Kiểm soát thương mại chiến lược: Không thể chậm trễ

Xây dựng Nghị định quy định về kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ bảo vệ công nghệ lõi mà còn thu hút các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân - đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Việc xây dựng hành lang pháp lý là cần thiết

- Thời gian qua, xu hướng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn, ông đánh giá như thế nào về việc này?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Chuyển dịch chuỗi cung ứng là một trong những động thái tái cơ cấu nền kinh tế thế giới. Đây cũng là xu hướng khách quan. Đặc tính của chuỗi cung ứng đã có sự thay đổi, đó là những chuỗi cung ứng công nghệ cao, gắn với bí quyết công nghệ. Công nghệ được xem như là một trong những yếu tố có tính chất cốt lõi, cấu thành năng lực cạnh tranh của quốc gia, thậm chí là vị thế quốc gia.

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh minh họa

Thị trường bán dẫn của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 7,01 tỷ USD vào năm 2028. Ảnh minh họa

Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng một mặt là để bảo vệ lợi ích của các quốc gia từ chính góc độ chuỗi cung ứng và không để bị các đối tác khác chi phối. Dịch chuyển chuỗi cung ứng cũng tạo điều kiện cho các nguồn lực khác (đất đai, lao động) được giải phóng. Chuỗi cung ứng sẽ được dịch chuyển đến những nơi có điều kiện thuận lợi và được cho là mảnh đất màu mỡ cho sự phát triển.

- Cùng với việc đầu tư, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược nhằm nâng cao năng lực kiểm soát công nghệ, tăng khả năng thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giảm thiểu khả năng các công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu. Ông bình luận gì về việc này?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Trong việc dịch chuyển chuỗi cung ứng này, nếu như các chuỗi cung ứng với công nghệ lõi không được bảo vệ một cách đầy đủ, trọn vẹn thì việc đánh mất hay bị sao chép, bắt chước tài sản chiến lược, tài sản trí tuệ rất dễ xảy ra.

Trong điều kiện như vậy, Việt Nam cũng phải có cơ chế bảo hộ tài sản chiến lược, bảo vệ lợi ích thương mại chiến lược, bảo vệ các bí quyết công nghệ của các đối tác khác. Nếu chúng ta không bảo hộ bí quyết công nghệ của các đối tác thương mại thì họ sẽ không dám đầu tư vào Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: N.H

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng. Ảnh: N.H

Như vậy, việc xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược sẽ vừa nhằm mục đích bảo vệ Việt Nam và bảo vệ cho đối tác nước ngoài. Đồng thời, thể hiện Việt Nam đã hiểu được thị trường công nghệ cao là thị trường đòi hỏi mức độ bảo hộ chặt chẽ, có hiệu lực cao, công cụ bảo hộ sắc bén, có khả năng ngăn chặn được tình trạng “chảy máu” tài sản công nghệ cao cũng như để tài sản này phát huy tác dụng tốt nhất.

- Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi. Theo ông, việc này có ý nghĩa như thế nào trong việc tạo nền tảng chắc chắn cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn cũng như thể hiện trách nhiệm của quốc gia có quy mô thương mại lớn?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Thứ nhất, từ khoảng năm 2021, tôi cũng đã đưa ra dự báo khả năng tổng kim ngạch xuất nhập năm 2025 sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ USD. Trong xuất khẩu của Việt Nam, xuất khẩu hàng công nghệ cao chiếm khoảng 40-50% tỷ trọng hàng công nghiệp của Việt Nam. Con số này cao hơn mức trung bình chung của thế giới và ASEAN. Điều này thể hiện tiềm lực của hàng công nghệ cao Việt Nam.

Việt Nam cũng có rất nhiều tài sản chiến lược, nhất là khi chúng ta đã có Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết sẽ thúc đẩy việc gia tăng đầu tư vào nghiên cứu đổi mới và phát triển. Chắc chắn, sẽ có nhiều tài sản chiến lược mà Việt Nam có thể phát triển được. Do đó, chúng ta cũng cần có thể chế để bảo hộ tài sản chiến lược của Việt Nam. Nếu không, chúng ta sẽ xuất khẩu tài sản chiến lược một cách rất rẻ.

Thứ hai, Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, đặc biệt đối với các ngành sản xuất các sản phẩm công nghệ cao như điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Các nước muốn xuất khẩu công nghệ cao sang Việt Nam, nhưng nếu không có hành lang pháp lý để bảo vệ công nghệ của họ, dẫn đến công nghệ nguồn này bị đưa sang các nước thứ ba khi chưa được sự đồng ý của nước xuất khẩu thì họ cũng rất e ngại. Việc bảo hộ bằng hệ thống pháp lý cực kỳ chặt chẽ, nghiêm túc với chế tài rất mạnh, chỉ khi đó, phía nước ngoài mới yên tâm chuyển giao công nghệ ‘tầm vóc’ sang Việt Nam.

Vì vậy, việc xây dựng Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là bước đi cực kỳ quan trọng thể hiện được tầm nhìn xa, trông rộng và tạo ra những đột phá về phát triển khoa học công nghệ, khắc phục thâm hụt thương mại giữa Việt Nam với các đối tác có công nghệ chiến lược.

Nghị định cần làm rõ hơn các khái niệm

- Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo Thường trực Tổ biên tập khẩn trương tiếp thu góp ý, hoàn thiện dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược để trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất. Ông có góp ý, đề xuất với Dự thảo Nghị định, để khi Nghị định ra đời sẽ đạt hiệu quả cao nhất?

PGS.TS Nguyễn Thường Lạng: Dự thảo đã đưa ra khuôn khổ có tính chất pháp lý ban đầu về bảo hộ tài sản và công nghệ thương mại chiến lược, đặc biệt là công nghệ hàng hóa lưỡng dụng trong cả quốc phòng và dân dụng.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần chỉ ra mặt hàng nào được cho là mặt hàng thương mại chiến lược; mặt hàng nào được cho là công nghệ chiến lược; mặt hàng nào thuộc về bí mật, công nghệ cần được bảo hộ. Việc này để tránh tình trạng các mặt hàng này được ở ngoài thị trường một cách tự do sau đó họ chuyển thành vũ khí hay vũ khí chiến lược.

Phải xác định rõ mục tiêu chúng ta cần ngăn chặn cái gì, bảo vệ cái gì, nhất là đối với các công nghệ lõi thì quy chế bảo vệ cần phải được chặt chẽ hơn, chế tài phải mạnh hơn, hình phạt phải cao hơn, thậm chí đưa ra quy định cấm chuyển giao công nghệ trong thời gian bao nhiêu lâu và có những mặt hàng có thể cấm vĩnh viễn (liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia).

Nghị định cần làm rõ các khái niệm. Ví dụ, như với phần mềm, việc xác định phần mềm với tư cách là hàng hóa lưỡng dụng và phần mềm được bảo hộ dưới tư cách là mặt hàng thương mại chiến lược cần phải được định nghĩa thật rõ. Để sau này những phần mềm chúng ta xây dựng ra được kiểm soát một cách đầy đủ và chặt chẽ.

Một vấn đề nữa cần đề cập đến đó là công nghệ hiện nay thay đổi liên tục, cần quy định mấy năm thì công nghệ này được cho phép đưa ra bên ngoài và được sử dụng rộng rãi (trong điều kiện khi đưa công nghệ này ra ngoài thì phải có công nghệ khác tốt hơn).

Cần tham khảo thêm quy định của các nước để Nghị định được hoàn thiện hơn, như tại Mỹ có Đạo luật Cải cách kiểm soát xuất khẩu (RCA) hay tại EU có Quy định Kiểm soát xuất các sản phẩm dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự;… Tuy nhiên, Nghị định cũng cần được ban hành sớm để các nước tin rằng Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và làm việc một cách chủ động, tích cực.

Xin cảm ơn ông!

Ngày 1/4/2025, Bộ Công Thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược lên cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-soat-thuong-mai-chien-luoc-khong-the-cham-tre-381402.html