Kiểm toán chỉ rõ nhiều bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa đúng quy định về nguồn cải cách tiền lương

Trong báo cáo Kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023 của Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày trước Quốc hội chiều 16/5 nổi lên vấn đề đáng chú ý về nguồn thực hiện chính sách cải cách tiền lương với số dư Quỹ lớn.

Trong kiểm toán ngân sách, KTNN chú trọng kiểm toán vấn đề nguồn cải cách tiền lương tại các địa phương. Ảnh minh họa: H.THOAN

Trong kiểm toán ngân sách, KTNN chú trọng kiểm toán vấn đề nguồn cải cách tiền lương tại các địa phương. Ảnh minh họa: H.THOAN

Trích lập chưa đảm bảo tỷ lệ, chưa đúng quy định

Báo cáo kiểm toán nêu, nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2023 chuyển sang năm 2024 là 536.394 tỷ đồng, bao gồm ngân sách địa phương là 387.186 tỷ đồng, ngân sách trung ương 149.207,9 tỷ đồng. Kết quả kiểm toán cho thấy, tại nhiều bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực hiện đúng theo quy định.

Một số đơn vị sự nghiệp công lập của các bộ, cơ quan trung ương chưa trích lập, trích lập nguồn cải cách tiền lương chưa đảm bảo tỷ lệ, trong đó tại nhiều Bộ, con số thực hiện chưa đúng lên tới hàng chục tỷ đồng. Bất cập đáng chú ý nữa, một số bộ, cơ quan trung ương chưa quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn cải cách tiền lương. Đơn cử tại 01 Bộ, các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên không quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định; còn tại 01 Bộ khác, một số đơn vị chưa quyết định tỷ lệ nguồn thu phải trích lập và chưa thực hiện trích lập để tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP. Trong khi đó, tại ngành khác, có đơn vị không thuộc đối tượng nhưng vẫn trích lập nguồn cải cách tiền lương.

Tại các địa phương, một số nơi chưa rà soát hết nguồn lực khi xác định nhu cầu, dẫn đến trong năm ngân sách trung ương bổ sung song cuối năm vẫn còn dư nguồn cải cách tiền lương. Một số nơi chưa trích lập đủ hoặc xác định nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.528,72 tỷ đồng, vì vậy, KTNN đã kiến nghị phải giảm dự toán năm sau hoặc nộp trả NSNN tại 17/56 địa phương 959 tỷ đồng, 18/56 địa phương trích bổ sung 1.361,635 tỷ đồng, 13/56 địa phương kiến nghị theo dõi nguồn 1.208,06 tỷ đồng). Cùng với đó, 11/56 địa phương theo dõi, quản lý nguồn cải cách tiền lương chưa phù hợp 3.715,52 tỷ đồng; 18/56 địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi đầu tư, chi thường xuyên hoặc các nhiệm vụ khác không đúng quy định 1.389,679 tỷ đồng...

Lập dự toán tạo nguồn cải cách tiền lương không sát thực

Theo Điều 4 Thông tư số 88/2024/TT-BTC ngày 24/12/2024 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN 2025, việc tạo lập nguồn cải cách tiền lương từ: 70% tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán; 50% tăng thu ngân sách địa phương dự toán năm hiện hành so với dự toán năm trước liền kề; 40% thu sự nghiệp, 35% thu viện phí; 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên…

Thực hiện Nghị quyết 57, Chính phủ cần đổi mới kế hoạch bố trí ngân sách cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đề nghị Chính phủ bố trí đủ ít nhất 3% Ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này và tiếp tục nâng lên tỷ lệ chi cho KHCN lên 2% GDP trong 5 năm tiếp theo. Sớm công bố chính sách này và hướng dẫn thủ tục thực hiện thuận lợi. Tiến hành rà soát, điều chỉnh các đề án, dự án để đảm bảo phù hợp với Nghị quyết 57, tránh lãng phí, tập trung đầu tư hiệu quả, có trọng tâm. Đồng thời, cải cách triệt để quy trình phân bổ, quản lý và thanh quyết toán kinh phí, loại bỏ cơ chế “xin - cho” và các thủ tục rườm rà để tối ưu hóa nguồn lực và khuyến khích sáng tạo.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Qua thực tiễn kiểm toán, KTNN đánh giá, việc phải sử dụng 70% từ nguồn tăng thu ngân sách địa phương so với dự toán để tạo nguồn cải cách tiền lương song dự toán thu lại có xu hướng lập không sát khả năng thực tế, dẫn tới số tăng thu cao, nhưng chủ yếu lại sử dụng cho cải cách tiền lương, trong khi nhiều nhiệm vụ chi cần thiết, cấp bách khác, như: chi đầu tư phát triển, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo..., lại thiếu nguồn để chi.

Qua tổng hợp nguồn kinh phí cải cách tiền lương cho thấy, số dư lũy kế nguồn này tăng nhanh qua các năm (năm 2021 là 262.974 tỷ đồng, năm 2022 là 432.350 tỷ đồng, năm 2023 là 536.394 tỷ đồng) và tại Nghị quyết số 159/2024/QH15 ngày 13/11/2024 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2025 đã mở rộng phạm vi sử dụng nguồn cải cách tiền lương, cụ thể, với nguồn cải cách tiền lương của địa phương “cho phép địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư cho các dự án kết nối...”; với nguồn cải cách tiền lương của Trung ương “cho phép từ ngày 01/7/2024 được mở rộng phạm vi để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo trợ xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế”.

Trong bối cảnh nước ta đang tập trung đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số thì kiến nghị của KTNN đưa ra là rất hợp lý. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang trong giai đoạn xây dựng bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và xác định vị trí việc làm thì nguồn lực cải cách tiền lương cũng rất cần thiết. Do đó, cần xem xét, đánh giá vấn đề này một cách toàn diện, đầy đủ, thận trọng để quản trị hiệu quả nguồn lực này vừa đảm bảo mục tiêu như kiến nghị của KTNN cũng như đảm bảo nguồn lực cải cách tiền lương. Theo đó, phải có đánh giá tác động sát thực để quyết định.

Đại biểu Quốc hội Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang)

Về sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024, 2025 cho thấy, tổng kinh phí cải cách tiền lương đã sử dụng là 185.659 tỷ đồng. Trong đó, năm 2024, các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2023 còn dư chuyển sang là 19.040 tỷ đồng để thực hiện mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng; bổ sung 55.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương của ngân sách trung ương vào dự toán thu NSNN năm 2024... Năm 2025 sử dụng nguồn kinh phí cải cách tiền lương đến hết năm 2024 còn dư chuyển sang để thực hiện mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng với số tiền 111.619 tỷ đồng (gồm 60.000 tỷ đồng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương và 50.619 tỷ đồng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương). Như vậy, đến năm 2025 nguồn cải cách tiền lương năm 2023 chuyển sang 2024 vẫn còn dư 350.735 tỷ đồng (536.394 tỷ đồng - 185.659 tỷ đồng), trong khi số dư nguồn tích lũy cải cách tiền lương nêu trên chưa bao gồm khoản phải trích tạo nguồn cải cách tiền lương các năm 2024, 2025.

Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị cần nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội xem xét quyết định điều chỉnh giảm tỷ lệ trích tạo nguồn cải cách tiền lương từ số tăng thu NSNN (hiện nay là 70% số tăng thu so với dự toán trừ các nguồn thu sử dụng đất, xổ số kiến thiết, thu bán nhà thuộc sở hữu nhà nước…) để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, khoa học công nghệ, chuyển đổi số và các nhiệm vụ cần thiết khác./.

SONG HỒNG

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/kiem-toan-chi-ro-nhieu-bo-nganh-dia-phuong-thuc-hien-chua-dung-quy-dinh-ve-nguon-cai-cach-tien-luong-40304.html