Kiểm toán nhà nước: Công khai kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2024
Kiểm toán nhà nước (KTNN) vừa hoàn thành và công bố công khai Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2024 của các đơn vị được giao chủ trì kiểm toán đối với niên độ ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và các kiến nghị năm trước chưa thực hiện hoàn thành.

Các kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN ngày càng giá trị, thể hiện qua tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị ngày càng cao. Ảnh: QUỲNH ANH
Tỷ lệ thực hiện kiến nghị đạt 83,35%
Kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2024 đối với các cuộc kiểm toán năm 2023 về niên độ NSNN năm 2022 của KTNN cho thấy, về cơ bản các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện nghiêm túc các kết luận kiến nghị của KTNN về xử lý tài chính, kiến nghị khác.
Đến 31/12/2024, tổng số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện là 41.624,48 tỷ đồng/49.940,10 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 83,35%, trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi 19.983,34 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 93,62% số kiến nghị; kiến nghị khác 21.641,13 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 75,68% số kiến nghị.
Báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2024
Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo từng đơn vị chủ trì kiểm toán đạt tỷ lệ từ 52,85% đến 100%; một số đơn vị có tỷ lệ thực hiện kiến nghị cao (trên 90%), một số đơn vị có tỷ lệ thực hiện kiến nghị đạt dưới trung bình chung toàn Ngành (83,35%).
Về nguyên nhân chưa thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị kiểm toán, theo báo cáo của các đơn vị gồm:
- Nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán là 7.610,95 tỷ đồng, chiếm 91,53%;
- Nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN 8,6 tỷ đồng, chiếm 0,1%;
- Nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 186,79 tỷ đồng, chiếm 2,25%;
- Nhóm nguyên nhân khác 509,28 tỷ đồng, chiếm 6,12%.
Tổng số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác điều chỉnh giảm 1,6 tỷ đồng, trong đó, tại một số Báo cáo kiểm toán, đơn vị được kiểm toán đề nghị KTNN xem xét điều chỉnh và được KTNN thống nhất điều chỉnh giảm bằng văn bản là 1,43 tỷ đồng; điều chỉnh giữa các chỉ tiêu kiến nghị kiểm toán (điều chỉnh giảm chi đầu tư xây dựng sang giảm chi thường xuyên) 0,17 tỷ đồng.
Tổng số kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác điều chỉnh tăng 0,33 tỷ đồng, gồm: bổ sung kết quả kiểm toán do tống hợp thiếu 0,16 tỷ đồng; điều chỉnh giữa các chỉ tiêu kiến nghị kiểm toán 0,17 tỷ đồng.
Tổng số kiến nghị tăng thu, giảm chi, kiến nghị khác chưa được thực hiện là 8.315,63 tỷ đồng, bằng 16,65% tổng số kiến nghị sau điều chỉnh (49.940,10 tỷ đồng), trong đó kiến nghị tăng thu, giảm chi1.361,34 tỷ đồng, chiếm 16,37%; kiến nghị khác 6.954,29 tỷ đồng, chiếm 83,63%.

Đến 31/12/2024, có 67/214 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương yêu cầu rà soát, nghiên cứu hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN. Ảnh: QUỲNH ANH
Liên quan đến kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn, điều hành cơ chế, chính sách, trên cơ sở khai thác số liệu trên phần mềm thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đơn vị được giao chủ trì kiểm toán về tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm của KTNN đối với các kiến nghị về hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách cho thấy, đến 31/12/2024, có 67/214 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương yêu cầu rà soát, nghiên cứu hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; còn 147/214 nội dung/văn bản chưa được thực hiện hoàn thành, các đơn vị đang tiếp thu nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản.
Kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân
Theo Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2023, có 107 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân.
Sau rà soát làm sạch dữ liệu, có 111 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân. Kết quả, tính đến 31/12/2024, có 80/111 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện đầy đủ hoặc một phần theo kiến nghị của KTNN.
Năm 2024, các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện các kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021 trở về trước. Trong đó, kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác thực hiện thêm được 8.255,49 tỷ đồng (gồm tăng thu, giảm chi NSNN 3.014,38 tỷ đồng; kiến nghị khác 5.241,10 tỷ đồng, bằng 12,4% kiến nghị còn lại chưa thực hiện tại thời điểm 31/12/2023 sau rà soát, điều chỉnh và làm sạch dữ liệu (66.523,6 tỷ đồng).
Đến 31/12/2024, tổng số kiến nghị tăng thu, giảm chi, kiến nghị khác niên độ NSNN năm 2021 trở về trước chưa thực hiện là 58.268,11 tỷ đồng, trong đó một số đơn vị có số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác chưa được thực hiện tồn đọng lớn.
Theo báo cáo của các đơn vị, nguyên nhân chưa thực hiện do: Nhóm nguyên nhân thuộc về đơn vị được kiểm toán là 33.045,53 tỷ đồng, chiếm 56,71%; Nhóm nguyên nhân thuộc về trách nhiệm của KTNN 165,32 tỷ đồng, chiếm 0,28%; Nhóm nguyên nhân thuộc về bên thứ 3 là 15.624,60 tỷ đồng chiếm 26,81%; Nhóm nguyên nhân khác 9.432,66 tỷ đồng chiếm 16,19%.
Về kiến nghị văn bản, có 83 nội dung/văn bản đã được Chính phủ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN.
Về kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân, có 232 nội dung kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với niên độ NSNN năm 2021 trở về trước đã được các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện bổ sung trong năm 2024.
Một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến kết quả thực hiện
Qua rà soát, tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 về niên độ ngân sách 2022 của toàn Ngành cho thấy, các KTNN chuyên ngành và khu vực thực hiện nghiêm túc việc lập kế hoạch và kiểm tra tình hình thực hiện các kết luận, kiến nghị; công tác kiểm tra thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán ngày càng được chú trọng; việc cập nhật kết quả trên phần mềm cơ bản thực hiện theo quy định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đáng chú ý như còn khá nhiều kiến nghị kiểm toán chưa được các đơn vị được kiểm toán thực hiện hoàn thành; công tác phối hợp, theo dõi, nghiên cứu giải quyết khiếu nại, kiến nghị kiểm toán của đơn vị được kiểm toán chưa hiệu quả dẫn đến thời gian giải quyết kiến nghị chưa kịp thời...
Còn trường hợp một số kết luận, kiến nghị kiểm toán đúng quy định của pháp luật nhưng không còn khả năng thực hiện do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng (đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị có liên quan bị giải thể, phá sản; cá nhân liên quan thực hiện kiến nghị đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự...) vẫn đang được KTNN theo dõi.
Qua rà soát sơ bộ, số kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện khoảng 4.758,7 tỷ đồng, bao gồm:
- Phá sản 12,34 tỷ đồng; giải thể 273,94 tỷ đồng;
- Chết, mất tích 1,43 tỷ đồng;
- Các trường hợp bất khả kháng khác 4.471,07 tỷ đồng.
"Về vấn đề này, thực hiện Nghị quyết số 132/2024/QH15, KTNN đã có Công văn số 325/KTNN-TH ngày 01/04/2025 gửi Bộ Tài chính để tổng họp, đề xuất cơ chế xử lý chung đối với các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm toán không còn khả năng thực hiện tại Báo cáo quyết toán NSNN năm 2023 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội".
Một phần nguyên nhân khác là do KTNN đã phải nhiều thời gian tiến hành rà soát, làm sạch dữ liệu tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán (đối với các kiến nghị từ năm 2006 đến nay); đồng thời, triển khai thực hiện cập nhập dữ liệu theo mẫu biểu báo cáo kết quả việc thực hiện các kết luận, kiến nghị mới trên phần mềm mới thay cho phần mềm cũ...
KTNN cũng đang nỗ lực chuyển đổi dữ liệu, thực hiện phân loại đầy đủ các thông tin về kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách trên phần mềm mới.

Tăng cường ứng dụng CNTT vào công tác cập nhật dữ liệu kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ảnh minh họa
Giải pháp quyết liệt để tháo gỡ
Để khắc phục những hạn chế, tồn tại, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu, từ năm 2025, các số liệu tổng hợp về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán để phục vụ công tác điều hành, lập báo cáo của Ngành sẽ được sử dụng hoàn toàn thông qua chiết xuất dữ liệu từ phần mềm của KTNN. Các đơn vị có trách nhiệm bố trí thời gian và nhân lực đủ năng lực, kinh nghiệm, thường xuyên cập nhật dữ liệu vào phần mềm kiến nghị kiểm toán đảm bảo kịp thời, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu cập nhật trên phần mềm.
Đối với Cục CNTT, phải tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ các đơn vị trong việc xử lý, giải quyết kịp thời các vướng mắc khi cập nhật, tổng hợp dữ liệu kiến nghị trên phần mềm kiến nghị kiểm toán; Khẩn trương chuyển thông tin dữ liệu từ phần mềm cũ sang phần mềm mới đảm bảo tính chính xác, khớp đúng; Đẩy nhanh công tác rà soát, đối chiếu với phần mềm cũ hoàn thành trước ngày 30/6/2025.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn
Còn các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực, cần tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đảm bảo các kết luận, kiến nghị kiểm toán phải đúng pháp luật, đầy đủ bằng chứng, phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi. Tăng cường phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương được kiểm toán trong việc kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm túc kiến nghị kiểm toán và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Nâng cao trách nhiệm trong công tác phối hợp nghiên cứu, tham mưu, giải quyết các kiến nghị, khiếu nại của đơn vị được kiểm toán theo đúng quy định.
Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ quy định theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN; phối hợp với Cục CNTT để phân loại các kiến nghị về hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách để phân loại dữ liệu được chuyển đổi. Sau khi cơ chế xử lý chung đối với các kết luận, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện được cấp có thẩm quyền ban hành, các KTNN chuyên ngành, khu vực có trách nhiệm tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán rà soát, xử lý theo đúng quy định./.