Kiểm toán nhà nước: Cải thiện 'sức khỏe' cho doanh nghiệp

Hoạt động kiểm toán giúp doanh nghiệp nhà nước cải thiện 'sức khỏe', đồng thời đưa giải pháp để doanh nghiệp hoạt động trong môi trường lành mạnh hơn.

Giúp doanh nghiệp nhận diện và khắc phục bất cập

Theo ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI, doanh nghiệp nhà nước chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Do đó, việc quản lý, bố trí nguồn lực tài chính của doanh nghiệp nhà nước là hết sức quan trọng. Kết quả kiểm toán cho thấy, phần lớn các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã làm ăn có lãi và phát huy được vai trò dẫn dắt các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực như: Năng lượng, viễn thông, chuyển đổi số.

Trong bố trí quản lý vốn, các doanh nghiệp nhà nước đã cơ bản đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Đội ngũ quản lý của các doanh nghiệp được đào tạo bài bản và trình độ quản lý ngày càng tăng lên. Các doanh nghiệp đã phát huy được nguồn lực trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hay trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi quy mô vốn của các doanh nghiệp nước còn khiêm tốn so với doanh nghiệp trên thế giới.

Ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI

Ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI

Tuy nhiên, theo ông Hảo, bên cạnh các doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả và quản lý, bố trí vốn tốt thì không ít các doanh nghiệp quản lý vốn còn lỏng lẻo; một số lĩnh vực còn “hổng”, việc thực hiện quy định pháp luật cũng chưa đầy đủ, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ.

“Biểu hiện là một số dự án đầu tư có nguy cơ gây thất thoát hoặc một số khoản đầu tư ra bên ngoài ngành không hiệu quả, thậm chí có nguy cơ mất vốn, thua lỗ” - ông Hào cho hay.

Bên cạnh đó, nguồn lực đất đai tại một số doanh nghiệp nhà nước cũng chưa được quản lý tốt. Nhiều diện tích đất còn để trống hoặc bị lấn chiếm, tranh chấp. Hơn nữa, một số cán bộ quản lý chưa xứng tầm với vị thế, quản lý kinh tế lỏng lẻo và dẫn đến các vi phạm pháp luật.

“Những tồn tại này đã ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước và ảnh hưởng đến hình ảnh của doanh nghiệp nhà nước” - Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI nhận định.

Theo ông Hào, mục tiêu tối thượng của hoạt động Kiểm toán nhà nước là tất cả vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững. Vì vậy, trong hoạt động của Kiểm toán nhà nước nói chung và trong lĩnh vực kiểm toán doanh nghiệp nhà nước nói riêng thì mục tiêu trước hết là các doanh nghiệp cũng như chủ sở hữu phải thấy được “sức khỏe” của doanh nghiệp mình, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước thấy được các điểm nghẽn, các bất cập của cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện.

“Trong các mục tiêu kiểm toán của Kiểm toán nhà nước, ngoài xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính, báo cáo đầu tư hay cung cấp các tài liệu, số liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước thì có một mục tiêu rất rõ ràng đó là kiến nghị đối với các đơn vị chấn chỉnh các tồn tại, sai sót hay các vấn đề chưa hoàn thiện trong quản lý tài chính, tài sản của mình. Đồng thời, Kiểm toán nhà nước cung cấp thông tin và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách; kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, thất thoát để ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật” - ông Hào cho hay.

Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI cho biết thêm, thời gian qua, tất cả báo cáo kiểm toán ngoài việc chỉ rõ những nội dung mà doanh nghiệp làm được, thì cũng chỉ ra rất cụ thể các sai sót, tồn tại trong quản lý doanh nghiệp cũng như bố trí nguồn lực. Ngoài những kiến nghị về xử lý tài chính, Kiểm toán nhà nước còn đưa ra những kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản của nội bộ doanh nghiệp hay giúp bản thân chủ sở hữu doanh nghiệp nhìn thấy để đưa ra giải pháp khắc phục các tồn tại đó.

Kiểm toán nhà nước giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các tồn tại, bất cập

Kiểm toán nhà nước giúp doanh nghiệp nhận thức rõ hơn về các tồn tại, bất cập

Ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI:

"Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán nhà nước kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn; bịt lỗ hổng trong quản lý kinh tế; đồng thời mở đường cho hoạt động của doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp hoạt động trong môi trường lành mạnh hơn. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước hay chủ sở hữu cấp trên cũng phải đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp bằng thể chế, bằng đốc thúc thực hiện chức năng, nhiệm vụ…"

Đồng thời, Kiểm toán nhà nước còn đưa ra kiến nghị về kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các sai phạm. Từ kiến nghị này, một mặt để các đơn vị, các doanh nghiệp cũng như các cấp, các ngành phân tích rõ những tồn tại xuất hiện từ đâu, do ai và nguyên nhân gì để có giải pháp khắc phục; mặt khác cũng mang tính răn đe, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, nếu để xảy ra sai sót, thất thoát.

Đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp

Theo ông Hào, thời gian qua, các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước được các đơn vị, các doanh nghiệp cơ bản tiếp thu và thực hiện, góp phần giúp hoạt động của doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Thông qua đó, Kiểm toán nhà nước đã đồng hành trong việc đề xuất những nội dung cần sửa đổi hay đốc thúc, tư vấn trong quản lý tài chính, tài sản của các doanh nghiệp.

“Có thể nói, sự hùng mạnh của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng doanh nghiệp. Vì vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới, Kiểm toán nhà nước sẽ chú trọng việc lựa chọn chủ đề và đơn vị được kiểm toán để gia tăng giá trị của báo cáo kiểm toán. Trong đó, Kiểm toán nhà nước định hướng mở rộng, nâng số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề, nhằm đi sâu vào vấn đề, có cái nhìn toàn diện hơn là chỉ kiểm toán một báo cáo tài chính của một đơn vị. Từ đó, có những kiến nghị các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị nhìn thấy rõ các bất cập, điểm nghẽn” - ông Hào nói.

Kiểm toán trưởng, Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VI cũng khẳng định, để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, phục vụ được các đối tượng, từ doanh nghiệp cho đến cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ các cơ quan Quốc hội, phục vụ cho công tác làm luật, Kiểm toán nhà nước xác định: trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán không chỉ về mặt chuyên môn, kiến thức kiểm toán, mà còn liên quan đến kiến thức kinh tế vĩ mô, kiến thức dự báo. Đồng thời, chú trọng giáo dục phẩm chất, làm sao để các kiểm toán viên “Nghệ tinh - Tâm sáng - Công minh - Chính trực”.

Kiểm toán nhà nước cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường minh bạch, công khai hơn nữa các hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán. Đặc biệt, Kiểm toán nhà nước cũng sẽ tham gia thường xuyên vào công tác xây dựng các văn bản pháp luật. Qua đó, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của các doanh nghiệp, mở đường cho doanh nghiệp phát triển.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, Việt Nam có khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm cổ phần chi phối; tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trên toàn quốc đạt hơn 3,8 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2021.

Tính đến ngày 30/6/2023, tổng doanh thu của doanh nghiệp nhà nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm; lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch năm…

Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, nhiều doanh nghiệp nhà nước vẫn gặp khó khăn, thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng nguồn lực nắm giữ.

Qua kiểm toán Báo cáo tài chính năm 2021 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước của 219 đơn vị thuộc 20 tập đoàn, tổng công ty và công ty, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ, việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản của các doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế.

Đặc biệt, trước yêu cầu tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực của doanh nghiệp thì công tác quản trị rủi ro, minh bạch tài chính của doanh nghiệp nhà nước càng trở nên cấp thiết.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-toan-nha-nuoc-cai-thien-suc-khoe-cho-doanh-nghiep-278645.html