Kiểm toán Nhà nước: 30 năm đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Ngày 3/7, tại Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo với chủ đề 'Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển'. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm, hướng tới 30 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2024).
Góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tập thể lãnh đạo KTNN, công chức, viên chức và người lao động của KTNN đã nỗ lực phấn đấu không ngừng, tạo nên những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào.
Kết quả kiểm toán của KTNN đã giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém. Kết quả kiểm toán cũng phát hiện nhiều bất cập, hạn chế về cơ chế, chính sách để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Hoạt động của KTNN cũng đã góp phần quan trọng làm minh bạch nền tài chính quốc gia; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của quốc gia.
Ban đầu là một cơ quan “giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước và các đoàn thể quần chúng, các tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp”, địa vị pháp lý là cơ quan thuộc Chính phủ, khuôn khổ pháp lý hoạt động là Nghị định của Chính phủ.
Đến nay, KTNN đã trở thành cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Địa vị pháp lý được hiến định tại Hiến pháp 2013; hoạt động theo Luật KTNN.
Theo Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn, trên thế giới, KTNN đã có lịch sử phát triển hàng trăm năm. Nhưng ở nước ta, vào những năm đầu của thập kỷ 90 của thế kỷ XX, trước đòi hỏi của công cuộc đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế, hoạt động kiểm toán với tư cách là một hoạt động do các tổ chức độc lập chuyên nghiệp thực hiện kiểm tra, xác nhận và tư vấn công tác quản lý tài chính, kế toán bắt đầu xuất hiện.
Từ những ngày đầu đầy khó khăn, thiếu thốn, nhưng với lòng quyết tâm của các thế hệ cán bộ qua các thời kỳ và sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành trung ương và địa phương, đến nay bộ máy hoạt động của KTNN đã được kiện toàn với 32 đơn vị (9 đơn vị tham mưu, 8 KTNN chuyên ngành, 13 KTNN khu vực và 2 đơn vị sự nghiệp), với tổng số hơn 2.000 công chức, viên chức, người lao động.
Không chỉ tăng trưởng về số lượng, chất lượng cũng là dấu ấn khi 100% kiểm toán viên nhà nước có trình độ đại học trở lên; có trên 50% cán bộ, công chức có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ được đào tạo bài bản trong nước và quốc tế.
Trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ, KTNN luôn chủ động bám sát chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao.
Hỗ trợ tích cực cho các cấp chính quyền địa phương
Đánh giá cao những bước tiến vững chắc, những thành tựu đáng tự hào của KTNN sau 30 năm, ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ, những năm qua, hoạt động của KTNN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương đánh giá đúng những lợi thế, ưu điểm, cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người dân khu vực nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.
Theo thời gian, tần suất các cuộc kiểm toán không tăng, nhưng quy mô cuộc kiểm toán được lồng ghép các chuyên đề sâu, phù hợp thực tiễn, tính thời sự được xã hội quan tâm, chất lượng hoạt động kiểm toán được nâng lên.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thời gian qua, KTNN cũng đã triển khai hàng chục đoàn kiểm toán tại Ủy ban cũng như tại các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch hằng năm, với các loại hình kiểm toán rất đa dạng, phong phú từ kiểm toán về tài chính, kiểm toán về vấn đề tái cơ cấu, kiểm toán tính tuân thủ và kiểm toán chuyên đề xây dựng cơ bản cũng như là tái cơ cấu doanh nghiệp và kiểm toán vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp.
Các thông tin của KTNN góp phần giúp cho Ủy ban cũng như các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đưa ra những quyết định đúng đắn trong thực hiện các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển được vốn của doanh nghiệp.
Trong 30 năm qua, KTNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn 2.200 văn bản. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2020 là 872 văn bản, trong đó có 8 luật, 38 nghị định, 136 thông tư và 690 văn bản khác. Trong năm 2023, KTNN cũng đã kiến nghị về 84 văn bản phải xem xét, sửa đổi.
Từ góc độ cơ quan của Quốc hội, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh, đóng góp của KTNN qua những kiến nghị về xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật .
Theo ông Lê Minh Nam, các tồn tại liên quan đến hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ảnh hưởng, tác động rất lớn đến việc quản lý, điều hành, và tác động này mang tính chất lan tỏa đến cả toàn xã hội.
“Vì vậy, những kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật, hoàn thiện chính sách nếu được các cơ quan thực hiện việc khắc phục kịp thời thì nó sẽ giúp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý, giúp nâng cao hiệu quả của quản lý. Đặc biệt là, các kiến nghị của KTNN là dựa trên nền tảng quy định pháp luật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và quan trọng là xem xét dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, không phải theo cảm tính” - ông Lê Minh Nam nhấn mạnh.