Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tồn đọng, chấn chỉnh kỷ luật ngân sách
Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 chỉ ra các tồn tại về quản lý thu chi, từ đó Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần chấn chỉnh kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực quốc gia.

Tổng Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Ngày 16/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày. Báo cáo đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quản lý, điều hành đồng thời đã chỉ ra những điểm nghẽn, những lỗ hổng cần được khắc phục để đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả trong quản lý ngân sách Nhà nước.
Nhiều bất cập dẫn đến thất thu ngân sách
Theo báo cáo, thu ngân sách Nhà nước quyết toán 1.770.776 tỷ đồng, vượt 9,3% dự toán song thấp hơn so với thực hiện năm 2022. Chi ngân sách Nhà nước quyết toán 1.936.912 tỷ đồng, đạt 93,3% dự toán. Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn thấp ở nhiều bộ, ngành và địa phương, cho thấy sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Bội chi ngân sách Nhà nước quyết toán 291.564 tỷ đồng và bằng 2,83% GDP thực hiện, thấp hơn nhiều so với dự toán.
Báo cáo cho biết, tổng số nợ công đến 31/12/2023 là 3.722.699 tỷ đồng, bằng 36,07% GDP và nằm trong giới hạn cho phép của Quốc hội. Tuy nhiên, nợ công bình quân đầu người vẫn tiếp tục tăng, gây áp lực lên ngân sách Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Kiểm toán Nhà nước thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý thu, chi ngân sách Nhà nước. Cụ thể là quản lý thuế đối với hộ kinh doanh còn hạn chế. Báo cáo chỉ ra công tác quản lý thu đối với hộ kinh doanh chưa đầy đủ, chính xác. Cơ quan Thuế chưa phối hợp với cơ quan có liên quan để thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các hộ nghỉ kinh doanh quá 6 tháng theo quy định, chưa thực hiện thanh, kiểm tra sau hoàn thuế theo nguyên tắc rủi ro và trong thời hạn 5 năm theo quy định, chậm giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho người nộp thuế theo quy định. Điều này dẫn đến thất thu cho ngân sách Nhà nước và tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
Theo báo cáo cũng chỉ ra một thực tế do chưa có quy định về việc Cơ quan Hải quan khi hoàn thuế cho người nộp thuế phải bù trừ với nợ thuế của Cơ quan Thuế, dẫn đến có nhiều trường hợp Hải quan hoàn thuế cho người nộp thuế song người nộp thuế vẫn có số nợ thuế phải nộp do ngành Thuế quản lý.

Ngày 16/5, Quốc hội đã nghe Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023. (Ảnh: QH/Vietnam+)
Bên cạnh đó,báo cáo cho biết hoạt động quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất còn nhiều bất cập, như tình trạng đơn vị sử dụng đất mà chưa có quyết định thuê đất hoặc hợp đồng thuê đất, chưa thu hồi được đất cho thuê đối với trường hợp đã có quyết định thu hồi đất nhiều năm, chưa điều chỉnh hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuê đất khi hết thời kỳ ổn định đơn giá thuê đất. Bên cạnh đó, việc xác định tiền thuê đất trả liền một lần chưa phù hợp quy định, miễn tiền thuê đất không đúng đối tượng.
Công tác quản lý về tài nguyên khoáng sản còn sai sót trong kê khai sản lượng để tính thuế tài nguyên vượt công suất tại giấy phép khai thác được cấp; kê khai phí bảo vệ bảo vệ môi trường và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản chưa đầy đủ.
Giải ngân vốn đầu tư phát triển thấp
Theo báo cáo, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển còn thấp, cụ thể có 38 bộ, cơ quan Trung ương và 25 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước. Trong đó một số bộ, cơ quan Trung ương có tỷ lệ giải ngân vốn trong nước thấp (dưới 30%), tỷ lệ giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 53,9% kế hoạch.
Thêm vào đó, số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản chưa chính xác. Cụ thể, Chính phủ chưa báo cáo Quốc hội việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản vốn ngân sách Nhà nước tại thời điểm 31/12/2022, số nợ phát sinh và lũy kế tại thời điểm 31/12/2023 và ngày 31/12/2024 theo Nghị quyết số 132/2024/QH15.
Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết việc phân bổ dự toán chi thường xuyên chưa sát thực tế. Cụ thể, Bộ Tài chính còn phân bổ dự toán ngân sách Trung ương để 'Chi hỗ trợ các địa phương thực hiện chế độ, chính sách mới và thực hiện các nhiệm vụ khác của ngân sách Trung ương' số tiền 57.847 tỷ đồng (không bao gồm Chương trình Mục tiêu quốc gia) chưa sát thực tế, dẫn đến phải hủy 37.895 tỷ đồng, chiếm 65,5% dự toán. Ngân sách Trung ương bổ sung cho địa phương để thực hiện các chính sách, chế độ mới về an sinh-xã hội do điều chỉnh chuẩn nghèo và các chính sách phát sinh mới sau thời điểm 1/9/2021 với số tiền 8.430 tỷ đồng theo hình thức bổ sung cân đối là không đúng quy định.
Không chỉ có vậy, báo cáo cũng chỉ ra tình trạng sử dụng sai nguồn, chi không đúng chế độ. Cụ thể, có 9 bộ, cơ quan Trung ương thực hiện chi không đúng chế độ, 7 địa phương hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp và 6 địa phương sử dụng sai nguồn.
Công tác quản lý, sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn kinh phí khác cũng có nhiều bất cập. Theo báo cáo, một số dự án triển khai chậm, đến ngày 31/12/2023 chưa giải ngân hết kế hoạch vốn được giao 1.135 tỷ đồng, trong đó một số địa phương đã nộp trả ngân sách Trung ương theo quy định 120 tỷ đồng. Bộ Tài chính tham mưu bố trí nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2023 hỗ trợ địa phương chưa phù hợp quy định. Đến hết năm 2023, số kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu tại 39/56 địa phương còn tồn chưa hoàn trả ngân sách Trung ương 5.820 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi chuyển nguồn còn nhiều tồn tại, tổng chi chuyển nguồn 1.239.242 tỷ đồng, bằng 39% tổng chi ngân sách Nhà nước, tuy tỷ lệ đã giảm 0,6% so với năm trước (năm 2022 là 39,6%) nhưng vẫn tăng về số tuyệt đối. Nếu loại trừ nguồn thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội, nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thì số chuyển nguồn năm 2023 sang 2024 tăng 47.656 tỷ đồng so với năm 2022. Ngoài ra, báo cáo kiểm toán cho biết có 19/56 địa phương chuyển nguồn sai 3.484 tỷ đồng, 8/56 địa phương chuyển nguồn thiếu 343,63 tỷ đồng và có địa phương chi chuyển nguồn kéo dài qua nhiều năm hoặc sai mục lục ngân sách.
Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm
Trước những tồn tại, hạn chế nêu trên, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều giải pháp chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước.
Trong đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các cấp chỉ đạo những đơn vị liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm để xử lý theo quy định đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong báo cáo kiểm toán. Về điều chỉnh quyết toán ngân sách Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc xử lý, quyết toán vào niên độ năm 2024 đối với các trường hợp Chính phủ không điều chỉnh được số liệu quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 theo Nghị quyết số 91/2023/QH15 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị các bộ, ngành, địa phương rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số nội dung không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn của 177 văn bản. Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị tăng thu giảm chi ngân sách Nhà nước 16.073 tỷ đồng, xử lý khác 15.464 tỷ đồng.

Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cơ bản đầy đủ các nội dung liên quan đến quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ chưa báo cáo được thông tin, số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản. (Ảnh: Vietnam+)
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội-Phan Văn Mãi trình bày Báo cáo thẩm tra nhấn mạnh Chính phủ và các bộ, ngành địa phương đã thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Quốc hội. Báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cơ bản đầy đủ các nội dung liên quan đến quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ chưa báo cáo được thông tin, số liệu nợ đọng xây dựng cơ bản.
“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính ngân sách Nhà nước tại một số bộ, ngành, địa phương tiếp tục vẫn còn những tồn tại hạn chế, kéo dài nhiều năm, chấp hành dự toán quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023 chưa được xử lý dứt điểm hay chưa điều chỉnh số liệu quyết toán theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước. Và, tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán ngân sách Nhà nước sau thời gian chỉnh lý quyết toán chưa được khắc phục.
“Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách Nhà nước theo đúng quy định pháp luật và các nghị quyết của Quốc hội,” Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội nói./.