Kiểm soát vũ khí hạt nhân – 'Trận địa' mới trong cạnh tranh Mỹ-Trung

Giải trừ vũ khí hạt nhân có thể trở thành một 'trận địa' mới trong mối quan hệ đang rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ trong bối cảnh Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán với Washington và Moscow để gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới), vốn sẽ hết hiệu lực từ tháng 2/2021.

Trung Quốc đã ra mắt tên lửa hạt nhân chiến lược liên lục địa Dongfeng-41 trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bắc Kinh năm 2019. (Nguồn: Tân Hoa Xã)

Ngày 10/ 6, đặc phái viên của Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea kêu gọi Bắc Kinh suy nghĩ lại về quyết định từ chối ngay trước thời điểm diễn ra các cuộc đàm phán vào cuối tháng này.

Theo South China Morning Post, ông Billingslea sẽ gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tại thủ đô Vienna (Áo) vào ngày 22 /6 tới nhằm thảo luận về việc mở rộng START mới. Đây là hiệp ước được đàm phán dưới thời Tổng thống Barack Obama và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.

Một ngày sau khi Bắc Kinh từ chối tham gia đàm phán, ông Billingslea viết trên trang Twitter: “Trung Quốc vừa nói rằng họ không có ý định tham gia đàm phán ba bên. Họ nên cân nhắc lại. Bắc Kinh cần phải hành xử với trách nhiệm của một cường quốc để có thể đạt được vị thế của một cường quốc. Sẽ không còn bức tường thành bí mật để phát triển hạt nhân nữa. Chiếc ghế trống trong bàn đàm phán vẫn đang chờ Trung Quốc ở Vienna”.

Trung Quốc đã thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 và được công nhận là một trong 5 cường quốc hạt nhân theo Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đưa ra một thỏa thuận trong tương lai để thay thế START mới năm 2010. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, khả năng hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc đang được củng cố và hiện đại hóa là mối đe dọa ngày càng lớn đến Mỹ và các đồng minh. Hiệp ước trên quy định Mỹ và Nga không được triển khai quá 1.550 đầu đạn hạt nhân chiến lược.

Tuy nhiên, Bắc Kinh đã từ chối lời mời tham gia Hiệp ước nói trên của Washington. Tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, Mỹ và Nga hiện là hai quốc gia sở hữu kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, do đó Washington và Moscow “phải có trách nhiệm đặc biệt và ưu tiên cao đối với giải trừ hạt nhân”.

Trước đó, vào tháng 12/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói rằng, Mỹ đang muốn “đẩy trách nhiệm sang các quốc gia khác về vấn đề vũ khí hạt nhân”.

Ông Song Zhongping - nhà phân tích quân sự ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, Trung Quốc đã từ chối tham gia vào các cuộc đàm phán vì kho dự trữ vũ khí hạt nhân của nước này nhỏ hơn nhiều so với Nga và Mỹ.

Theo một báo cáo mới đây của Trung tâm nghiên cứu về loại bỏ vũ khí hạt nhân của Đại học Nagasaki (Nhật Bản), kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính vào khoảng 320 đầu đạn hạt nhân, nhiều hơn Pháp ở mức 290 đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, đó vẫn là một con số nhỏ so với số đầu đạn hạt nhân Nga sở hữu lên tới 6370 và ở Mỹ là 5800.

“Trừ khi Mỹ và Nga cắt giảm kho dự trữ ngang bằng với Trung Quốc, hoặc Trung Quốc phát triển năng lực hạt nhân ngang bằng với Mỹ và Nga, Bắc Kinh sẽ không ngồi vào bàn đàm phán với Washington và Moscow”, ông Song Zhongping cho hay.

Việc Tổng thống Trump thúc đẩy Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán có thể được xem là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm đối phó với Bắc Kinh khi căng thẳng leo thang trên các lĩnh vực từ thương mại và công nghệ đến an ninh và ý thức hệ. Tuy nhiên, ông Song cho rằng, khả năng Trung Quốc tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí không thể diễn ra trong "ngày một ngày hai".

“Đây là một chiến trường mới trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, khi Washington đang cố gắng đưa Bắc Kinh vào một trật tự quốc tế do Mỹ đứng đầu về vũ khí hạt nhân. Mặc dù vậy, năng lực hạt nhân của Trung Quốc còn khá thấp, nên điều mà Bắc Kinh cần làm là tăng cường khả năng hạt nhân chứ không phải giảm đi”, ông Song nhận định.

Start Mới buộc Mỹ và Nga phải giảm một nửa số lượng bệ phóng tên lửa hạt nhân chiến lược và cho phép thiết lập cơ chế giám sát vệ tinh từ xa. Hiệp ước cũng thỏa thuận rằng, sẽ có 18 cuộc kiểm tra tại chỗ mỗi năm để xác minh rằng mỗi bên đều tuân thủ. Một số nhà quan sát cho rằng điều này có lẽ sẽ không được cho phép tại Bắc Kinh.

Lan Phương

(theo SCMP)

Lan Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kiem-soat-vu-khi-hat-nhan-tran-dia-moi-trong-canh-tranh-my-trung-117294.html