Kiểm soát thuốc lá mới tiếp cận giới trẻ: Luật nghiêm, thực thi yếu

Để ngăn chặn giới trẻ tiếp xúc thuốc lá thế hệ mới như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần đưa mọi sản phẩm này vào kiểm soát, sau đó tăng cường thực thi các biện pháp xử phạt nghiêm minh. Đây cũng là cách mà các quốc gia đi trước đã áp dụng.

Dù Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) 2012 đã quy định rõ làm thế nào để ngăn chặn giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá, song các chuyên gia và đại diện bộ ngành liên quan vẫn quan ngại về tính bao hàm của luật này. Theo đó, để ngăn tình trạng giới trẻ tiếp xúc thuốc lá thế hệ mới như hiện nay, các chuyên gia cho rằng, trước tiên cần đưa mọi sản phẩm này vào kiểm soát, sau đó tăng cường thực thi các biện pháp xử phạt nghiêm minh. Đây cũng là cách mà các quốc gia đi trước đã áp dụng. Mặc dù vậy, để phát huy tính hiệu quả của luật, trước tiên cần đưa các mặt hàng này vào kiểm soát để tạo cơ sở pháp lý cho việc thực thi các biện pháp xử phạt nghiêm minh về sau.

Dễ dàng bắt gặp học sinh sử dụng thuốc lá mới nhập lậu ngoài đường phố

Dễ dàng bắt gặp học sinh sử dụng thuốc lá mới nhập lậu ngoài đường phố

Quản lý nghiêm ngặt, tỷ lệ hút thuốc lá ở giới trẻ gần bằng zero

TS.BS Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI (Nhật Bản) cho biết, Nhật Bản đã hợp pháp hóa thuốc lá làm nóng gần 10 năm qua. Trong năm 2021, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã công bố kết quả khảo sát về tình trạng sử dụng thuốc lá ở giới trẻ sau khi điều tra trên 60.000 học sinh THPT và THCS từ năm 2018-2020. Theo đó, tỷ lệ học sinh THCS sử dụng thuốc lá nói chung là 0%. Còn ở học sinh THPT, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu là 0,1%, thuốc lá làm nóng là 0,1% và thuốc lá điện tử cũng là 0,1%.

TS Kumamaru cho rằng, số liệu này đã chứng minh, với chính sách quản lý nghiêm ngặt từ Chính phủ, việc cung cấp hợp pháp thuốc lá làm nóng tại Nhật Bản không làm cho tỷ lệ sử dụng sản phẩm ở giới trẻ của quốc gia này tăng lên. Từ đó, giả thuyết về khả năng giới trẻ chuyển từ thuốc lá làm nóng sang hút thuốc lá điếu là rất ít có khả năng xảy ra.

“Việc buộc người hút thuốc cai thuốc là rất khó. Chúng ta không đảm bảo việc sử dụng thuốc lá làm nóng là tốt. Tuy nhiên, một khi chúng ta nhận thấy hàm lượng các chất độc hại khi sử dụng thuốc lá làm nóng giảm so với hút thuốc lá điếu thì điều này vẫn tốt hơn”, TS.BS Hiroya Kumamaru nói.

TS.BS Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI (Nhật Bản)

TS.BS Hiroya Kumamaru, chuyên gia tim mạch, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa AOI (Nhật Bản)

Ngăn giới trẻ bằng cách tăng cường thực thi biện pháp xử phạt

Cũng theo các chuyên gia, việc bảo vệ giới trẻ tránh xa mọi loại sản phẩm thuốc lá là điều bắt buộc, tuy nhiên, không nên bắt đầu bằng việc cấm đoán cực đoan thuốc lá mới trong bối cảnh thuốc lá điếu truyền thống vẫn đang là ngành hàng kinh doanh hợp pháp và thậm chí còn dễ dàng tiếp cận với giới trẻ. Ngược lại, để đạt mục tiêu này, hướng tiếp cận hiện đang được phần lớn Chính phủ các nước trên toàn cầu lựa chọn đó là siết chặt quản lý tất cả mọi loại thuốc lá và giám sát tình trạng sử dụng trong giới trẻ.

Nói về tình trạng giới trẻ sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới hiện nay, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Bộ Tư pháp khẳng định: “Vì chưa được đưa vào quản lý nên dẫn đến việc giới trẻ dễ tiếp cận thuốc lá mới. Thực ra trong Luật Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, việc ngăn chặn học sinh, sinh viên sử dụng thuốc lá đã có quy định rất đầy đủ”.

Vấn đề đặt ra đâu là lực lượng chuyên trách thực thi xử lý vi phạm đối với người chưa đủ 18 tuổi công khai hút thuốc lá điếu hay cầm trên tay bất kỳ thiết bị, dụng cụ, tinh dầu của thuốc lá mới.

“Tuy nhiên, khâu thực thi luật pháp lại đang rất yếu. Bây giờ nhìn thấy một bạn dưới 18 tuổi đi mua thuốc lá thì không biết ai sẽ xử phạt. Vì vậy phải có lực lượng chuyên trách làm việc này, thì việc ngăn chặn giới trẻ mới hiệu quả hơn”, ông Lê Đại Hải đánh giá.

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp

Cũng theo ý kiến các chuyên gia, để việc quản lý có thể sớm triển khai cần xem xét các sản phẩm đã phù hợp với luật hiện hành để đưa vào kiểm soát. Điển hình như thuốc lá làm nóng do có chứa nguyên liệu là thuốc lá nên đã hoàn toàn phù hợp theo định nghĩa của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Nghị định 67/2013 về kinh doanh thuốc lá và đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận là thuốc lá để được quản lý theo luật kiểm soát thuốc lá của từng quốc gia. Do đó, Chính phủ có thể ban hành Nghị định sửa đổi để đưa vào quản lý ngay thuốc lá làm nóng, hay sản phẩm thuốc lá mới nào đáp ứng định nghĩa của luật, vì không có rào cản, vướng mắc liên quan đến tính pháp lý theo cả luật trong nước lẫn quốc tế.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, hành lang pháp lý cho sản phẩm cần song hành với việc thực thi xử phạt. Cụ thể, cần cấm hoàn toàn người dưới 18 tuổi sử dụng thuốc lá, dù là thuốc lá điếu truyền thống hay thuốc lá mới. Đồng thời, với những nhà cung cấp phát sinh giao dịch với các đối tượng chưa đủ tuổi cũng cần phải tăng hình thức và mức xử phạt có tính răn đe.

Hiện thuốc lá làm nóng được 184 trong tổng số 195 quốc gia thành viên của WHO cung cấp hợp pháp cho người hút thuốc. Các quốc gia đã thương mại hóa thuốc lá làm nóng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ đối với loại sản phẩm này, trong đó bao gồm không được phép đưa ra những tuyên bố chưa được khoa học kiểm chứng, không gây nhầm lẫn các sản phẩm này là hoàn toàn vô hại, phạt nặng hoặc tước giấy phép đối với những thương nhân có giao dịch với người dưới 18 tuổi.

Thiên Bình/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/kiem-soat-thuoc-la-moi-tiep-can-gioi-tre-luat-nghiem-thuc-thi-yeu-post1042718.vov