Kiểm soát thị trường hàng hóa thiết yếu sau bão, lũ

Trước tình hình cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây nhiều thiệt hại, có thể ảnh hưởng đến tình hình thị trường, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tăng cường kiểm tra, giám sát giá cả hàng hóa, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo ổn định giá các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa tại thành phố Ninh Bình.

Đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra việc kinh doanh hàng hóa tại thành phố Ninh Bình.

Những ngày qua, để đảm bảo ổn định thị trường, Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Bình đã tiến hành kiểm tra, rà soát tại một số chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại… trên địa bàn tỉnh, qua kiểm tra cho thấy thời điểm này, hoạt động cung ứng hàng hóa được bảo đảm, diễn ra bình thường.

Bà Trần Thị Hà, chủ cửa hàng tạp hóa tại phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình cho biết: "Trước cơn bão số 3 và tình hình mưa lớn, một số người dân đã có tâm lý dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm. Vì thế, cửa hàng đã chủ động nhập thêm hàng từ nhà phân phối để phục vụ nhân dân. Về giá cả, chúng tôi thực hiện đúng như đã cam kết với các ngành chức năng của tỉnh, địa phương trước mùa mưa bão năm nay, đó là luôn đảm bảo bình ổn giá cả các mặt hàng…".

Tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Ninh Bình, hoạt động kinh doanh các mặt hàng thực phẩm như rau xanh, thịt, cá… diễn ra khá tấp nập. Bà Nguyễn Thị Mừng, một tiểu thương bán thực phẩm tại chợ Mía chia sẻ: "Các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống vẫn khá dồi dào, giá cả các mặt hàng thiết yếu hầu như tăng lên".

Để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân sau mưa lũ, Sở Công Thương đã yêu cầu các siêu thị, trung tâm thương mại, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ, Ban quản lý các chợ dân sinh, chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh bảo đảm cung ứng hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu.

Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh được giao dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có trách nhiệm tổ chức dự trữ hàng hóa đảm bảo chất lượng; chủ động khai thác, dự trữ lượng hàng hóa tăng thêm, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu như: Gạo, muối, nước uống, thực phẩm công nghệ chế biến...

Đồng thời, chủ động phối hợp với UBND các huyện, thành phố nắm chắc tình hình thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch, đặc biệt là tại các địa bàn bị cô lập, chia cắt do nước lũ để triển khai phương án, cập nhật lượng dự trữ hàng hóa đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hóa tại chợ Mía, thành phố Ninh Bình.

Đội Quản lý thị trường số 3 kiểm tra hàng hóa tại chợ Mía, thành phố Ninh Bình.

Ông Ngô Minh Kim, Phó Giám đốc Sở Công Thương thông tin: "Trong dịp này, ngành luôn chủ động theo dõi sát sao diễn biến cung-cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để điều tiết kịp thời. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương trong tỉnh điều hành giá, kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, ngăn chặn hành vi găm hàng, đầu cơ, thao túng giá".

Thời điểm này, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh cũng đã đồng loạt ra quân, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường quản lý địa bàn nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hóa lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp; kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm đảm bảo ổn định giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, xăng dầu, hàng hóa thiết yếu…

Các Đội Quản lý thị trường đã thành lập các Tổ công tác thực hiện giám sát chặt chẽ địa bàn tại các chợ dân sinh, siêu thị, trung tâm thương mại. Qua kiểm tra, Cục Quản lý thị trường tỉnh đánh giá: Tình hình thị trường trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, việc cung ứng hàng hóa vẫn được bảo đảm, giá hàng hóa tại các hệ thống siêu thị được giữ ổn định.

Tại các chợ truyền thống, giá một số loại rau củ được nhập từ ngoài tỉnh có tăng nhưng không đáng kể và được bổ sung thường xuyên nên không có hiện tượng tăng giá đột biến, một số loại rau củ được sản xuất tại địa phương như rau muống, rau ngót, rau mùng tơi, rau thơm… giá không tăng; các mặt hàng khác như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá và các loại đồ khô (gạo, đậu, bún, miến…) giá không tăng. Mặt hàng mì tôm và áo phao có hiện tượng khan hiếm hàng do đầu cung cấp không có hàng.

Đến thời điểm hiện tại, cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ổn định, không có hành vi lợi dụng tình hình mưa bão để găm hàng, tăng giá hàng hóa bất hợp lý để trục lợi.

Thời gian tới, theo dự báo tình hình mưa bão còn tiếp tục diễn ra phức tạp. Do vậy, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Công Thương tiếp tục xây dựng thêm các phương án để dự trữ hàng hóa, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ, đơn vị phân phối triển khai các chương trình bình ổn thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho người dân. Bên cạnh đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Bài, ảnh: Nguyễn Thơm

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/kiem-soat-thi-truong-hang-hoa-thiet-yeu-sau-bao-lu/d20240916152144186.htm