Kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Cùng với nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, công tác dân số tỉnh Phú Thọ đang đứng trước khó khăn, thách thức khi tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn ở mức cao. Trước những dự báo về hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Phát tờ rơi tuyên truyền trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn.

Phát tờ rơi tuyên truyền trong chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ tại xã Tân Minh, huyện Thanh Sơn.

Mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện ở Việt Nam từ những năm đầu của thế kỷ XXI, biểu hiện thông qua tỷ số giới tính khi sinh (SRB). SRB được tính bằng số trẻ em trai so với số trẻ em gái sinh ra sống trong cùng một khoảng thời gian, thường được tính trong vòng một năm. Tỷ số này trong khoảng 103 đến 106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái (103-106/100) được coi là mức cân bằng hay còn gọi là mức sinh học tự nhiên. Tỷ số giới tính nằm ngoài khoảng trên (cao hơn hoặc thấp hơn) đều được coi là mất cân bằng giới tính khi sinh.

Ở Phú Thọ, mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện vào năm 2006, với mức chênh lệch SRB là 111,3/100 và tăng cao vào năm 2009 là 116,7/100. Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng Nho giáo, tâm lý thích con trai của nhiều cá nhân, cặp vợ chồng; việc dễ dàng tiếp cận, lạm dụng sự phát triển của công nghệ và sự tiến bộ của y học hiện đại trong hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi; chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa bảo đảm nên người dân có tâm lý sống dựa vào con (con trai) khi về già...

Để kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Tỉnh ủy Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết 26-NQ/TU ngày 05/6/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác Dân số-KHHGĐ giai đoạn 2009-2015; Kế hoạch số 47-KH/TU ngày 22/12/2017 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; UBND tỉnh ban hành Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2011-2015, Kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2020, 2021-2025...; các văn bản chỉ đạo triển khai đã được cụ thể hóa tại 100% các huyện, thành, thị và xã, phường, thị trấn.

Các hoạt động can thiệp được thực hiện đồng bộ và phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn như: Xây dựng các mô hình hỗ trợ, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái; thành lập và duy trì hoạt động các CLB phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên, CLB vị thành niên/thanh niên, CLB tiền hôn nhân, CLB bạn gái tiêu biểu trong các trường THCS, THPT; tổ chức các chiến dịch truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh, tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Pháp lệnh Dân số, Nghị định của Chính phủ về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức và quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới...

Huyện Thanh Sơn có 32 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Mường chiếm trên 56% tổng dân số, điều kiện kinh tế, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, trình độ nhận thức của người dân không đồng đều.

Đồng chí Hà Quốc Việt - Trưởng Phòng Dân số - Truyền thông giáo dục sức khỏe (Trung tâm Y tế huyện Thanh Sơn) cho biết: “Để nâng cao hiệu quả truyền thông về dân số nói chung, mất cân bằng giới tính khi sinh nói riêng, Trung tâm đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó chú trọng phát huy vai trò của mạng lưới cộng tác viên dân số trong các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng. Bên cạnh đó các mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại 23 xã, thị trấn và 10 trường THCS, THPT cũng thường xuyên duy trì hoạt động và đạt hiệu quả; đồng thời trong các buổi hội, họp đều lồng ghép phổ biến, quán triệt quy định nghiêm cấm cung cấp thông tin và thực hiện các dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức tới cán bộ y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn”.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị liên quan; sự nỗ lực rất lớn của hệ thống Y tế - Dân số và sự đồng tình ủng hộ của toàn xã hội, sau 15 năm tích cực triển khai, Phú Thọ đã kìm chế được tốc độ gia tăng SRB và từng bước giảm khoảng cách chênh lệch SRB giữa trẻ em nam và trẻ em nữ như: SRB giảm từ 117,4/100 (2010) xuống còn 114,15/100 (2023).

Hiện nay, Phú Thọ không thuộc 6 tỉnh có SRB cao nhất cả nước nhưng vẫn là tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao. Theo ước tính đến năm 2026 trở đi, khi trẻ em sinh ra sau năm 2006 bước vào độ tuổi kết hôn, Phú Thọ sẽ xuất hiện tình trạng nhóm nam giới dư thừa so với nhóm nữ giới cùng độ tuổi khoảng 10%.

Để giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần tiếp tục ưu tiên triển khai và ban hành các chính sách khuyến khích phụ nữ và trẻ em gái, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội; giải quyết tốt chế độ an sinh xã hội cho người cao tuổi; đẩy mạnh truyền thông cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao (đã sinh một đến hai con gái); đặc biệt cần quan tâm đến việc nâng cao hiệu lực thực thi những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị định; phối hợp liên ngành trong việc triển khai thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh xuất bản phẩm, dịch vụ y tế vi phạm chính sách dân số về hành vi lựa chọn giới tính thai nhi; đồng thời ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết các mục tiêu về mất cân bằng giới tính khi sinh.

Hồng Quân

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/kiem-soat-tinh-trang-mat-can-bang-gioi-tinh-khi-sinh-222433.htm