kinh doanh, nhập các loại gạo có chất lượng và nguồn gốc, giấy tờ rõ ràng. Tuy nhiên, gạo nhập vào “nhảy” giá liên tục nên tôi phải cân nhắc khi nhập hàng. Chỉ mong Nhà nước, ngành chức năng sớm có biện pháp bình ổn giá gạo” - bà Lan mong muốn.
Theo bà Lan, thị trường gạo hiện nay rất dồi dào, không có chuyện bị đứt nguồn hàng. Thế nhưng, trung bình 2-3 ngày, nhà phân phối sẽ điều chỉnh giá tăng, giảm tùy theo thị trường. “Thời gian đầu, thị trường bán lẻ có tình trạng chênh lệch giá bán giữa các cơ sở kinh doanh. Điều này là do cơ sở nào trữ được nhiều hàng thì sẽ bán theo giá cũ nên giá sẽ mềm hơn. Nhưng bây giờ, giá bán như nhau rồi” - bà Lan cho hay.
Ngày 5-8-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa gạo trên địa bàn, xử lý nghiêm trường hợp đầu cơ trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường trong nước, ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/149531/kiem-soat-thi-truong-binh-on-gia-gao