Kiểm soát, xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện giao thông
'Công tác kiểm soát tải trọng trên địa bàn được UBND tỉnh Gia Lai và Ban An toàn giao thông tỉnh quan tâm chỉ đạo, nhất là vào các dịp cao điểm, góp phần bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và kiềm chế tai nạn giao thông'-ông Lê Văn Hạnh-Phó Giám đốc phụ trách Sở Giao thông-Vận tải (GT-VT), Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh-khẳng định.
Về lực lượng trực tiếp tham gia kiểm soát tải trọng phương tiện, theo ông Lê Văn Hạnh, ngoài Thanh tra Sở GT-VT và các đội trực thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông (Công an tỉnh) thì còn có Công an cấp huyện. Vừa qua, UBND tỉnh đã phân bổ kinh phí trang bị cân tải trọng xách tay cho Công an cấp huyện phục vụ công tác kiểm soát tải trọng phương tiện.
Theo thống kê, trong 5 năm (2016-2021), Công an toàn tỉnh đã bố trí 32.300 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến đường. Công an tỉnh đã tổ chức cho trên 4.000 tài xế, chủ xe ký cam kết không chở hàng quá khổ, quá tải; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tải trọng phương tiện tại 420 địa bàn dân cư, doanh nghiệp vận tải với hơn 63.000 lượt người tham dự; phát 20.000 tờ rơi, sổ tay tuyên truyền pháp luật giao thông đường bộ cho lái xe; tổ chức 3.750 lượt tuyên truyền bằng xe loa lưu động trên các trục đường trọng điểm.
Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở GT-VT được chia thành 3 đội vừa đảm đương công tác thanh-kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, vừa kiểm soát tải trọng phương tiện; bố trí 1 trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động và 3 cân tải trọng xách tay. Trong 5 năm qua, Thanh tra Sở GT-VT đã thực hiện 642 cuộc thanh tra và 8 cuộc kiểm tra theo chuyên đề xử lý vi phạm về tải trọng phương tiện, tự ý thay đổi kích thước thành thùng xe ô tô tải. Đồng thời, Thanh tra Sở phối hợp cùng Cục Quản lý đường bộ III, Chi cục Quản lý đường bộ III.4, Công an tỉnh tổ chức kiểm tra, kiểm soát tải trọng do các đơn vị này tổ chức. Qua đó, các đơn vị đã yêu cầu 1.055 tài xế, chủ hàng, chủ phương tiện ký cam kết tuân thủ quy định về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước thành thùng xe; biên soạn, in ấn và cấp phát 9.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định của pháp luật về xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa.
Cũng trong 5 năm qua, Thanh tra Sở GT-VT đã phát hiện 1.451 trường hợp vi phạm (1.401 trường hợp chở quá khổ, quá tải; 50 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe); xử phạt vi phạm hành chính đối với 605 tổ chức, 1.779 cá nhân với tổng số tiền gần 17,23 tỷ đồng, tước quyền sử dụng có thời hạn 796 giấy tờ liên quan, hạ tải gần 3.485 tấn hàng hóa. Các đơn vị thuộc Công an tỉnh cũng phát hiện 1.769 trường hợp vi phạm (1.520 trường hợp quá tải trọng phương tiện; 3 trường hợp quá tải trọng cầu, đường và 246 trường hợp vi phạm kích thước thành thùng xe); xử phạt 1.752 trường hợp với số tiền xử phạt gần 4,7 tỷ đồng, tước 359 giấy tờ liên quan, tạm giữ 25 phương tiện.
Tuy vậy, theo đánh giá của Ban An toàn giao thông tỉnh, kết quả xử lý vi phạm tải trọng phương tiện chưa tương xứng với tình hình thực tế, nhất là kiểm soát tải trọng từ đầu nguồn hàng. Bên cạnh đó, phần lớn các mỏ khoáng sản, vật liệu chưa thực hiện lắp đặt cân tải trọng và camera giám sát theo quy định; việc kiểm tra, giám sát tại mỏ vật liệu chưa được thực hiện. Tình trạng tự ý cải tạo kích thước thành thùng xe diễn ra khá phổ biến. Hiệu quả hoạt động của Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động số 55 đạt thấp. Ngoài ra, theo báo cáo của Công an tỉnh thì 14 cân tải trọng xách tay bị sai lệch số liệu, hư hỏng không sử dụng được.
Hiện nay, tình trạng phương tiện chở quá khổ, quá tải vẫn còn diễn ra khá phức tạp, nhất là vào mùa thu hoạch nông sản và thời gian cao điểm xây dựng cơ bản. “Trên cơ sở Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 25-11-2016 của Thủ tướng Chính phủ, các đơn vị, địa phương cần chú trọng hơn nữa tới công tác kiểm soát tải trọng phương tiện vận tải đường bộ. Trong đó, trọng tâm là kiện toàn nhân lực, đầu tư trang-thiết bị cho lực lượng chức năng thực hiện công tác kiểm soát tải trọng phương tiện; đồng thời tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ để phát hiện, xử lý vi phạm. Ngoài ra, lực lượng kiểm soát cần bám sát địa bàn, tuyến trọng điểm, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định về trật tự an toàn giao thông ngay từ địa bàn cơ sở”-ông Hạnh cho biết.